Lễ hội thui trâu, rước cỗ làng Chiền (Bắc Giang) là một lễ hội mang nhiều nét riêng biệt so với nhiều lễ hội khác. Lễ hội được coi là một nét văn hóa khá độc đáo góp phần làm đẹp thêm bức tranh văn hóa làng của quê hương Việt Nam
Làng Chiền xã Nội Hoàng nằm ở vị trí không xa thành phố Bắc Giang, là một trong những làng cổ của huyện Yên Dũng hiện còn bảo lưu được rất nhiều những giá trị lịch sử và những phong tục đẹp từ xa xưa.
Cứ 3 năm một lần, lễ hội làng Chiền lại được tổ chức trong ba ngày 8, 9 và mùng 10 tháng 8 âm lịch quy mô lớn để tưởng nhớ tới các vị Thành Hoàng có công với quê hương, đất nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đặc biệt, lễ hội diễn ra với những tục riêng biệt mà ít nơi có, đó là tục thui trâu tế thần, tục rước cỗ về đình.
Ngay từ sáng sớm hôm khai hội, Ban tổ chức lễ hội của thôn và dân làng đã tập trung đông đủ để làm lễ thui trâu. Theo lệ làng từ xưa quy định, ngày hội làng phải làm lễ thui trâu để tế Thành Hoàng. Chính vì vậy, Trâu được chọn mua làm lễ phải là trâu mộng to, khỏe, béo, người dân nơi đây quan niệm như vậy mới là điều thành kính, tăng thêm phần trang trọng, thiêng liêng và đem lại sự may mắn cho dân làng trong cả năm. Sau nghi lễ tế Thành Hoàng, thịt trâu sẽ được chia đều cho các hộ dân để làm cỗ trong ngày hội lệ.
Bên cạnh tục lệ thui trâu tế thần, phần lễ của hội làng Chiền còn đặc sắc và độc đáo ở tục rước cỗ. Đây cũng là một nét cổ truyền được dân làng Chiền lưu giữ từ lâu. Cỗ được ba thôn Chiền, Si, Giá sửa soạn gồm có xôi, gà, thủ lợn, hoa quả…Đội rước cỗ tập trung tại một địa điểm, sau đó rước về đình lễ thánh. Đi đầu đám rước của mỗi thôn là một gia đình tiêu biểu được làng bầu chọn, suy tôn. Gia đình được chọn để rước cỗ phải là gia đình có vợ chồng song toàn, thọ từ 75 tuổi trở lên, sống hòa thuận, chấp hành tốt chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hương ước của thôn làng. Đó là một vinh dự của gia đình đồng thời có ý nghĩa giáo dục lớn đối với các tầng lớp nhân dân không ngừng vun đắp hạnh phúc gia đình trọn vẹn.
Bên cạnh phần lễ đặc sắc, hội làng Chiền vẫn còn lưu giữ được nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đập niêu, bắt vịt, cờ người, vật… được tổ chức xung quanh khu vực đình trong 3 ngày, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Những năm gần đây, nhiều trò chơi mới với nhiều hình thức và không gian tổ chức phong phú cũng được làng Chiền tổ chức như bóng chuyền hơi, hát quan họ trên thuyền… nhằm làm tăng thêm phần sinh động cho lễ hội.
Chính những nét riêng biệc độc đáo, những truyền thống văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời của ông cha còn lưu giữ trong phần lễ hội làng Chiền, được lưu truyền trong mỗi người dân đã góp phần làm đẹp thêm bức tranh văn hóa làng của quê hương Việt Nam./.
Theo : Cinet