LỜI NÓI ĐẦU
Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, Vương quốc Thái Lan có một lịch sử hết sức phong phú và độc đáo. Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, khi hầu hết các dân tộc khác ở châu Á bị rơi vào ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân tư bản phương Tây, thì Thái Lan là nước duy nhất ở Đông Nam Á bảo vệ được nên độc lập chính trị của mình. Chỉ một ví dụ đó cũng nói lên được tính độc đáo trong sự phát triển của Thái Lan: Hơn nữa, từ những cải cách duy tân có tính chất dân chủ tư sản không phải do giai cấp tư sản, mà do triều đình phong kiến Xiêm tiến hành mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, đến ngày nay Thái Lan đang trên đường “vượt Vũ môn” để trở thành một trong những “con rồng” tương lai của châu Á – đó là cả một quá trình phát triển, một lịch sử rất độc đáo và rất đáng chú ý.
Kinh tế của nước ta đang trong quá trình đổi mới, “mở cửa” trong quan hệ hợp tác với cộng đồng quốc tế, trong đó có Thái Lan và các nước khu vực Đông Nam Á. Thực tế lịch sử cho thấy, trong quá trình tồn tại và phát triển, Việt Nam và Thái Lan có mối quan hệ chặt chẽ nhiều mặt trong quá khứ cũng như hiện tại. Chúng ta, do đó, không thể không tìm hiểu một nước láng giêng khu vực quan trọng như Thái Lan có nhiều điểm khác biệt, nhưng cũng không ít điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa. Con đường phát triển của Thái Lan thông qua toàn bộ lịch sử của mình để lại những kinh nghiệm tham khảo rất bổ ích đối với chúng ta khi nhìn lại quá khứ cũng như xây dựng hiện tại và tương lai, khi mà, theo lời Thủ tướng Thái Lan trước đây Xatxai Chunhavan, Đông Dương từ chiến trường đang biến thành thị trường thực sự.
Việc nghiên cứu Thái Lan ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bắt đâu. Những công trình về lịch sử Thái Lan còn quá ít ôi. Trong bối cảnh ấy, việc cung cấp một cuốn Lịch sử vương quốc Thái Lan có tính chất đại cương căn bản từ khởi thủy đến hiện tại, là hết sức cần thiết cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy, các cán bộ ngoại giao, kinh tế, văn hóa, cũng như các sinh viên Đại học, cùng tất cả những ai quan tâm đến lịch sử của đất nước láng giềng này.
Cuốn sách này được xây dựng trên cơ sở tác giả kế thừa và phát triển các công trình nghiên cứu về Thái Lan của các tác giả trong và ngoài nước. Những tác phẩm được kế thừa và phát triển đó được liệt kê ở phần “Tài liệu tham khảo chính” ở cuối cuốn sách.
Tác giả bày tỏ lòng cảm ơn chân thành những người đi trước trong việc nghiên cứu lịch sử Thái Lan, cũng như nhà xuất bản đã tạo điều kiện để cho cuốn “Lịch sử Vương quốc Thái Lan” được ra đời. Chắc chắn công trình không tránh khỏi nhiều thiếu sót. Chúng tôi mong nhận được các ý kiến đóng góp và bổ khuyết.
Tp. Hồ Chí Minh Tháng 1-1994
LÊ VĂN QUANG