Toàn bộ những vấn đề sáng tác của nhà văn Xô-viết nổi tiếng I-u-ri Tri-phơ-nốp (1935-1981) đều phù hợp với sự tìm tòi về mặt luân lý-đạo đức của nền văn học Xô-viết hiện đại. Các tác phẩm gọi là «truyện dài thành phố» của ông như: «Trao đổi», «Cuộc chia tay lâu dài», «Nếp sống khác» đã khiến ông nổi tiếng trong đông đảo bạn đọc. «Những người sinh viên» (1950) là tác phẩm lớn đầu tiên của nhà văn. Đó là cuốn truyện dài về thanh niên, về sự trưởng thành về mặt đạo đức của người thanh niên trong điều kiện thực tế sau chiến tranh. Va-đim Bê-lốp, hai mươi tuổi, nhân vật chính của cuốn truyện, vừa từ mặt trận trở về nhà. Cũng như nhiều bạn cùng lứa tuổi với mình, bằng kinh nghiệm thực tế của chính mình, anh nhận thức rõ thế nào là chiến tranh, là sự chết chóc, là xương máu, là những đau khổ của con người; những gì anh đã sống qua và trải qua đã trở thành ký ức đạo đức của anh. Ký ức đó lưu lại một cách sâu nặng trong anh, nó quy định mọi hành vi của anh trong cuộc sống thời bình, không cho phép anh tha hóa xuống dưới ngưỡng đạo đức mà những năm tháng chiến tranh không thể nào quên đã ghi dấu lại.
Những tình tiết của cuốn truyện diễn ra trong nhóm những sinh viên khoa ngữ văn của trường đại học Sư phạm thủ đô. Những vấn đề và những xung đột cuốn hút các nhân vật vào quỹ đạo của mình được tác giả miêu tả một cách diễn cảm và xác thực về mặt tâm lý. Ông cho thấy mỗi nhân vật đều có nhận thức của mình về tình đồng chí, có mức độ trách nhiệm của mình, có sự thụ cảm thế giới của mình. Nhưng bạn đọc thấy rằng trong những hoàn cảnh cụ thể chỉ có những ai có khả năng đảm nhận phần trách nhiệm lớn hơn người khác, những ai có thể giúp đỡ những người gặp cảnh bất hạnh mà không chờ họ cầu cứu mới là người thật sự gắn bó với những người xung quanh.
Cuốn truyện được tặng Giải thưởng Quốc gia Liên Xô.