XXVI.— LỆ KHÁNH ĐIẾU
Lệ mừng: Trong làng có ai đăng khoa, hoặc bổ quan, hoặc thượng thọ, có mở tiệc vui mừng, mời dân làng uống rượu, thì dân làng có đồ mừng.
Đồ mừng, hoặc dùng chè cau, pháo, câu đối, hoặc dùng tiền bạc, hoặc dùng trâu bò lợn gạo, tùy sự vui mừng to nhỏ mà xử cách hậu bạc khác nhau.
Thí dụ như người đỗ đại khoa thì mừng một bức văn-trướng thêu vóc, kèm theo năm, sáu chục bạc; đỗ trung khoa thì mừng một bài thơ thêu vóc, kèm thêm ba bốn chục bạc; đỗ tiểu khoa thì mừng câu đối liễn cũng thêu vóc kèm thêm một vài chục bạc. Mỗi cái lễ mừng thường lại thêm chè pháo ngoài nữa. Người làm quan cũng tùy phẩm hàm to nhỏ hoặc mừng hoành biển câu đối liễn sơn son thếp vàng, hoặc khảm trai, hoặc mừng bằng vóc, bằng vải tây đỏ, v.v… Người hạ thọ thì bao giờ lễ mừng cũng phải kém hai hạng trên này.
Tục này là tục cận thời, chứ vài chục năm về trước, thường dân làng chỉ mừng vài ba quan cho đến mười quan tiền kẽm là nhiều mà câu đối chỉ đến vải tây đỏ là thượng phẩm.
Lễ phúng: Trong làng phúng nhau, trừ ra các người phúng riêng không kế, công dân đồng phúng thì thường chỉ phúng một người tiên chỉ mà thôi. Lễ phúng dùng thủ lợn mâm xôi, vàng hương, trầu rượu, hạn trong năm mươi ngày hôm nào tiện thì đồng dân hội họp đem lễ đến nhà tang gia làm lễ. Hiếu chủ lại phải làm rượu khoản đãi dân. Hễ hiếu chủ nhà nghèo không thể thù đãi được đồng dân thì phải có lời xin dân trước, dân miễn đi cho thì thôi.
Có nơi thì bất cứ người nào, hễ người trong làng mất thì đồng dân phúng một câu đối trắng và một đồng bạc. Câu đối chia làm bốn hạng: đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, hễ phúng hạng nào thì đã có câu đối sẵn cứ thế mà đề. Tục này có lẽ phải hơn.
Mừng phúng riêng: Ngoài cái lệ mừng phúng của đồng dân, lại còn nhiều lệ mừng phúng riêng của từng hội nữa. Như bản tộc, bản thôn, bản ngõ, hội viên chức, hội tư văn, hội đồng niên, hội bản binh, hội chư bà, v.v… Hễ người hội nào có việc mừng hoặc có việc tang, thì cả hội ấy phải mừng phúng. Đồ phúng đại để cũng dùng các thứ chè cau trầu rượu vàng hương câu đối tùy theo bực người cao thấp mà xử phân biệt nhau đôi chút.
Lệ mừng phúng nào thì nhà chủ cũng phải khoản đãi lại, hoặc rượu chè, hoặc trầu nước. Có nơi chỉ dùng bánh đa, đậu phụng khoản đãi bản ngõ, bản tộc uống rượu chay cũng xong.
Mừng phúng riêng của mọi người:
Ngoài nữa thì là người thân thích, người quen thuộc, anh em bậu bạn, ân tình ân nghĩa, cũng đều có lệ mừng phúng nhau. Các hạng người này nhất là hay chuộng câu đối. Người có chữ nghĩa làm lấy tự tình với nhau đã đành, người không biết chữ cũng đi mượn người khác làm đỡ cho, để mừng hoặc để phúng, lấy có câu đối mới là lịch sự. Nhiều người chẳng biết tình cảnh của hai người đối với nhau thế nào, mà làm đỡ cho câu đối, dùng vài điển mập mờ viển vông hay là vài câu sáo ngữ, giả thử dán vào nhà nào cũng được.
*
* *
Khánh điếu cũng là một cách giao thiệp của người ta, của xã hội kiếm một chút lễ vật để tỏ tình quí mến thương xót nhau, thì cái tục cũng không thể bỏ được.
Song ta ít nay, mỗi ngày một chuộng cách xa xỉ, xưa còn dùng câu đối vải hoặc bằng dạ, nay thì dùng toàn bằng vóc, bằng nhiễu, xưa còn mừng một vài quan tiền kẽm, nay thì mừng đến năm ba đồng cũng là thường. Mà xa xỉ nếu có dùng toàn đồ nước mình thì cũng không sao, nhưng mà tính người mình có thèm quí của nước mình đâu, nào nhiễu nào vóc nào chè nào pháo, dùng đến đồ Tàu mới là quí, mỗi năm bỏ ra bao nhiêu tiền mừng phúng nhau, mà lại hóa ra làm giàu cho ngoại quốc, thực khá tiếc thay! Vả lại người mừng phúng thì chịu tốn kém để lấy tiếng rằng mình xử sang trọng, nhưng người chịu đồ ấy thì có thích gì đâu, chẳng qua treo bày một vài năm rồi thì rách nát mốc meo, quẳng đi làm giẻ là cùng. Những nhà phú quí, nhiều người mừng phúng không có chỗ mà treo câu đối cho hết, thì lại xếp xó rồi bỏ đi. Như thế thì ích gì cho nhà chủ, mà mình thì tổn hại, có phải cũng là xuẩn chăng?
Đã đành mừng phúng nhau bằng văn tự là một cách nhã, nhưng nên quí văn tự chớ đừng nên quí cái vỏ ngoài. Chỉ nên viết một mảnh hoa tiên để cho nhà chủ tập lại làm một, để vào bức trướng lưu truyền là đủ, bất tất dùng cách phù hoa vô ích làm chi. Mà dùng văn tự thì nhà văn tự hãy nên dùng, hoặc dùng Hán tự, hoặc dùng Nam-âm, nhưng tưởng Nam-âm là tiếng nước mình thì lại qui sơn, nên dùng hơn. Còn người không có văn tự thì bất tất mượn người làm thay. Văn chương làm thay dẫu hay đến đâu cũng không thú bằng ruột gan của mình mình tả lấy, mà không tả được thì thôi. Nếu có hậu tình thì nên dùng các đồ thực dùng mà mừng phúng nhau, như tiền bạc hoặc trâu, bò, lợn, gạo, hoặc trầu cau, rượu trà tưởng là có ích hơn hư văn.