I. SỰ THẦN

THIÊN THỨ NHÌ

NÓI VỀ PHONG TỤC HƯƠNG ĐẢNG

I.— SỰ THẦN

Thành Hoàng.— Mỗi làng phụng sự một vị Thành-Hoàng có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm, bảy vị, tức gọi là Phúc thần. Phúc thần chia làm ba hạng:

1.— Thượng-đẳng-thần.

2.— Trung-đẳng-thần,

3.— Hạ-đẳng-thần.

Thượng-đẳng-thần là những thần Danh-sơn, Đại-xuyên và các bậc Thiên-thần như Đổng-thiên-vương, Sóc-thiên-vương, Chử-đồng-Tử, Liễu-Hạnh, v.v… Các vị ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là Thiên-thần.

Hai là các vị Nhân-thần như là Lý-thường-Kiệt, Trần-hưng-Đạo, v.v… Các vị này khi sanh tiền có đại công lao với dân với nước, lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ, hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ.

Các bậc ấy đều có sự tích công trạng hiển hách và ​họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm Thượng-đẳng-thần.

Trung-đẳng-thần là những vị thần dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng, hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc những thần có chút linh dị, tới khi nhà vua sai kỳ tinh đảo võ, cũng có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm Trung-đẳng-thần.

Hạ-đẳng-thần là những thần dân xã thờ phụng, mà không rõ sự tích ra làm sao, nhưng cũng thuộc về bực chính thần, thì triều đình cũng theo lòng dân mà phong cho làm Hạ-đẳng-thần.

Ngoài ba bực thần ấy, còn nhiều nơi thờ bậy thờ bạ: nơi thì thờ thần bán lợn, nơi thì thờ thần trẻ con, và thần ăn xin, thần chết nghẹn, thần tà dâm, thần rắn, thần rết v.v… Các hạng ấy gọi là tà thần, yêu thần, đê tiện thần, vì dân ngu xuẩn tin bậy mà thờ chớ không được vào tự điển, không có phong tặng gì.

Đình miếu.— Mỗi làng thờ thần phải có một tòa miếu. Có nơi thì vừa có miếu vừa có đình. Làng nào to thì mỗi thôn lại có lập riêng một đình.

Miếu là chỗ quỉ thần bằng y, đình là nơi thờ vọng, và để làm nơi công sở cho dân hội họp. Miếu thường hay kén đất thắng cảnh, nhất là trên gò cao, hoặc ở nơi gần hồ to sông lớn thì mới hay. Đình thì tùy chỗ nào trung độ, tiện cho dân làng hội họp thì thôi. Đình và miếu thường trồng nhiều cây cối cho sầm uất, nơi ​nào lắm cổ thụ, tức là nơi thắng cảnh và là đình miếu rất lâu đời.

Đình miếu cũng theo một kiểu mẫu chỉ khác nhau to với nhỏ mà thôi. Đại để đình miếu nào cũng có một nội điện là chỗ rất thâm nghiêm, để an phụng thần vị. Ở ngoài thì nhà đại bái, chia làm ba khoảng: khoảng giữa gọi là trung đình, để làm nơi tế tự, và các người có ngôi thứ cao mới được ngồi. Hai bên gọi là tả gian, hữu gian, ở trong có bàn thờ thổ công, hoặc thờ bộ hạ của thần, hoặc thờ hậu thần, ở ngoài thì làm chỗ cho tư văn, hàng giáp ngồi giải tạo.

Đình nhiều nơi làm rộng rãi đến năm bảy gian, tám chín gian, cột to tới hai người ôm. Các dân xã lớn, đình miếu rất nguy nga, cột sơn son vẽ rồng, dui hoành trổ chạm sơn thếp, hoành biển, cửa vọng rực rỡ trang hoàng.

Phía ngoài nhà đại bái có hai bên Tả mạc, hữu mạc, tục gọi là hai dãy muống, đề làm chỗ quan viên áo mũ vào tế và để khi có việc to thì lấy chỗ ngồi.

Ngoài cùng có cửa tam quan, làm cách tôn nghiêm rộng rãi, tường hoa cột trụ, xây đắp chung quanh. Hai bên vách tường, nhiều nơi đắp con rồng con cọp, hoặc vẽ hình đôi võ tướng cầm long đao, hoặc vẽ voi, vẽ ngựa, hoặc làm voi đá đứng đôi bên, trên đầu cột trụ thì xây đắp con sấu sành.

Đồ phụng sự.— Mỗi vị thần có một bài vị an phụng vào một bộ long ngai, hoặc an phụng ở trong long khám. Bình nhật để không, khi có việc hội hè thì phong áo mũ đai ​mãng đại trào để thờ hoặc để rước. Vị thần nào có sắc phong thì dùng các chữ mỹ tự trong lòng sắc làm duệ hiệu của thần. Phải có hòm sắc để chứa sắc, có kim sách để ghi chép sự tích của thần. Còn đồ thờ như đồ tam sự, ngũ sự, đài rượu, quả trầu thì cũng như đồ thờ tư gia. Ngoại giả thì đại để các đồ nghi trượng, loan giá, lộ bộ như long kiệu, long đình, cờ quạt, tàn tán, bát bửu, gươm trường, biển tĩnh túc, biển hồi tỵ, tay văn, tay võ, dùi đồng, phủ việt, chiêng trống, v.v…

Có nơi làm đôi hạc gỗ đứng chầu đôi bên cửa điện, có nơi làm đôi ngựa gỗ hoặc hai con voi rút bằng mây để thờ.

Tự-điền, tự-trạch.— Mỗi làng phải để riêng mấy mẫu ruộng làm tự-điền. Hoặc có hồ có đầm riêng của làng thì để làm tự trạch, mỗi năm lấy hoa lợi, ngư lợi ở đó ra mà cung vào việc tế tự. Làng nào không có tự điền, tự trạch thì lấy vào khoản công nho nào hoặc phải đóng góp với nhau.

Người thủ-từ.— Mỗi đình miếu, làng cắt một người thủ từ. Người thủ từ ấy phải ngày đêm ở luôn chốn đình miếu, coi việc đèn hương, giữ đồ phụng sự và coi việc sái tảo cho được sạch sẽ. Nhiều nơi bắt người thủ từ phải chay sạch, không được ở gần đàn bà. Cũng có nơi thì cho người thủ từ đem cả vợ con đến ở gian ngoài, trông nom trồng trọt những đất chung quanh mà kiếm ăn.

Người thủ từ được hưởng hoa lợi ở chỗ đình miếu và được phép miễn trừ sưu thuế tạp dịch. Nơi nào lắm ​linh tích, thiên hạ khách khứa đến lễ bái đông, thí người thủ từ lại được hưởng nhiều lộc thánh.

*

* *

Xét về cái tục thờ Thành Hoàng này, từ đời Tam-quốc trở về vẫn đã có, nhưng ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến đời nhà Đường, Lý-đức-Dụ làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thành-Hoàng ở Thành đô, kế đến nhà Tống, nhà Minh thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ.

Nước ta thuở bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kế đến Đinh, Lê thì việc thờ quỉ thần đã thịnh hành rồi.

Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn đại xuyên, triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên ấy để làm chủ tể cho việc ấm ti một phương mà thôi. Kế sau triều đình tinh biểu những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đâu thờ đấy. Từ đó dân gian lần lần bắt chước nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể trong làng mình. Làng nào có sẵn người anh hùng hào kiệt mất đi rồi thì thờ ngay người ấy, làng nào không có thì đi cầu lấy một vị thần linh khác rước về mà thờ. Hoặc nơi thì nhân việc mộng mị, việc bói khoa, việc tá khẩu, tin là sự linh dị mà thờ. Hoặc nơi thì vì một sự ngẫu nhiên, cho là một thiêng liêng mà xin duệ hiệu để thờ. Té ra làng nào cũng có đền, xã nào cũng có miếu. Đến cả những xã mới lập, trước hết cũng nghĩ ngay đến việc thờ thần.

​Tổng chi là dân ta tin rằng: Đất có Thổ-Công, sông có Hà Bá, cảnh thổ nào phải có Thành Hoàng ấy, vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc sự thần một thịnh.

Quỉ thần là việc u minh huyền viễn, cũng chưa dám chắc thế nào mà nói được. Nhưng xét hai chữ quỉ thần của Thánh hiền đặt ra, thần là gì? thần nghĩa là thần diệu, quỉ là gì? quỉ nghĩa là quỉ tàng. Chỉ là nói cái lẽ tạo hòa huyền diệu, lúc đương không tự nhiên hóa có, thế là khéo, cho nên gọi là thần, khi đang có tự nhiên hóa không, thế là về, cho nên gọi là quỉ. Vậy thì nói cái lẽ như thế mà thôi, chớ không phải có quỉ thần thực. Vả thánh nhân có dạy rằng « Vị tri sinh, yên tri tử. Vị tri sự nhân, yên tri sự quỉ » nghĩa là sự sống còn chưa biết hết, đã biết thế nào được sự chết, việc ăn ở với người còn chưa xong, đã biết thế nào mà thờ quỉ thần. Cứ như lời ấy thì ý thánh nhân cũng không muốn cho người ta nói đến việc quỉ thần. Ngài lại nói rằng: « Kính quỉ thần nhi viễn chi » nghĩa là quỉ thần vẫn kính nhưng phải xa đi mới được. Lời ấy thì lại có ý khuyên người ta không nên thờ nhảm.

Vả lại muôn sự ở đời, do ở sức người làm ra mới gọi là tài trí, nếu cứ cậy về quỉ thần thì sức người chẳng hóa ra hèn đốn lắm ru?

Xem như các nước Âu-Châu, trừ ra thờ Giáo tổ là để tỏ lòng kỷ niệm, còn không có thờ đến thần thánh nào, không phải nhờ đến sức âm-phù mặc-hộ bao giờ, vậy sao mà nước nào cũng thịnh vượng, dân nào cũng phú cường. Mà Á-Đông này thờ thần thành kính là thế, ​sao thần lại chẳng phù hộ cho giàu mạnh bằng các nước đi? Một lẽ ấy đủ làm chứng cho sự ta tin nhảm.

Thiết tưởng chỉ những miếu trung thần nghĩa sĩ và miếu những bậc đại anh hùng hào kiệt, thì mới đáng nên thờ. Mà thờ thì là để tỏ cái lòng kỷ niệm, chớ không phải thờ mà cầu phúc. Ta nên coi cái miếu đó như một tượng đồng của người Âu-châu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.