Tiếng Nhật 8
LỜI NÓI ĐẦU
“Tiếng Nhật 8″ là sách giáo khoa tiếng Nhật dành cho học sinh lớp 8, cuốn thứ ba trong bộ sách giáo khoa tiếng Nhật dùng cho đối tượng là học sinh phổ thông trung học cơ sở và trung học phổ thông. “Tiếng Nhật 8″ nhằm giúp học sinh tiếp tục làm quen với tiếng Nhật, giúp cho các em có thể nghe, nói, đọc, viết được tiếng Nhật ở mức độ đơn giản, bồi dưỡng cho các em năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật nói riêng, năng lực giao tiếp xã hội nói chung, đồng thời tạo cho các em sự hứng thú và thái độ tiếp nhận đối với nền văn hóa khác – một vấn đề quan trọng trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế.
“Tiếng Nhật 8″ gồm 12 đơn vị bài học, mỗi bài học ứng với 8 tiết học trên lớp.
Nội dung của các bài học là một số chủ đề đơn giản và gần gũi với lứa tuổi học sinh
lớp 8 như thấy cô giáo, các lớp học ngoại khóa, chuyến du lịch, đường từ nhà đến
trường, cuộc sống sinh hoạt và thói quen sinh hoạt của bản thân, gọi điện thoại v.v..
Thông qua các chủ đề này, các em được học cách sử dụng tiếng Nhật để diễn đạt sự
đề nghị hay xin phép, hiểu và viết được các đoạn quảng cáo ngắn, nói về sở thích
hoặc thói quen sinh hoạt của mình, nói chuyện qua điện thoại v.v.
Mỗi bài học trong “Tiếng Nhật 8” gồm các phần sau:
1. Mục tiêu : Chỉ rõ mục tiêu mà học sinh cần đạt được trong bài học.
2. Hãy cùng thảo luận: Đóng vai trò dẫn nhập, nhằm hướng sự chú ý của học sinh vào nội dung của bài học. Việc cho học sinh thảo luận bằng tiếng Việt về chủ đề của bài học sẽ gây hứng thú cho các em đối với việc học cách diễn đạt bằng tiếng Nhật và phát hiện ra những điều thú vị khi so sánh cách diễn đạt trong hai ngôn ngữ.
3. Hội thoại / Bài khóa : Gồm các bài hội thoại hoặc bài khóa nhằm giúp các em làm quen với cách diễn đạt bằng tiếng Nhật khi yêu cầu, đề nghị, xin phép; khi hỏi và đáp về các nội quy hay quy định; khi kể về chuyến du lịch mình đã đi; khi nói về cách thức hành động, sở thích hay thói quen sinh hoạt của bản thân; khi nói chuyện qua điện thoại v.v.
4. Luyện tập và Bài tập : Gồm nhiều bài luyện tập về các cách diễn đạt theo chủ đề của bài học. Phần Luyện tập được tiến hành trên lớp cùng với sự tham gia hoặc hướng dẫn của giáo viên, phần Bài tập do học sinh tự hoàn thành ở nhà. Tuy nhiên, tùy theo tình hình của lớp học, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh làm một số bài của phần Bài tập ở trên lớp.
5. Giải thích : Là phần mà giáo viên sử dụng trên lớp để giải thích một số vấn đề thuộc nội dung học tập. Tuy nhiên, học sinh có thể tham khảo phần Giải thích khi tự học ở nhà.
6. Thư Nhật Bản: Gồm các lá thư viết bằng tiếng Việt của một học sinh Nhật Bản gửi cho một người bạn đang sống ở Việt Nam. Đây là phần giới thiệu cho học sinh về cuộc sống sinh hoạt của học sinh trung học cơ sở Nhật Bản nói riêng và văn hóa Nhật Bản nói chung. Cũng qua phần này, học sinh có dịp đối chiếu những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nền văn hóa Nhật – Việt.
7. Tổng kết : Được bố trí sau từng 3 đơn vị bài học, với nội dung là tóm tắt lại những cấu trúc ngữ pháp đã học và ôn tập từ mới.
Phần giải nghĩa từ mới được đặt ở cuối sách, trong đó các từ mới được bố trí theo thứ tự của các bài, và các từ của mỗi bài được sắp xếp theo thứ tự của bảng chữ cái tiếng Nhật. Phần dịch nghĩa của các câu chào hỏi và các bài hội thoại, phân giới thiệu 25 chữ Hán trong tiếng Nhật cũng được bố trí ở cuối sách, học sinh có thể tham khảo khi học.
Trong quá trình biên soạn, nhóm tác giả đã tham khảo nhiều sách giáo khoa của Nhật Bản và một số nước khác, trong đó có bộ tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa tiếng Nhật 「教科書を作ろう』 của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản. Chúng tôi đã nhận được sự chỉ đạo của Vụ Giáo dục trung học – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà sư phạm trong Hội đồng thẩm định, sự giúp đỡ nhiệt tình của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản và Trung tâm tiếng Nhật quốc tế Urawa. Nhóm tác giả xin chân thành cảm ơn sự chỉ đạo và hợp tác của các cơ quan và các cá nhân dành cho công tác biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Nhật đầu tiên dùng trong trường trung học của nước ta.
Nhóm biên soạn sách giáo khoa “Tiếng Nhật 8″