Lời Giới Thiệu
TS. Lê Đăng Doanh
Tôi rất vinh hạnh được TS. Nguyễn Xuân Xanh dành cho đặc ân được giới thiệu với quý độc giả bức Thư gửi Quý nhà giàu Việt Nam của ông, người bạn thân thiết từ năm 1969 đến nay. Bức Thư này không dài nhưng thực sự vô giá vì tính nhân văn cao đẹp của nội dung và tâm huyết của người viết cũng như vì sự ra đời rất đúng lúc của nó đối với nước ta hiện nay khi số người giàu có tăng lên rất nhanh, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng doãng ra và công luận càng lo ngại, bất bình trước những hiện tượng xa hoa, lãng phí vô nghĩa của một số người giàu mới. Nó có thể giúp khơi mào một dòng hoạt động nhân ái tiềm năng còn ẩn chứa trong lòng xã hội Việt Nam. Với tinh thần trọng thị và nghiêm túc khoa học, TS. Nguyễn Xuân Xanh đã hướng tới những người giàu có ở Việt Nam để trình bày chi tiết triết lý hiến tặng tài sản vì nhân ái (philanthropy) chứ không phải chỉ là từ thiện (charity) như lâu nay vẫn diễn ra ở Việt Nam. Bằng những ví dụ sinh động, cụ thể từ cuối thế kỷ thứ 19 ở nước Mỹ và châu Âu, ông đã làm rõ sự khác biệt “Từ thiện dành cho người nghèo túng, trong khi nhân ái dành cho nhân loại” (Gilman) như cho con cá hay cho cần câu cho người nghèo. Tác giả đã thông qua ví dụ của Andrew Carnegie để chứng minh cứu cánh của nhân ái là sự hài hòa xã hội với câu nói nổi tiếng “Ai chết giàu có, chết hổ thẹn” và điều quan trọng không chỉ là “đạt đến sự phồn vinh bằng cách nào” mà “làm gì với sự phồn vinh đó”, tức là dùng sự giàu có của mình để cải thiện xã hội….