Lễ kỳ yên đình Phú Nhuận, được tổ chức vào khoảng 16-18 tháng 01 âm lịch hàng năm, tại 18 đường Mai Văn Ngọc phường 10, Phú Nhuận TP Hồ Chí Minh. Trong lễ có các nghi thức tụng kinh cầu an, lễ tế, nghi thức tôn vương và hồi chầu nhằm suy tôn Phật, thần, các vị tiền hiền, hậu hiền.
Hiện nay, còn nhiều ý kiến khác nhau, về thời gian thành lập đình Phú Nhuận, nhưng ý kiến được nhiều người ủng hộ nhất, là đình được xây dựng vào đầu thế kỷ 19. Qua các tài liệu Hán Nôm trong đình cho thấy, mốc thời gian sớm nhất, mà đình được ghi chép bằng văn tự là sắc phong của vua Tự Đức ban cho vào năm 1852. Đó là văn bản cổ xưa nhất, xác định danh tánh ngôi đình, chính vì vậy, nhiều người đã lấy mốc xây dựng đình là năm 1852, bởi họ chưa tìm thấy một bằng chứng nào chắc chắn hơn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng: Đình Phú Nhuận được tái thiết vào năm 1852, nghĩa là đình đã có từ trước đó. Theo di tích còn lại hiện nay, là một cây đòn võng trên nóc đình có khắc chữ Hán ” Tự Đức ngũ niên “, nghĩa là năm Tự Đức thứ năm – tức năm 1852. Đình được tái thiết, vì lúc đầu, nằm ở vị trí khác, bên bờ một con kinh đào (đã lấp), bên cạnh chùa Cây Sai (chùa Phú Thạnh) trên con đường Huỳnh Văn Bánh hiện nay. Vào khoảng giữa thế kỷ 19, dân cư bắt đầu quy tụ về vùng Phú Nhuận, phần lớn, họ thuộc gia đình binh sĩ vào đóng ở trấn Phiên An, hoặc di dân từ “đàng Ngoài” vào. Ông Lê Tự Tài, quê ở Bắc Bộ vào Gia Ðịnh rất sớm, có công huy động dân khẩn hoang, lập ấp ở quanh vùng cầu Kiệu. Ông Tài, từng là thôn trưởng thôn Phú Nhuận và trở thành Xã trưởng, khi Phú Nhuận đổi thành xã, do đó, người ta quen gọi ông là xã Tài. Nhận thấy đình Phú Nhuận, trước kia nằm ở vị trí vùng trũng, gần rạch Thị Nghè, thường bị lầy lội vào mùa mưa nên xã Tài hiến cho làng Phú Nhuận hai mẫu đất trên gò Kim Qui, để dời đình về vị trí hiện nay.
Theo các tài liệu hiện có ở đình, năm 1852 khi mới tái thiết, đình Phú Nhuận, do hội tề làng Phú Nhuận quản trị, kinh phí xây dựng do quỹ làng xuất ra và một phần do dân làng tự ngyện đóng góp.
Lễ Kỳ yên bắt đầu bằng nghi thức tụng kinh cầu an của Phật giáo, tiếp theo là phần múa lân và biểu diễn võ thuật cổ truyền, các nghi thức tế thần, tế tiền hiền, hậu hiền. Buổi tối có phần xây chầu, đại bội và hát bội. Ngày thứ hai và thứ ba có nghi thức tế nam quan, nữ quan theo truyền thống Bắc bộ. Chấm dứt lễ hội là nghi thức tôn vương và hồi chầu theo truyền thống các đình Nam bộ./.
Theo : Cinet