XII.— VIÊN CHỨC
Viên chức là những người có trách nhiệm, có quyền hành trong làng. Đầu hết có một người tiên chỉ, một người thứ chỉ. Tiên thứ chỉ là các hạng hưu quan trí sĩ về làng, hoặc người khoa trưởng chức sắc, nếu không có khoa trưởng chức sắc thì người kỳ cựu già có tuổi cũng được dự vào chân ấy. Dân làng có việc ký kết gì tất phải tiên thứ chỉ ký đầu giấy. Tiên thứ chỉ có quyền quyết đoán moi việc, và có việc gì tất phải hỏi đến tiên thứ chỉ mới được thi hành.
Song cũng nhiều khi tiên thứ chỉ trông nom việc đại cương mà thôi, đến như các việc hương thôn, phó mặc cho bọn kỳ mục khu xử bàn định. Bọn ấy bàn định xong trình qua với tiên thứ chỉ là đủ.
Dưới tiên thứ chỉ là hạng kỳ mục. Kỳ mục là những cựu chánh phó tổng, quản tổng, tuần tổng, cựu chánh phó lý, hoặc gọi là kỳ cựu hay là hào trưởng cũng là hạng ấy. Hạng này rất có quyền hành trong dân, phàm có việc công việc tư gì, bọn đương thứ lý dịch tất phải trình với tiên thứ chỉ và kỳ mục. Kỳ mục bàn định cùng tiên thứ chỉ rồi mới thi hành, tiên thứ chỉ nhiều khi không muốn dự đến việc nhỏ nhặt thì kỳ mục chuyên quyết với nhau mà thôi. Nhiều khi việc quan cũng phải trách cứ đến kỳ mục mới xong.
Trong làng ai có việc khánh điếu gì muốn mời đến làng tất phải mời đến hạng kỳ mục. Hạng ấy ăn uống xong thường lại dở ra thuốc phiện tổ tôm, các cách chơi bời, người nhà chủ cũng phải thờ phụng hết lòng.
Hàng tổng ai có việc gì to tát, thường cũng phải mời đến kỳ mục các làng. Mà trong khi bầu cử chánh phó tổng hoặc nghị viên cũng phải có kỳ mục.
Kỳ mục hay có đảng, có chút lợi gì thường phải chia tay với nhau. Ai có việc gì yêu cầu cũng phải ở cho được lòng cả đám kỳ mục mới được, nếu một người nào không được lòng thì có khi việc không xong. Mà đã động họp đến kỳ mục là tất phải có chè chén.
Dưới hạng kỳ mục là hạng lý dịch đương thứ. Lý dịch mỗi làng có một người lý trưởng, một người phó lý, hoặc làng nào nhiều thôn thì mỗi thôn có một phó lý. Lý trưởng, phó lý do dân làng công cử đem trình quan, mà quan cấp bằng cho để thay mặt dân làng mà đối với nhà nước. Lý trưởng lại có thêm một cái mộc triện của quan cấp cho nữa. Phàm việc binh lương thuế má, phó lý phải hiệp trợ lý trưởng mà chịu trách nhiệm. Các việc khai báo gì cũng phải lý trưởng thực hiện.
Lại có một người hương trưởng để hiệp trợ với chánh phó lý mà đốc biện các tạp vụ. Hương trưởng cũng do dân làng ký kết bầu cử đem trình quan, rồi quan phê chữ vào đơn dân bầu cho làm bằng. Chức phận của hương trưởng thì về việc phu phen đê điều hoặc khi nào nghênh tiếp thượng quan thì phải đem phu đi, hoặc đến vụ thuế thì đi đốc thuế, đốc má, v.v…
Ngoại giả lại có một vài người khán thủ, trương tuần để coi riêng về việc tuần phòng trong làng. Đêm phải đem tuần phu đi canh gác chỗ nọ chỗ kia, hoặc có việc phu phen cũng phải đi đốc thúc. Hạng này thì do dân làng cử riêng với nhau chớ quan không biết đến.
Lý trưởng, phó lý, hương trưởng, khán thủ, trương tuần đều gọi là đương thứ lý dịch. Làm việc có hạn hoặc ba năm hoặc năm, sáu năm. Hễ mãn hạn mà không có can cứu gì thì được dự vào chân kỳ cựu. Trong khi làm việc trừ các việc to đối với quan với nhà nước, và các việc to tát trong làng thì phải có tiên thứ chỉ kỳ mục hội định, còn các việc nhỏ như việc khai báo, việc xử đoán đám đánh nhau, đám trộm cắp xì xằng thì đương thứ lý dịch có quyền chuyên quyết lấy.
Ngoài hạng lý dịch, có nơi lại đặt thêm một người thủ khoán để giữ khoán ước trong làng, khi nào có ai trái khoán ước thì chiếu khoán ra mà thi hành. Có nơi đến vụ thuế thì kén mỗi họ lấy một người vật lực gọi là phần thu để đốc thu thuế má, hễ trong họ ai thiếu thuế thì người ấy phải chịu trách nhiệm, có nơi lại đặt thêm giám trương, chánh xã, để giúp việc cho lý dịch. Hạng ấy gọi là hương hào và cũng được dự vào chân viên chức.
Xét những hạng viên chức trong làng, trên có tiên thứ chỉ để làm chủ trương cho công việc trong một làng; giữa có một hạng kỳ mục để bàn định, quyết đoán, phân xử mọi việc, dưới có hạng lý dịch để thi hành các việc, dưới nữa lại có hạng trương tuần, khán thủ để giúp việc cho lý dịch.
Cứ như phép cai trị thì nhà nước chỉ biết một mình lý trưởng là người thay mặt chung cho cả làng mà chịu trách nhiệm với nhà nước, thứ nữa là phó lý, việc gì quan hệ lắm lý tưởng làm không nổi thì mới phải hỏi đến tiên thứ chỉ kỳ mục, nhưng cũng chuyên trọng vào một lý trưởng mà thôi.
Song cứ thực tình ở trong làng, thì lý trưởng chỉ có quyền xuất đầu ứng tiếp với nhà nước và xử đoán các việc nhỏ nhặt, chớ động đến việc to tát như việc bổ bán việc tế tự, việc quan hệ đến đồng tiền phân bạc thì phải trình với tiên thứ chỉ kỳ mục mới xong. Mà tiên thứ chỉ trừ ra mấy người hào trưởng, mấy người võ biền và mấy người khoa trường chức sắc khí cực hẹp hòi thì mới tranh với bọn kỳ mục mà giữ lấy quyền ăn nói, quyền xử đoán. Còn phần nhiều là bực hưu quan trí sĩ hoặc người khoa mục nghĩ đến cách cao xa không muốn đem mình bận đến việc hương thôn thì chỉ gọi là chủ trương, trông qua các việc đại khái, còn thì phó mặc cho bọn kỳ mục lo liệu, miễn là xong việc mà không hại đến làng là đủ. Cũng có người thì bỏ phất mà không nhìn đến việc gì.
Nói rút lại thì công việc trong làng, trên thì tiên thứ chỉ không muốn nhìn đến, dưới thì phường lý dịch chẳng qua cũng là con em hoặc đầy tớ các kỳ mục, há miệng mắc quai nón, mà cũng muốn a dua với bọn ấy thì mới kiếm được mồi, và lại muốn học đòi mấy ngón khôn ngoan nữa. Còn dưới nữa thì gọi là dân đen đầu, biết gì mà dám nói. Vì thế quyền hành của kỳ mục rất lớn, thế lực rất to. Mà trong hạng kỳ mục thì lại chỉ độ một hai người gọi là nhất nhì hạng kỳ mục, phi tay hào cường hách dịch, thì là tay gian giảo điêu ngoa. Còn nữa chẳng qua là người có chân kỳ mục, cũng a dua vào mấy người ấy mà thôi.
Ta cũng vì những người có kiến thức, cho việc hương thôn là việc nhỏ nhặt, không thèm tưởng đến, cho nên không mấy nơi cải lương được tục làng cho nên tục hay. Còn bọn kỳ mục thì phần nhiều là chỉ biết ích kỷ, họ có thiết gì đến vận dân mai sau, chỉ động có chút lợi lộc gì thì xâu xé với nhau, hoặc dân đàn em hơi có chút gì lầm lỗi thì bới móc hạch lạc, làm cho ra mặt hách dịch với mấy đứa cắn hạt cơm không vỡ là cùng.
Gần đây nhà nước đã soi xét đến hủ tục của ta, đã có nghị định cải lương hương chính, mà các người có chí cũng đã để lòng vào việc cải lương. Các hội nghị viên thương nghị, muốn đặt ra hội đồng hàng xã để giúp việc cho lý trưởng, lại đặt ra hương sư để coi việc dạy học, đặt ra người thủ quĩ để giữ tiền công của làng, đặt ra người thủ bạ để giữ sổ sách, có lẽ cũng nhiều ích lợi. Song cái quyền nghị định thì ở nhà nước còn cái quyền châm chước thi hành thì ở dân làng. Các bực có kiến thức, đừng nên nghĩ việc thôn là việc nhỏ nhặt mà bỏ qua, phải biết vận nước hay dở cốt ở trong hương thôn mà ra, phải lưu ý giúp nhà nước mà sửa đổi các tục dở, để nên một làng thịnh vượng, ấy là trách nhiệm của các ông có kiến thức, chớ không nên trông mong cả vào nhà nước, nhà nước không có thể soi cho thấu mà sửa hết các tục hủ bại của dân làng được.