Lệ Châu hội quán
Hội quán Lệ Châu (hay Lệ Châu hội quán) tọa lạc tại số 586 đường Trần Hưng Đạo, thuộc Phường 14, Quận 5; là nhà thờ tổ nghề thợ kim hoàn sớm nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam).
Tên gọi
Hội quán khi mới cất xong (1892) công trình có tên tạm là Nhà thờ tổ kim hoàn. Đến năm 1934, ngôi thờ được đại trùng tu (và tồn tại cho đến nay) bằng cột gỗ lim, mái ngói móc lợp theo kiểu âm dương, phía trước đền có bộ cửa sắt bao bọc, trên vòm cửa có thêm bốn chữ: Lệ Châu hội quán bằng đồng và dọc hai bên cửa sắt có câu đối:
Lệ thủy kim sinh cơ quốc thái
Châu đê ngân xuất nghiệp dân an.
Dịch:
Sông Lệ sinh vàng nên quốc thái
Bờ Châu ra bạc nghiệp dân an.
Hiện có hai giả thuyết về cái tên Lệ Châu:
-Thứ nhất, tên lấy từ câu: Kim trầm lệ thủy, ngân xuất châu đê, có nghĩa vàng chìm sông lệ, bạc xuất bờ châu. Do ngoài việc thờ tổ (Cao Đình Độ và Cao Đình Hương), nơi này còn là nơi quy tụ các tay thợ kim hoàn (còn được gọi là thợ bạc), nên ngôi thờ được gọi Lệ Châu hội sở rồi đổi thành Lệ Châu hội quán.
-Thứ hai, hội quán lập ra để nhớ ơn ba người họ Trần (ba anh em ruột và đều là học trò của ông Cao Đình Hương) là Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền đã vào vùng Sài Gòn – Chợ Lớn truyền dạy nghề kim hoàn. Sau một thời gian, các ông tiếp tục qua Nam Vang (Campuchia), Lào, Thái Lan tiếp tục việc truyền dạy rồi không trở về nữa. Vì vậy, các thợ bạc Chợ Lớn lấy tên Lệ Châu, với nghĩa là nước mắt để nói lên nỗi mất mát, thương nhớ những người thầy của mình.
Nguồn gốc
Vào những năm cuối thế kỷ 19, tại Chợ Lớn và các vùng lân cận, nghề kim hoàn đã rất phát đạt. Để ghi nhớ ơn tổ và thầy, một số chủ lò kim hoàn, gồm các ông Nguyễn Tường Long, Võ Văn Tường, Huỳnh Văn Tiên, Trần Văn Lập, Cao Đình Huế, Thái Hồng Hưng… đã đứng ra vận động, quyên góp từ các lò kim hoàn, các thợ bạc ở khắp nơi và mua được một khu đất rộng ở đường Thủy Binh (Rue des Marins, nay là đường Trần Hưng Đạo) gần nhà thờ Cha Tam. Và nhà thờ tổ được khởi công vào năm 1892 đến năm 1896 thì hoàn thành. Tính đến nay, ngôi thờ này đã trải qua bốn lần sang, đó là vào các năm 1920, 1934, 1946, 1968. Lần sau cùng, nhà thờ được trung tu lớn: cất lại Nghĩa từ, chữa lại chánh điện do chiến tranh gây hư hại…
Đây là một trong những ngôi nhà được xây dựng sớm nhất tại Sài Gòn. Trong sách Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển viết:
“Đường Nguyễn Trãi đi một đoạn khỏi đường Tổng Đốc Phương gặp chùa Lệ Châu. Đây là “chùa tổ” thờ tổ sư của nhóm thợ và chủ lò kim hoàn. Sau những người Hoa kiều đồng nghề cũng nhập với đồng nghiệp Việt Nam nên mỗi năm cúng tổ long trọng và oai nghi lắm”…
Kiến trúc
Hội quán nằm trên một khu đất rộng 802 m2, được xây dựng theo kết cấu ba gian dọc, với hai hàng cột chạy dài từ ngoài vào trong. Tường gạch tô, mái lợp ngói âm dương, trước có sân rộng khoảng 400 m2.
Nơi chính điện có ba khám thờ, được trang trí bằng những bao lam chạm trổ rồng, phụng, hoa, điểu… sắc nét công phu. Khám thờ lớn ở giữa có bài vị chạm hai chữ Tổ sư theo lối đại tự, thờ Đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ Giáp Dần (1774)–Canh Ngọ (1810) và Đệ nhị Tổ sư Cao Đình Hương Quý Tỵ (1733)-Tân Tỵ (1821), hai khám hai bên hơi nhỏ hơn, thờ các vị tổ đời thứ hai, truyền dạy nghề kim hoàn ở Phan Thiết, đó là ba anh em họ Huỳnh: Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật và thờ các vị tổ đời thứ hai, truyền dạy nghề kim hoàn ở Chợ Lớn đó là ba anh em họ Trần: Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền.
Toàn hội quán có 9 bức hoành phi và 6 cặp câu đối đều được sơn son thiếp vàng, mang nội dung nói lên lòng nhớ ơn tổ và ca ngợi sự phát triển, thịnh đạt của nghề thợ bạc, như câu Bản thủy sơn tiên, Nghệ truyền nguyên phái v.v…Điều đáng chú ý là các khám thờ, hoành phi, câu đối, bao lam… đều được sơn son thếp vàng. Nhờ loại giấy quỳ có độ tuổi vàng cao, cho nên dù đã trải qua nhiều năm tháng, đến nay tất cả vẫn còn bóng láng và rõ nét.
Ngoài ra, còn những hiện vật quý, như:
- Trống lớn có chiều cao 1,10 m, đường kính 0,60 m, tang trống không phải bằng những mảnh gỗ ghép, mà là một khúc cây to khoét rỗng.
- Chuông cao 1m, đường kính 0,50 m, trên chuông để niên đại do thợ Hà Nội chế tác năm Ất Mùi (1895).
- Bốn tấm bia đá đặt hai bên vách chánh điện, ghi rõ các năm tạo dựng: 1895, 1916, 1920. Trên bia khắc họ tên họ, nơi ở, số tiền đóng góp để xây dựng nhà thờ tổ. Nhờ những tấm bia này, mà ta được biết vào thời buổi ấy, nghề kim hoàn của người Việt và người Việt gốc Hoa đã có mặt ở nhiều nơi như: Tây Cống, Đề Ngạn Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ…
- Một số bàn, bình phong chạm khắc tinh xảo, mô tả cảnh sơn thủy, do những người làm nghề thợ bạc dâng tặng.
Năm 1998, Ban quản trị hội quán ra từ đường họ Kim Hoàn ở Huế rước hai bản sao sắc phong thần do vua Khải Định và vua Bảo Đại đã ban cho hai vị tổ.
Các vị tổ
Nghề kim hoàn là một trong những nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời. Những món trang sức như vòng tay, khoen tay, trâm cài… bằng vàng, bằng bạc đã được tìm thấy trong những cuộc khai quật khảo cổ, hoặc còn được lưu giữ đã nói lên điều ấy.
Nhưng tra trong thư tịch cổ, không thấy ghi ai là vị tổ khai sáng nghề kim hoàn vào thời kỳ xa xưa trên đất Việt. Làng nghề kim hoàn sớm nhất giờ đây được biết đó làng Châu Khê, thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã có lịch sử tồn tại trên 500 năm, bắt nguồn từ Lưu Xuân Tín, quan Thượng thư bộ Lại dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460–1494) có công khởi dựng nghề đúc bạc nén của làng.
Và hai người làm nghề kim hoàn nổi tiếng khác, được thờ ở Lệ Châu hội quán là Cao Đình Độ và Cao Đình Hương, chỉ là người sống ở giữa thế kỷ 18.
Công lao
Cao Đình Độ (1744-1810) người làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình ông vốn làm nghề nông. Thuở trẻ, ông theo học chữ Nho, lớn lên ông làm nghề bịt đồng, nhưng lòng luôn ao ước được trở thành người thợ kim hoàn giỏi. Để học được nghề, ông phải cải trang thành người Hoa, xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long. Bởi lúc bấy giờ chỉ có người Hoa, mới biết cách chế tác. Sẵn bản tính hiếu học, trung thực, hiền lành, ông Độ được chủ thương và tận tình truyền dạy nghề cho ông. Sau một thời gian rèn luyện, ông đã thành thạo nghề.
Năm 1783, ông Cao Đình Độ đưa vợ và con trai vào làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thuận Hóa lập nghiệp, thu nhận đệ tử và truyền lại nghề cho con là Cao Đình Hương. Từ đó, làng Kế Môn trở thành làng nghề kim hoàn.
Nghe tiếng, vào năm 1790, vua Quang Trung (1753–1792) đã cho triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc của làng Kế Môn, vào triều đình để lập cơ vệ Ngân Tượng, chuyên lo việc chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức trong cung điện. Vì vậy, ông đưa gia đình đến sống tại làng Cao Hậu (Hương Trà, Thuận Hóa). Nhờ làm việc tốt, Cao Đình Độ được phong chức Lãnh binh.
Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh (1762-1820) lên ngôi, những gì thuộc về vương triều Tây Sơn đều bị phá hủy, chỉ duy nhất ngành Ngân Tượng được bảo tồn và những người làm việc ở cơ vệ ấy đều được lưu dụng.
Năm 1810, ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Con là Cao Đình Hương được kế tục sự nghiệp của cha với chức lãnh binh, nhưng ít lâu sau, ông xin từ quan. Lúc bấy giờ Thượng thư bộ Lại là Trần Minh, mời ông về dinh phủ dạy nghề kim hoàn cho ba người con trai là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và ba người cháu là Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật.
Hơn 10 năm truyền dạy nghề, năm 1821, ông Cao Đình Hương qua đời. Theo mong muốn của thầy trước khi mất, là nghề kim hoàn được truyền bá rộng khắp, ba anh em Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền đến làng Định Công (Hà Nội), ba người họ Huỳnh vào đất Phan Thiết, rồi cả hai nhóm đều mở lò và thu nhận đệ tử…Không rõ năm nào, ba anh em họ Trần bỏ đất Bắc để vào Nam. Và sau khi truyền nghề cho 36 đệ tử ở Chợ Lớn, ba anh em lại tiếp tục đến các tỉnh miền Tây, sang Campuchia, Lào, Thái Lan… rồi cả ba người qua đời khi nào, ở đâu không ai được rõ.
Nếu như hai ông họ Cao có công khai sáng nghề kim hoàn, thì ba ông họ Trần, ba ông họ Huỳnh là người có công phổ biến nghề trên khắp đất nước Việt và các nước lân cận.
Ghi nhận công lao
Chính điện Lệ Châu hội quán.
Hiện nay, tại Từ đường họ Kim Hoàn, ở số 7 chùa Ông, phường Phú Cát, thành phố Huế, còn lưu giữ nhiều bản sắc phong của các vua nhà Nguyễn, như các sắc phong cho ông Cao Đình Độ là “Tiến sĩ khai hóa nghề kim hoàn”, là Lãnh binh, là “Đệ nhất tổ sư”.
Đến thời vua Minh Mạng, Cao Đình Hương được phong tước hiệu “Đệ nhị tổ sư”. Và cả hai ông đều được sắc phong là “Dực bảo Trung hưng Linh phò Bổn sứ – Khai hóa Kim ngân Thế tổ Cao Đình Độ tọa thần vị, Cao Đình Hương linh thần vị”, được ban đất xây mộ như các vị quan lớn.
Đời vua Khải Định năm thứ 9 (1924) ngày 25 tháng 9, hai ông được phong “Dực bảo Trung hưng Linh phò chi Thần”. Năm Bảo Đại thứ 13 (1938), hai ông được gia phong một lần nữa.
Hiện nay, khu mộ hai vị tổ sư đều tọa lạc tại phường Trường An về phía Nam thành phố Huế, trong đó, mộ Cao Đình Độ xây dựng năm 1810, mộ Cao Đình Hương xây dựng năm 1821.
Nhà thờ và khu mộ của hai ông đều đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa.
Lễ giỗ tổ
Ban quản trị hội quán Lệ Châu đã chọn ngày giỗ của Đệ nhị Tổ sư Cao Đình Hương, để tổ chức lễ cúng tế. Lễ tế được diễn ra trong vào 3 ngày:
- Ngày 6 tháng 2 âm lịch: Lễ Trần thiết được bắt đầu vào 8 giờ sáng, buổi tối có buổi cúng cầu quốc thái dân an, tuyên đọc sắc phong tổ sư và nhắc lại nguồn gốc của nghề.
- Ngày 7: Lễ Chánh tế (tế tổ) được bắt đầu vào 22 giờ đêm. Lễ tế có rượu, trái cây, cơm, canh, thịt kho… giống như mâm cơm cúng ông bà. Đặc biệt, ngoài những thứ vừa kể, lễ vật cúng tổ còn có một con heo đồ (heo trắng không quay) và hai con vịt trắng. Và món ăn trong những buổi chiêu đãi này, chủ yếu là thịt vịt, bởi những nghệ nhân xưa cho rằng con vịt thường ở dưới nước, luôn tắm gội, nên tượng trưng cho sự sạch sẽ. Mà sạch sẽ hiểu theo nghĩa trong sạch, chính là một đức tính mà bất kỳ người thợ kim hoàn nào cũng cần phải luôn ghi nhớ và giữ gìn .
- Ngày 8: Lễ Tế nghĩa được bắt đầu vào 16 giờ, để nhớ ơn những người đã có công xây dựng hội quán.
Ngoài lễ giỗ ở nơi đây, hàng năm, các thợ kim hoàn ở Huế, ở cũng có tổ chức lễ giỗ tổ trọng thể cho hai ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương. Tại làng Định Công (Hà Nội) có lễ giỗ tổ ba anh em họ Trần, ở Phan Thiết có lễ giỗ tổ cho ba anh em họ Huỳnh…
Giá trị
Ngoài giá trị về kiến trúc, về cổ vật, Lệ Châu hội quán còn thể hiện nhiều giá trị khác:
Hội quán là nơi để những người theo nghề thợ bạc, tỏ lòng biết ơn đối với người đã có công truyền dạy nghề.
Là nơi hằng năm, vào 3 ngày lễ giỗ tổ, hàng ngàn người trong ngành kim hoàn, ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc Nam Bộ đã đến, để cúng bái và chia sẻ những tâm tư và nghề nghiệp…
Là trụ sở của “Hội Lệ Cộng hòa tương tế ái hữu thợ bạc” ngay từ năm 1936, rồi là trụ sở bí mật của Nghiệp đoàn thợ bạc cứu quốc, là cơ sở của Ban kinh tài và là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Do những giá trị trên, vào ngày 31 tháng 8 năm 1998, Lệ Châu hội quán đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, theo quyết định số 1811/1998 – QĐ-BVHTT.