10 trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

10 trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

10 trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

19/11/2024 Thông tin chi tiết về 10 trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

Trận Bạch Đằng (năm 938)

Trận phục kích đường sông do Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy diệt thủy quân Nam Hán trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán lần thứ hai (năm 938). Đây là trận quyết chiến chiến lược, lần đầu sử dụng thủy triều và trận địa cọc ngầm có hiệu quả trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Bạch Đằng đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại, hoàn toàn chấm dứt thời kỳ đô hộ hơn một nghìn năm của các triều đại phong kiến Trung Quốc, mở ra thời kỳ độc lập dân tộc lâu dài và phát triển của đất nước.

Xem video

Trận Như Nguyệt (năm 1077)

Trận quyết chiến chiến lược diệt quân Tống xâm lược trên phòng tuyến Sông Cầu (Bắc Ninh) của quân dân Đại Việt do Lý Thường Kiệt chỉ huy, kết thúc cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai (1075-1077). Chiến thắng Như Nguyệt dồn quân Tống vào thế cùng lực kiệt, buộc phải giảng hòa, xin rút quân về nước. Nhà Tống phải từ bỏ âm mưu xâm lược Đại Việt.

Xem video

Trận Đông Bộ Đầu (năm 1258)

Trận phản công chiến lược của quân dân nhà Trần do vua Trần Thái Tông chỉ huy đánh tan đạo quân xâm lược Mông Cổ tại Đông Bộ Đầu (khu vực gần cầu Long Biên, Hà Nội ngày nay), kết thúc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ nhất (1258). Nắm vững thời cơ, chọn hướng tiến công đúng, dùng thủy binh để hạn chế ưu thế của kỵ binh địch là nét đặc sắc của trận Đông Bộ Đầu.

Trận Bạch Đằng (năm 1288)

Trận phục kích đường sông của quân dân nhà Trần, do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy diệt quân Nguyên – Mông rút chạy, kết thúc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ ba (1287 – 1288). Đây là trận quyết chiến chiến lược, đập tan ý chí xâm lược của nhà Nguyên, kế thừa và phát triển nghệ thuật lợi dụng thủy triều, dùng trận địa cọc ngầm ở trận Bạch Đằng năm 938 trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Trận Chi Lăng – Xương Giang (năm 1427)

Trận quyết chiến chiến lược diệt quân Minh xâm lược trên địa bàn từ Chi Lăng đến Xương Giang (113km) của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo tiến hành, kết thúc cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng chống Minh (1418 – 1427). Chiến thắng của trận Chi Lăng – Xương Giang chứng tỏ tài thao lược của những người lãnh đạo nghĩa quân, chọn hướng chiến lược chính xác, sử dụng binh lực hợp lý, bày thế trận lợi hại.

Trận Rạch Gầm – Xoài Mút (năm 1785)

Trận phục kích đường sông nổi tiếng của quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, diệt quân Xiêm và quân Nguyễn Ánh trong khởi nghĩa Tây Sơn (1771-1789). Với trận quyết chiến chiến lược này, Nguyễn Huệ đã đập tan ý đồ bán nước của Nguyễn Ánh cùng âm mưu xâm lược của quân Xiêm. Trận Rạch Gầm – Xoài Mút là một trong những trận thủy chiến lớn nhất và lẫy lừng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Trận Ngọc Hồi – Đống Đa (năm 1789)

Trận quyết chiến chiến lược tiến công quân xâm lược Mãn Thanh trên cả hai hướng chủ yếu và hướng thứ yếu, thể hiện quyết tâm đánh tiêu diệt và nghệ thuật tổ chức lực lượng, kết hợp với sức mạnh của nhân dân, phát huy cao độ sức đột phá của bộ binh, tượng binh, nhất là dùng voi chiến công đồn của Nguyễn Huệ. Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa là một trong những chiến công hiển hách bậc nhất của dân tộc ta. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, đặc biệt là trong 5 ngày đêm đầu tiên mùa xuân Kỷ Dậu, từ đêm 30 Tết đến ngày 5 Tết (25 đến 30-1-1789), bằng một trận quyết chiến chiến lược, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ đã quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, giữ vững nền độc lập dân tộc.

Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954)

Chiến dịch quyết chiến chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tiêu diệt quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954. Chiến dịch Điện Biên Phủ là đòn tiến công tiêu diệt lớn nhất, điển hình nhất của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương (8-5 đến 21-7-1954) đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.

Trận Điện Biên Phủ trên không (năm 1972)

Chiến dịch của các lực lượng phòng không và không quân Việt Nam đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Sau 12 ngày đêm chiến đấu, ta bắn rơi 81 máy bay (trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F111), bắt sống nhiều giặc lái, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ, buộc tổng thống Mỹ phải phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và nối lại cuộc đàm phán ở Paris. Cùng với cuộc tiến công chiến lược 1972 của quân và dân miền Nam, trận “Điện Biên Phủ trên không” là đòn chiến lược có ý nghĩa quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973 về Việt Nam, rút hết quân Mỹ về nước.

Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975)

Chiến dịch quyết chiến chiến lược của quân và dân Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đánh vào đầu não và lực lượng quan trọng nhất của chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn – Gia Định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiến dịch Hồ Chí Minh là một điển hình về hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các binh chủng, quân chủng, sự kết hợp trên quy mô lớn giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; đòn quyết chiến chiến lược táo bạo, kịp thời, chính xác, kết thúc chiến tranh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.