VIII.— KỴ HẬU
Trong làng, người nào không có con trai, ngoài sự lập kế tự để giữ hương hỏa, lại còn có lệ mua hậu nữa.
Người mua hậu, trước hết phải nộp tiền lệ cho làng, tùy lệ riêng từng làng, hoặc năm bảy chục, hoặc một vài trăm bạc. Làng nhận tiền ấy để tu bổ đình miếu, chi vào việc công phu. Người mua hậu lại phải nộp cho dân xã mấy sào mấy mẫu ruộng hoặc đất để dân xã lấy hoa lợi ở ruộng đất ấy mà chi vào việc tế tự người có hậu về sau.
Có người mua hậu riêng cho hai vợ chồng mình, có người mua hậu chung cả cho cha mẹ đôi bên. Tùy mua nhiều mua ít mà gia giảm số tiền.
Người thì ký hậu tại đình miếu, người thì ký hậu tại chùa, người thì ký hậu tại bản thôn, bản tộc, người thì ký hậu tại biệt-xã là quê ngoại của mình.
Hàng giáp, hàng thôn, nhà chùa, bản tộc, hoặc biệt xã đã nhận tiền và ruộng đất của người mua hậu, phải làm tờ ký kết rồi dựng bia đá tại đình miếu, hoặc chùa hoặc ở trong từ đường.
Trong văn bia kể rõ họ tên người mua hậu ở phủ huyện tổng xã nào, dân làng nhận bao nhiêu tiền, chi về việc gì, và ruộng đất ký hậu cho bao nhiêu, ở tại đâu, cứ mỗi năm về ngày tháng nào thì dùng lễ gì mà cúng tế. Lại có mấy câu tán tụng công đức người mua hậu, cũng tức như một tờ ký kết.
Hôm ký tờ dựng bia, người mua hậu phải làm rượu mời dân làng ăn uổng. Từ bấy giờ người mua hậu gọi là ông hậu bà hậu.
Từ sau trở đi, mỗi kỳ đến ngày giỗ hậu, thì dân làng hoặc bản tộc phải biện lễ gà xôi trầu rượu, hoặc thủ lợn mâm xôi, hoặc làm bò để tế. Hậu chùa thì làm cỗ chay để cúng, gọi là giỗ hậu. Con cháu người có hậu hoặc còn ai thì đem trầu rượu đến lễ, không còn ai thì thôi. Làng lễ xong, có biếu lại chủ nhà một ít, còn thì ăn uống với nhau.
Mỗi năm những kỳ tế thần, cũng có cúng lễ các hậu thần, con cháu người có hậu đem vàng hương trầu rượu đến lễ thánh, dân làng cũng có phần biếu.
Có nhà con cháu đông đúc, nhưng giàu có nhiều của thì cũng mua hậu, một là giúp việc cho làng, hai là để cả làng phải cúng giỗ mình thì hương hỏa càng được lâu dài.
Lễ hậu thần nhiều nơi lấy làm rất quí trọng, phi người phú quí có thế lực với dân thì mới mua được.
*
* *
Tục ta trọng việc hương hỏa, cho nên người không có con trai thì phải ký hậu để có nơi cúng giỗ về sau. Tục ấy cũng là một tục hay, vì người có của mà không có con thì của ấy cũng không để làm gì. Tuy cũng nhiều người nuôi con nuôi để làm người thừa tự cho mình, cùng là chia của cho con gái, thì con cháu người con gái về sau cũng phải giữ giỗ giữ tết. Nhưng con nuôi và cháu ngoại thì đã chắc gì giữ được thủy chung, chi bằng bỏ ra một món tiền, trước là giúp được một công ích cho dân làng, sau là đem mình nương bóng thần Phật thì có thể hương hỏa phần mình, truyền lâu mãi mãi, ấy là cái chủ ý của người mua hậu, mà là một chính sách lý tài của dân làng kể cũng đã khôn khéo.
Tuy vậy, chủ ý thì hay, mà lắm thì thành tệ. Vì có lắm khi bọn hào trưởng trong làng giả danh tu tạo công nọ việc kia, mà bày ra cách bán hậu. Tiền người mua hậu chi về việc công ích thì ít, mà bỏ vào túi bọn ấy thì nhiều, thành ra chỉ giúp cho mấy kẻ hào trưởng mà thôi.
Giá thử ai có của dư dật, ngoài sự lập kế tự, chia gia sản cho họ hàng con cháu rồi, còn nữa không biết làm gì nên để dùng vào những việc làm phúc chung cho xã hội, hoặc quyên vào những việc chẩn thải, hoặc giúp vào những hội học, nhà thương vân vân. Để một cái kỷ niệm trong việc công ích, có lẽ còn hơn hưởng con gà ván xôi sau khi mình khuất mắt.