Lễ hội rước thần cá diễn ra vào mồng 8 tháng giêng hàng năm, tại bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy ( Thanh Hoá) – nơi có suối cá thần kỳ thú, hấp dẫn.
Lễ hội rước thần cá
Lễ hội rước thần cá có từ xa xưa, được đồng bào dân tộc Mường ở xã Cẩm Lương bảo tồn, lưu giữ khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Lễ hội được tổ chức trang trọng, hoành tráng với ước nguyện của người dân địa phương là cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt.
Mở đầu lễ hội là phần rước thần cá từ suối Ngọc – nằm dưới chân núi Trường Sinh – đưa về sân vận động của bản để làm lễ khai mạc, báo công với thành hoàng về một năm lao động sản xuất của đồng bào địa phương và những ước nguyện của năm mới. Sau đó, thần cá tiếp tục được đưa ra đền thờ ngay chân núi Trường Sinh để cúng tế.
Sau phần lễ là phần hội với những trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mường bản địa như ném còn, chơi đu, đẩy gậy, kéo co và nhiều hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục thể thao như hát Xường, ru Mường, thi đấu bóng chuyền, cầu lông.
Suối cá thần Cẩm Lương là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú có từ hàng trăm năm nay bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thuỷ (cách trung tâm TP Thanh Hoá gần 100 km về phía Tây Bắc).
Huyền thoại về suối cá thần
Huyền thoại kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa, nơi bản Ngọc thời khai thiên, lập địa, vào một năm nọ, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán quanh năm, người dân túng đói vô ngần. Một hôm, có hai vợ chồng trong bản hiếm muộn con đi làm đồng vô tình nhặt được một quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nước, nhưng lạ thay, khi nhấc tay lên người ấy lại thấy quả trứng đang trên tay mình.
Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng lạ đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Sợ quá, người chồng đem con rắn ra suối Ngọc thả, nhưng cứ đến tối con rắn lại về ở với gia đình này. Sau đó họ đã để con rắn ở lại sinh sống với mọi người.
Lạ thay, từ đó đồng ruộng của bản đủ nước cày cấy, đồng bào sống trong no ấm, hạnh phúc. Chàng rắn ấy trở thành vị cứu tinh của bản nên được mọi người hết lòng tôn kính. Rồi một hôm định mệnh, trời nổi cơn giông, sấm chớp đùng đùng. Sau cơn giông, dân bản thấy xác chàng rắn nằm bên chân núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc.
Thương tiếc chàng rắn, dân bản chôn cất chàng bên chân núi, lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Trong một buổi tế lễ, đồng bào bản Ngọc được thần báo mộng chàng rắn chết là do quyết chiến với thuỷ quái để bảo vệ dân bản. Sau này chàng rắn được phong thần gọi là: Tứ Phủ Long Vương. Từ đó, ở suối Ngọc bên chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần hàng nghìn con luôn quây quần chầu trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn.
Suối cá thần ở Cẩm Lương. Ảnh: Internet
Bên cạnh suối cá thần, xã Cẩm Lương hiện đang còn giữ được nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông – Cúc Phương. Đồng bào dân tộc Mường nơi đây với những nếp sinh hoạt văn hoá truyền thống như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pông… sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách. Đặc biệt, dọc dãy núi Trường Sinh hiện còn có nhiều hang động nguyên sơ chưa được khám phá./.
Theo : Cinet