XII.— TỨ THỜI TIẾT LẠP
I.— Tết nguyên-đán. Mồng một đầu năm là tết nguyên đán. Tết này ăn to hơn cả tết trong một năm.
Trước nửa tháng Tết, nhà nào nhà ấy đã rộn rịp sắm Tết, nào người mua tranh mua pháo, nào người mua vàng hương mã mùng, đường mứt, bánh trái, v.v…
Các thầy đồ nhà quê ra chợ viết câu đối bán. Các người đi buôn bán hoặc đi làm ăn xa xôi, đâu đâu cũng nghỉ việc để về nhà ăn Tết.
Cách Tết một vài hôm, ai nấy dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ đồ phượng. Câu đối đỏ dán cửa, dán cột sáng choang, treo tranh treo liễn trang hoàng lịch sự.
Nhiều nhà trước cửa có dán tranh Quan tướng, hoặc dán bốn chữ « Thần trà Uất lũy ». Điển này do ở trong phong tục thông có nói rằng: ở dưới gốc cây đào lớn núi Độ Sóc, có hai ông thần gọi là Thần trà Uất lũy, cai quản đàn quỉ. Hễ quỉ nào làm hại nhân gian thì hai thần ấy giết mà ăn thịt. Ta dùng bốn chữ ấy, có ý để cho quỉ sợ mà không dám vào cửa.
Lại có nhiều nơi chặt tre dựng cây nêu, kết ba cái lạt rạ, buộc một bó vàng. Hoặc lấy cành đa lá dứa cài ngoài cửa ngõ. Hoặc là rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ, cái cung, cái nỏ, v.v… cũng là có ý trừ quỉ, kẻo sợ năm mới quỉ vào quấy nhà mình.
Nửa đêm hôm ba mươi rạng ngày mồng một, ở thành phố nhà nào cũng bày hương án ra giữa sân để cúng giao thừa. Ở thôn quê thì các xóm tế giao thừa tại nơi điếm sở, trống đánh, pháo đốt ầm ầm. Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông Hành-khiển, coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa ông cũ mà đón ông mới.
Sáng mồng một Tết thì làm cỗ cúng Gia-tiên và cúng cả Thổ công, Táo quân, Nghệ sư, v.v… cỗ bàn to nhỏ thế nào cũng được, nhưng làm sao cũng phải có bánh chưng, cá kho, giò, chả, dưa hành, thịt bò mới ra làm cỗ ngày Tết. Có nhà dựng hai cây mía cạnh bàn thờ để làm gậy cho ông vải.
Hôm ấy ăn nói phải giữ gìn, sợ nói bậy thì giông đi cả năm. Nhiều nhà nhờ một người phúc hậu dễ tính, sáng sớm đến xông đất, để cho cả năm được bán đắt, buôn may.
Quét tước trong nhà phải kiêng không dám hốt rác đổ đi, chỉ vun vào một xó, đợi ba hôm động thổ rồi mới đem đổ. Tục này do ở trong « Sưu thần ký » có chuyện người lái buôn tên là Âu-Minh đi qua hồ Thanh-Thảo. Thủy thần cho một con hầu tên là Như-Nguyện, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Đến sau, một hôm nhân ngày mồng một Tết, đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đấy nhà chàng kia lại nghèo đi. Bởi thế ta theo tục Tàu, kiêng không dám hốt rác.
Cúng gia tiên xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi.
Anh em, họ hàng, người quen thuộc, đến lẫn nhà nhau lạy gia tiên, chúc mừng cho nhau những câu: thăng quan, tiến tước, sinh năm đẻ bảy, vạn sự như ý, buôn bán phát tài, v.v…
Trong khi anh em đến chơi với nhau, uống chơi chén rượu sen, rược cúc, hoặc chén nước chè tàu, chè sen, hút điếu thuốc lào, hoặc uống rượu sâm banh, rượu sạc-tời, rượu mùi, nhằn vài ba hạt dưa, ăn vài miếng mứt.
Thành phố Hà nội, chỗ ngồi chơi thế nào cũng được một vài củ thủy tiên, một vài chậu cúc hay là vài chậu cam quất.
Anh em bạn thăm nhau, mỗi người đưa một cánh danh-thiếp đỏ, đề mấy chữ tên. Mấy năm nay thì nhiều người dùng cạt-vi-dích (carte visite). Trước kia đi lại lễ bái phiền lắm, nay nghe đã dần dần bỏ rồi.
Có nhà ăn Tết một hôm, có nhà ăn Tết ba hôm, có nhà ăn đến bảy hôm, nhưng phần nhiều là ăn Tết ba hôm.
Các nhà con thứ, cha mẹ còn thì đem biếu thức nọ thức kia. Cha mẹ mất rồi thì hôm mồng hai Tết, phải làm cỗ đem đến nhà con trưởng cúng cha mẹ. Người nghèo thì đem trầu cau vàng hương đến lễ cũng được.
Ngày mồng ba cũng như ngày mồng hai.
Đến ngày mồng bốn thì hóa vàng. Ngày ấy xấu hay là chạm phải ngày tuổi chủ nhà thì hóa trước sau một ngày cũng được, có nhà để đến mồng bảy mới hóa vàng, gọi là ngày cúng tiễn ông vải. Hôm ấy con cháu họp đông đủ mà ăn uống vui vầy với nhau.
Trong mấy hôm Tết, ngày nào cũng đốt pháo. Điển đốt pháo do ở « Kinh sở tuế thời ký » có nói rằng: Sơn tiêu (ma núi) phạm vào người thì người sinh đau ốm, nó chỉ sợ tiếng pháo, hễ đốt pháo thì nó không dám đến. Nhưng tục ta thì cho tiếng pháo là tiếng vui mừng chớ không có ý để trừ quỉ.
Đến ngày mồng bảy hạ cây nêu, gọi là ngày khai hạ, và gọi là nhàn nhật.
Từ ngày mồng hai Tết trở đi, người thì chọn ngày xuất hành, người thì hái cành hoa về cài vào cửa, gọi là đi hái lộc, người làm quan thì chọn ngày khai ấn, học trò thì chọn ngày khai bút, nhà buôn bán thì chọn ngày mở cửa hàng, nhà quê thì chọn ngày làm lễ động thổ. Trăm công nghìn việc lại bắt đầu từ đó.
Suốt một tháng giêng, già trẻ trai gái, kẻ chợ nhà quê, quần điều áo thắm, kẻ thì lễ bái chùa này miếu nọ, người thì du ngoạn cảnh nọ cảnh kia, chỗ thì thi hoa thủy-tiên, chỗ thì thi hoa-đăng, chỗ thì hội hè hát xướng. Các người nhàn, năm ba người tụ lại đánh bài đánh bạc. Ngoài ngã ba ngã bảy, đám thì quay đất, đám thì lúc lắc thò lò, tổng chi gọi là cách thưởng xuân.
2.— Tết Hàn-thực.— Ngày mồng ba tháng ba là Tết Hàn thực. Hàn thực nghĩa là ăn đồ lạnh. Điển này nguyên ở Tàu: về đời Xuân Thu, vua Văn-Công nhà Tấn, còn khi long đong trốn nạn, nay trú nước Tề, mai ngụ nước Sở. Bấy giờ có một người hiền-sĩ tên là Giới-Tử-Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Có một hôm, vua đi đường thiếu lương đói quá, bọn đầy tớ không thể kiếm lương vào đâu được, Giới-Tử-Thôi phải cắt thịt đùi mình ra, nấu nướng ngon lành, dâng lên vua xơi, vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám cảnh vô cùng. Theo trong mười chín năm trời, trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Đến lúc Văn-Công lại được trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng cho những người có công trong khi tòng vong, lỡ quên mất công của Giới-Tử-Thôi. Giới-Tử-Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đem mẹ vào ẩn ở núi Điền-Sơn. Sau Vua nhớ ra, sai người vào núi tìm không được, Vua sai đốt rừng ấy cho ông phải ra. Nhưng ông cũng không chịu ra, đành hai mẹ con chịu chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ trên núi và phong cả khu rừng đó làm tự điền.
Hôm ông ấy chết là ngày mồng 5 tháng ba. Người xứ đó thương ông ấy, cứ mỗi năm đến ngày ấy thì cấm đốt lửa ba ngày mà bắt đầu từ hôm mồng ba, chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn mà thôi.
Ta nhiễm theo tục ấy, thành ra ăn Tết hôm mồng ba. Mà ta thì làm bánh trôi bánh chay để thế cho đồ lạnh, nhưng ta chỉ cúng gia-tiên, chứ không ai tưởng gì đến Giới-Tử-Thôi. Mà tiếng là hàn thực, nhưng nấu nướng chẳng có kiêng gì.
3.— Tết Thanh-Minh. Trong khoảng tháng ba, có một tiết hậu gọi là tiết Thanh-Minh. Thanh-Minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ quang đãng. Tục Tàu hôm ấy, giai-nhân, tài tử, đua nhau đi tảo mộ, gọi là Hội Đạp-thanh. Ta không ăn Tết ấy, nhưng cũng nhiều người nhân dịp ấy mà đi tảo mộ. Tảo mộ là đi thăm mộ tiền-nhân, cỏ rậm thì phát cho quang, đất khuyết thì đắp bồi lên, rồi về nhà cũng làm cỗ cúng gia-tiên.
4.— Tết Đoan ngọ. Mồng năm tháng năm, gọi là Tết Đoan ngọ, hay là Đoan-dương.
Tết này ta hay lấy lá móng nhuộm các đầu ngón tay, ngón chân cho trẻ, mà trừ ra ngón tay trỏ và ngón chân trỏ. Sáng sớm hôm ấy, ăn rượu nếp, trứng luộc, kê, bánh đa, đào, mận, muỗm, dưa hấu, uống nước dừa. Người lớn thì uống rượu hòa ít tam thần đơn, hoặc hồng hoàng, gọi là giết sâu bọ. Tàẻ con ăn xong, thì bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để trừ trùng.
Nhiều người mua bùa chỉ đeo cho con trẻ. Bùa chỉ kết bằng chỉ ngũ sắc, và lấy những mụn lụa, mụn the kết hoa sen, quả đào, quả khế, quả ớt, v.v… Lại may áo lụa đem đến các cửa chùa, cửa tĩnh in dấu vẽ bùa rồi mặc cho trẻ, có ý để trừ tà ma cho khỏi quấy.
Giữa buổi trưa hôm ấy thì làm cỗ cúng gia-tiên, rồi đi hái lá mồng năm, bất cứ lá gì cũng hái, mà nhất là hay hái lá ích mẫu, lá cối xay, lá muỗm, lá vối, v.v… Đem về ủ rồi phơi cho khô, về sau đem nấu uống, cho rằng uống thế thì lành.
Tục hái lá do tự điển Lưu-Thần, Nguyễn-Triệu đời nhà Tấn. Hôm mồng năm hai gã vào núi Thiên thai hái thuốc gặp tiên, bởi thế thành tục.
Lại nhiều người đi lấy lá ngải cứu, tùy năm nào thì kết hình con thú năm ấy (theo mười hai tiểu hình), như năm Tý thì kết con chuột, năm Sửu thì kết con trâu, năm Dần thì kết con hùm, năm Mão thì kết con mèo, v.v… Kết đoạn treo giữa cửa, để trừ sự bất tường, và để về sau ai có bệnh đau bụng, thì dùng làm thuốc tốt lắm.
Tục này không rõ nguyên ủy từ đâu, có người cho là do từ đời Xuân Thu. Bấy giờ nước Sở có một vị trung thần tên là Khuất-Nguyên, vì can ngăn vua Hoài-Vương không được, bực mình ôm đá gieo mình xuống sông Mịch-La mà tự vận. Hôm ấy chính là ngày mồng năm tháng năm, xứ ấy thương tiếc người trung nghĩa, cứ mỗi năm đến ngày ấy thì làm bánh đường bánh ngọt, cuốn chỉ ngũ sắc ở ngoài rồi đua nhau bơi thuyền ra giữa dòng sông mà ném bánh xuống để cúng ông ấy. Cuộn chỉ ngũ sắc là có ý làm cho cá sợ khỏi đớp mất.
Vậy Tết ấy là một ngày kỷ-niệm ông Khuất-Nguyên, mà ta thì thấy người Tàu ăn Tết cũng theo. Nhưng theo thì theo chớ không cúng gì Khuất-Nguyên.
5.— Tết Trung Nguyên. Rằm tháng bảy gọi là Tết Trung-Nguyên. Ta tin theo sách Phật, thường cho hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha tội một ngày hôm ấy. Bởi vậy nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mới mất, cũng hay đốt mã làm chay về hôm ấy.
Tục đốt mã do tự bên Tàu, đời xưa thường dùng đồ ngọc bạch để cúng tế. Đời sau dùng tiền để thế cho ngọc bạch. Đến đời vua Huyền-Tôn nhà Đường, thấy dùng tiền phí lắm, mới truyền cho làm tiền giấy mà thay vào tiền thực. Đến đời Đường Túc-Tông, ngươi Vương-Dữ làm quan Từ-tế-sứ, giữ riêng về việc tế tự, dùng toàn bằng tiền giấy để cúng cấp rồi đốt đi. Đời Ngũ-đại lại chế thêm ra áo giấy, mũ giấy mà cúng cấp quỉ thần.
Trong sách « Mộng-hoa-lục » nói rằng: ngày Trung-nguyên mua đồ mã, áo mã cúng cấp, dùng cái giường vu lan làm bằng tre, có ba chân, rồi treo tiền của và đồ bằng mã lên trên giường mà đốt. Lục-du lại nói rằng: Tục cứ ngày rằm tháng bảy, làm một mâm cỗ đơn sơ, cúng Thần Tiên-chức (thần sinh ra sự dệt cửi) rồi dùng tiền giấy mà đốt.
Xét các điều trên này, chắc là tục đốt mã của ta bởi đó mà ra.
6.— Tết Trung-Thu. Rằm tháng 8 là Tết Trung Thu. Tết này ta thường gọi là Tết trẻ con, nhưng có nhà tổn phí nhiều lắm.
Ba ngày làm cỗ cúng gia-tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu các sắc, sặc sỡ, xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm, con cá, coi cũng đẹp.
Đồ trẻ con chơi trong Tết này, toàn là các thứ bồi bằng giấy, như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa, cho chí cành hoa, giàn mướp, đèn cù, đèn xẻ rãnh, đình chùa, ông nghè đất, con thiềm thừ, v.v… Có nhà một vụ Tết, bán các đồ ấy được tới một vài trăm bạc. Mười năm nay họ lại chế ra đồ chơi bằng sắt tây, cũng tranh được mối lợi của trẻ con ít nhiều.
Trẻ con tối hôm ấy, dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hồ khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Lại nơi họ hát trống quân, nơi kia hát trống quít, tổng chi gọi là cách Trung Thu thưởng nguyệt.
Tục treo đèn bày cỗ, chắc do ở điển vua Đường Minh-Hoàng. Hôm ấy là ngày sinh nhật vua Minh-Hoàng, truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn, bày tiệc ăn mừng, rồi ta cũng theo mà thành tục.
Tục rước đèn thì do tự đời nhà Tống. Vì tục truyền rằng: trong đời vua Nhân-Tôn, có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng hiện lên là con gái mà đi hại người. Bấy giờ ông Bao-Công mới sức cho dân gian làm đèn con cá giống như hình nó mà đem rong chơi ngoài đường, để cho nó sợ mà không dám hại người nữa. Lời ấy huyền hoặc lắm, vị tất đã thật.
Tục hát trống quân thì do từ đời Nguyễn-Huệ bên ta mới bày ra. Nguyên khi ông đem quân ra Bắc, quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Ông ấy mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái hát đối đáp với nhau, để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân.
7.— Trùng cửu. Mồng chín tháng chín gọi là Tết trùng cửu. Tết này không mấy nhà ăn, nhưng đôi khi cũng có người ăn theo tục Tàu.
Nguyên từ đời nhà Hán, có người Hoàn-Cảnh theo học người Phí-tràng-Phòng. Tràng-Phòng một bữa bảo Hoàn-Cảnh rằng: mồng chín tháng chín nhà anh có nạn to, cho nên người nhà mỗi người may một cái túi lụa, đựng hoa thù du, buộc trên cánh tay, rồi lên chỗ nào cao mà uổng rượu cúc, thì mới tiêu được nạn ấy. Hoàn-Cảnh nghe lời thầy, quả nhiên bữa đó người không việc gì cả mà gà chó ở nhà thì chết cả. Tàu vì thế cứ đến ngày ấy thì hái hoa thù-du, lên cao uống rượu. Ta thỉnh thoảng có người cao hứng cũng uống rượu cúc, gọi là thưởng tết trùng-dương.
8.— Tết Trùng-thập. Mồng mười tháng 10 là tết trùng thập. Tết ấy phần nhiều là các nhà đồng cốt và nhà thầy thuốc mới ăn thôi. Nhưng về nhà quê cũng nhiều nơi ăn, có nơi ăn to lắm, như ở về vùng phủ Hoài thì làm bánh dầy, nấu chè kho, trước cúng thần, cúng gia-tiên, rồi đem biếu những người quen thuộc.
Các nhà đồng cốt và thầy thuốc thì vì thu lễ thu tiền mà ăn Tết, một là để cúng cấp, hai là để khoản đãi các đệ tử và các bạn hàng.
Ở về vùng Thanh-Trì thì lại ăn Tết Trùng thập về ngày 21 tháng 10. Đại để nhà quê là vì việc gặt hái đã xong, nhớ đến công tiên-nông mà cúng tế, và an ủi cho sự khó nhọc một ngày.
Còn phần nhiều thì cúng gia tiên mà thôi.
9.— Tết táo quân. Hai mươi ba tháng chạp là Tết Táo quân. Ta thường cho hôm ấy là ngày vua bếp lên chầu trời. Nguyên ở trong đạo Lão-Tử có nói rằng: ngày hai mươi ba tháng chạp thì Táo quân lên chầu trời để tâu việc thiện ác của nhân gian.
Lại có sách nói rằng: ngày xưa có hai vợ chồng nghèo phải bỏ nhau. Người vợ về sau lấy được người chồng giàu có. Một hôm cúng, đốt mã ngoài sân, có một người vào ăn xin, người đàn bà trông thấy là người chồng cũ của mình, động lòng thương cảm, đem cơm gạo tiền bạc ra cho. Người chồng sau biết chuyện, nghi cho vợ. Vợ xấu hổ đâm đầu vào đống lửa mà chết. Người chồng cũ cảm tình ân nghĩa, cũng đâm đầu vào lửa chết theo. Người chồng sau thương vợ, cũng nhảy vào nốt, thế là chết cháy cả ba. Thượng đế thương cho ba người cùng có nghĩa mới phong cho làm vua bếp.
Ta theo hai điển ấy, cho nên cứ đến ngày ấy, thì mua hai mũ ông, một mũ bà để thờ và mua con cá chép để làm ngựa cho táo quân lên chầu trời.
10.— Trừ tịch. Ba mươi tháng chạp là ngày trừ tịch. Trừ tịch là chiều hôm trừ hết năm cũ mà sang năm mới. Lại một nghĩa là trừ khử ma quỉ. Nguyên tục bên Tàu ngày xưa, cứ về hôm ấy thì dùng một trăm hai mươi đứa trẻ con độ chín, mười tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống, vừa đi đường vừa đánh để khử trừ ma quỉ, cho nên gọi là trừ tịch.
Ta thường không hiểu ngày ấy là một tết riêng, cho là ngày tiên thường hôm nguyên đán. Cho nên cứ hôm ấy thì đem trầu cau đi thỉnh tảo tiên phần, rồi về cúng Tết.
*
* *
Xét về các ngày ăn Tết của ta, phần nhiều là noi theo tục Tàu, nhưng chủ ý thì chỉ nhân ngày tuần tiết mà dưng cúng gia tiên, chớ không có ý gì nhớ đến người Tàu cả.
Cứ như nước ta khi xưa, quanh năm chí tối làm ăn, mồ hôi nước mắt, không có thì giờ nghỉ ngơi. Nhà làm ruộng thì sáng vác cuốc, trưa vác cày, hết mùa cấy đến mùa gặt, quanh năm chí tối, chân lấm tay bùn. Người làm thợ thì canh ba chưa nằm, canh năm đã dậy, làm lụng chúi mũi chúi lái, không lúc nào mở mắt ra được. Người đi buôn thì nay ngược mai xuôi, tất ta tất tưởi để cầu chút lợi cho nên giàu nên có. Người đi học thì nung kinh nấu sử, thức khuya dậy sớm để cầu lấy chút danh phận cho vẻ vang cùng người. Nói tóm lại thì tính An-nam ta rất là cần mẫn, chịu thương chịu khó, mà không có ngày nào là ngày chủ nhật. Vậy nên thỉnh thoảng phải có một ngày nghỉ ngơi ăn chơi cho giải trí. Nhưng chẳng lẽ tự nhiên vô cớ mà nghỉ công nghỉ việc, mà ăn chơi không. Vậy mới nhân tuần này tiết nọ, bày ra cách ăn Tết, trước là đem lòng thành kính, thờ phụng tổ tiên, sau là được một ngày nhàn nhã, cầm chén rượu mà yên úy tinh thần.
Cứ như chủ ý ấy thì cách ăn tết của ta cũng không hại gì. Nhưng chỉ hiềm ta hay tin những chuyện huyền hoặc của Tàu mà không nghĩ đến nghĩa lý gì cả. Thờ phụng thì cứ việc mà thờ phụng, ăn chơi thì cứ việc mà ăn chơi. Ma quỉ đâu mà lại phải đốt pháo đốt vàng? Sâu bọ nào mà lại giết bằng đào, bằng mận. Lá mồng năm uống bậy uống bạ, uống không khéo thì hóa ra sinh bệnh. Mã tháng bảy, thức này thức khác, đốt mã, vàng hương cho nhiều chẳng qua chỉ tổ tốn tiền. Thưởng trăng thu cũng là một cách vui, bầy cỗ thi tài thì khí nhỏ mọn quá. Tiễn vua bếp đã là một chuyện hão huyền, mua cá làm ngựa mới lại nực cười thay!
Vả lại tục ta ăn Tết, không có ý vị gì là cao xa. Xem như tục Âu-Châu, trong một năm cũng có Tết nầy Tết nọ, nhưng trừ ra một ngày đầu năm, thì là những ngày kỷ niệm chung của xã hội. Như ngày mười bốn Juillet là một ngày mới kéo lại dân quyền, ngày ấy mới đích đáng là ngày ăn Tết. Hoặc ngày sinh nhật của một Giáo tổ, cũng nên kỷ niệm để cho nhớ đến gốc đạo của mình. Vậy thì sự hội hè Tết nhứt của Âu-Châu là để ghi nhớ lấy sự hay, và làm cho quốc dân phấn khởi tinh-thần, chớ không phải một vị ăn chơi mà thôi. Mà ăn thì có phiền văn gì đâu, ngày Tết đầu năm chẳng qua anh em đưa cái « carte visite » thăm nhau là cùng, nghỉ một ngày làm việc, cũng như ngày chủ nhật mà thôi.
Còn ngày kỷ niệm tháng bảy thì treo đèn kéo cờ, ăn mừng một vài hôm, rồi lại ai công việc gì chăm công việc ấy, chớ không lôi thôi như ta, ăn chơi đến hàng tháng, vừa tốn tiền lại vừa phí cả thì giờ.
Ta từ xưa đến giờ, há lại không có một việc gì đáng cho dân ta kỷ niệm chung hay sao? Sao không nhớ lấy mà ăn Tết, mà lại nhớ đến Giới-Tử-Thôi, Khuất-Nguyên bên Tàu! Dẫu chẳng nhớ gì người Tàu nữa, nhưng theo tục riêng của người ta mà dùng làm ngày cúng gia-tiên nhà mình, thì cúng vô vị lắm.
Than ôi! ta lầm vì theo tục Tàu, lại lầm vì tin chuyện huyền hoặc của Tàu mà mỗi năm bỏ ra bao nhiêu tiền về hương về pháo, về vàng, về mã, thực là món tiền tiêu vô ích, phí của quá!