Đại tự điển chữ Nôm
LỜI GIỚI THIỆU
Cụ Vũ Vân Kính, năm nay 80 tuổi, là một tín đồ Kitô giáo nghiên cứu Hán Nôm học. Cụ cũng là một lương y, kế nghiệp phụ thân làm thuốc. Sau khi về hưu ở Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, bất chấp tuổi cao, sức yếu, Cụ tiếp tục việc nghiên cứu và đã cho ra đời nhiều công trình đáng qui như: “Chữ Nôm thế kỷ XVII” (1992), “Quốc âm thi tập” (1995), Tìm nguyên tác truyện Kiều, “400 bài thuốc gia truyền” (của Thái y viện đời Lê), “Gương hiểu Việt Nam”…; đặc biệt Cụ có công nhiều trong việc khai thác kho tàng Nôm Kitô giáo Maiorica gồm 8.000 trang; cũng như khai thác Địa bạ triều Nguyễn…
Năm 1970, Cụ cho xuất bản Tự điển chữ Nôm (cuốn này đã được Nhà xuất bản Đà Nẵng tái bản). Nay Cụ tiếp tục công trình trên, bổ sung thêm nhiều cứ liệu thu lượm được trong quá trình nghiên cứu, hoàn thành một cuốn “Đại tự điển chữ Nôm” mới, ước tính hơn 3 vạn từ, gần 2.000 trang.
Mấy năm gần đây chữ Nôm được nghiên cứu trong nhiều công trình nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Các công trình của Đào Duy Anh, Nguyễn Tài Cần, Lê Văn Quân, Vương Lộc, Hồ Lê, Trần Xuân Ngọc Lan, Hoàng Thị Ngọ, Nguyễn Ngọc San… và nhiều tác giả khác, thực sự đã thúc đẩy việc nghiên cứu chữ Nôm lên một bước mới. Ở ngoài nước, các công trình nghiên cứu của Paul Schneider rất công phu và đáng lưu ý, đặc biệt là “Dictionnaire historique des Ideogrammes Vietnamiens” (Tự vựng lịch sử chữ Nôm).
Cuốn Đại tự điển chữ Nôm của Cụ Vũ Văn Kính là một đóng góp mới vào việc nghiên cứu chữ Nôm đó. Đó là một kho cứ liệu về chữ Nôm đồ sộ mà người tra cứu có thể dựa vào để “giải mã” văn bản Nôm. Công phu sưu tập, sắp xếp, nghiên cứu… có thể nói đã trải dài trong 40 năm. 40 năm lao động khoa học miệt mài, đơn côi trong một lĩnh vực quá ít người quan tâm cho văn hóa dân tộc, điều đó làm chúng ta xúc động, và kính phục.
Dĩ nhiên là những công trình của Cụ Vũ Văn Kính, trong đó có “Đại tự điển chữ Nôm” này, chắc chắn khó tránh được thiếu sót. chữ Nôm là một thứ chữ “ghi âm”, nhưng ghi qua việc dùng chữ Hán, tuy nhìn chung có tính qui luật, nhưng còn biết bao cái ngoài qui luật, biết bao cải biệt lệ, ngẫu nhiên, thay đổi qua từng thời, từng tác phẩm. Nó chưa hề được điển chế hóa, chưa hề được hoàn thiện đến cùng, mặc dù nó được hình thành từ khá lâu, ít nhất cũng đã có lịch sử mười thế kỷ. Vì vậy, một chữ Nôm có thể được đọc bằng rất nhiều âm, và tùy theo văn cảnh mà người ta ấn định âm cho nó. Nhưng như thế thì đường biên dao động của nó quá rộng, tính chính xác khó bảo đảm. Việc làm tự điển một thứ chữ như vậy là rất khó. Cho nên đây cũng chỉ là bước đầu thử nghiệm. Rồi ra, nếu có người và có điều kiện thì cần phải làm thêm, làm mới càng có một cuốn sách tra cứu tốt hơn móng cho để càng ngày
Trên tinh thần như thế, chúng tôi trân trọng những cố gắng của Cụ Vũ Văn Kính, Sức của một người, sức của một đời, mày mò một mình, làm được đến thế ở tuổi 80, chúng tôi thấy đó là một cố gắng rất đáng khích lệ
Con Cụ Vũ Vân Kính từ lâu đã cộng tác nghiên cứu với Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, lại đã giúp đỡ chúng tôi trong việc đào tạo các Nghiên cứu sinh Văn học Việt Nam cổ ở Trường Đại học Sư phạm. Cụ là người rất mực khiêm tốn và chân thành. Những nhà nghiên cứu như vậy ở nước ta càng ngày càng hiếm.
Nhân công trình của Cụ ra mắt bạn đọc, tôi xin viết mấy dòng trên đây để bày tỏ tình cảm của một kẻ hậu học.
8-1998
MAI QUỐC LIÊN
(Trung tâm Nghiên cứu Quốc học)