IX.— PHẬT GIÁO
Phật giáo do ở đạo Bà-la-môn mà ra, nguyên trước Thiên chúa giáng sinh, dân tộc Á-lợi-an tràn vào đất Ấn-độ, ở rải rác một dọc sông Hằng Hà, dựng ra thành nhiều nước nhỏ. Dân xứ đó chia ra làm bốn bậc người bậc thứ nhất, gọi là Bà-la-môn, có bọn thầy tu làm chủ, coi riêng việc tế tự, bậc thứ nhì gọi là Lý-đế-lợi, các quí tộc làm chủ, coi về quyền chính trị, bậc thứ ba gọi là Phệ-xá tức là hạng bình-dân, bậc thứ tư gọi là Thủ-đà chỉ làm nô lệ mà thôi.
Đạo Bà-la-môn vẫn thông hành ở xứ đó. Đến sau có ông Thích-ca mầu-ni, thấy bọn thầy tu đạo Bà-la-môn sinh lắm điều tệ, và lại thấy người ta ai cũng ở trong vòng luân hồi chịu những cảnh khổ nạn, như là: sinh, lão, bệnh, tử là bốn cái kiếp khốn nạn, vì thế chán đời, mà cầu một phép để giải thoát cái khổ não ấy, mới dựng ra một tôn giáo riêng gọi là Phật-giáo. Môn đồ về sau, suy tôn ông ấy gọi là Phật-Tổ Như-Lai.
Nguyên ông ấy họ là Thích-Ca, tên là Cổ-Đàm (Gôtama), tự là Tất-đại-đa, con vua nước Ca-duy-vệ (một nước nhỏ trong nước Ấn-độ) tên là Tĩnh-phạm Đồ-đầu-gia. Phật mẫu tên là Tĩnh-Diệm. Sách Phật nói rằng: « Bà mẹ chiêm bao thấy người vàng đầu thai, mà sinh ra Ngài ». Lại có sách nói rằng: « Bà mẹ chiêm bao thấy con voi trắng sáu ngà, biến thành hào quang soi vào bụng, rồi có mang mười tháng, đến lúc sinh thì sinh ra đằng sườn phía hữu, tự nhiên có cái hoa sen nẩy ra để đỡ ngài lên, lại có hai con rồng ở trên trời xuống phun nước để tắm cho Ngài, và có bách thần xuống trông nom săn sóc. Ngài màu da vàng, lông tóc dựng ngược. Sinh ra khỏi, Ngài bước đi bảy bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà thét lên rằng: « Trên thì trời, dưới thì đất, duy có ta là quí hơn cả. » Lời ấy chắc cũng là môn đồ bày ra.
Ngài sinh bấy giờ là ngày mồng tám tháng tư, nhưng không tường về năm nào. Một môn phái ở phía Bắc Ấn-Độ, thì nói sinh về năm 1028 trước Thiên chúa vào khoảng đời vua Chiêu-Vương nhà Chu, một môn phái ở phía Nam Ấn-Độ thì cho vào chừng năm 624 trước Thiên Chúa, nhưng các nhà bác học thái-tây bây giờ thì cho vào chừng năm 558 hoặc 520; cùng một thời với Đức Khổng-Tử.
Ông Thích Ca cũng đã lấy ba vợ, sinh được một con trai tên là La-Hầu-La. Năm 29 tuổi (đấy theo sách Ấn-Độ, chớ sách Tàu thì nói năm mười chín tuổi) xảy thấy một người già yếu tàn tật, vào ăn xin, mới suy nghĩ ra đời người toàn là cảnh khổ, lập tức đêm ấy bỏ nhà vào rừng đi tu. Trước hết vào tu ở núi Đàn-đặc và núi Toàn-Sơn, sau đến tu ở xứ Xá-Vệ, ngày ngày mặc áo cà sa ngồi dưới gốc cây đề, tĩnh niệm nghĩ cách giải thoát. Được bảy năm, xẩy tỉnh ngộ được đạo huyền diệu, tự xưng là Bồ-đà (bouddha) nghĩa là trong tâm tính đã sáng suốt cả rồi, từ bấy giờ mới đi truyền đạo.
Tục truyền ông ấy về sau ăn mỡ lợn, phát trướng mà mất ở nơi Câu-thi. Lúc gần mất, ông ấy nói rằng: « Nay ta đã lên cõi Niết-Bàn, nghĩa là lên đến chỗ cực lạc thế giới ».
Ngài mất rồi, các học trò soạn nhặt các lời di ngôn, tập lại thành sách, cả thảy bốn mươi hai chương, chia làm ba quyển gọi là kinh Tam-tạng. Tạng nghĩa là chứa, vì các lời ngài chép ra chứa vào một chỗ, cho nên gọi là tạng. Tam Tạng:
1.— Kinh-tạng, là những lời luân thường đạo lý;
2.— Luật tạng, là những lời giới cấm;
3.— Luận tạng, là những lời nghị luận.
Mục đích đạo Phật, chỉ có hai chữ hư vô là kiêm hết. Có câu rằng: « Hết thảy không có cái gì, chỉ vì cái nhân duyên mà sinh ra. Nay dẫu tạm có, nhưng bản tính vẫn là không. Người đời càn dở giữ lấy cho làm của mình có, cho nên Đức Như-Lai ra đời, lấy một chữ vô mà phá cái hoặc ấy ». Mấy câu ấy đủ rõ đạo Phật.
Đạo Phật chia trong cơ thể, gọi là Lục-Côn (sáu cái gốc) là: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tị (mũi), thiệt (lưỡi), thân (mình), ý (ý tưởng). Các ngoại vật động tới cơ thể, gọi là Lục-trần (sáu cái bụi) là: sắc (sắc đẹp), thanh (tiếng hay), hương (mùi thơm), vị (vị ngon), xúc (chạm tới mình), pháp (tưởng tượng).
Lại có Ngũ giới (năm điều cấm) là: bất sát sinh (không được giết súc vật), bất đạo (không được trộm cắp), bất gian dâm (không được gian dâm), bất vọng ngôn (không được nói càn), bất ẩm tửu, thực nhục (không được uống rượu ăn thịt).
Phép Phật lại có cách tọa thiền. Tọa thiền là người tu hành ngồi nhắm mắt ngoảnh mặt vào vách, tĩnh hết lòng trần dục, không nghĩ ngợi gì. Có bốn bậc :
1.— Sơ thiền, không lo lắng.
2.— Nhị thiền, không khổ não.
3.— Tam thiền, rất vui sướng.
4.— Tứ thiền, không phải chịu vòng luân hồi nữa.
Luân hồi là kiếp trước làm những điều tội ác, thì chết xuống âm phủ phải chịu những tội khổ sở, rồi kiếp sau lại phải làm các giống súc vật, hoặc phải đầy đọa những cảnh khổ ải. Dưới âm phủ có một trăm ba mươi sáu động là những nơi ngục hình làm tội người ác. Những lời ấy là cách để khuyên cho người ta làm thiện mà chớ làm ác đấy thôi.
Nói rút lại thì đạo Phật có hai chủ ý: một là sự khổ não, hai là giải thoát sự khổ não. Khổ não là bởi sự luân hồi, thoát khỏi vòng luân hồi thì khỏi khổ, vậy thì bỏ hết lòng dục trói buộc ở trần thế, thì ra được ngoài vòng luân hồi, rồi mới lên được cõi Niết-bàn, nghĩa là lên cõi không không là nơi cực lạc thế giới.
Trên nầy nói đại khái nguyên ủy đạo Phật, còn đạo Phật thịnh hành ở Ấn-Độ và truyền bá sang Tàu, sang ta, thì trong Việt-sử-yếu của cụ Quận Hoàng nói đã tường, nay xin nhắc lại mà dịch như sau này:
« Sau khi ông Thích-Ca mất, học trò là Ma-kha-ca-diệp hội hết đồ đệ ở thành Vương-sá cả thảy năm trăm người, đó là lần thứ nhất Phật-giáo hội tụ. Cách một trăm năm nữa, Gia-sá-đa lại họp đệ tử ở Đôn-sá-lị, cả thảy bảy trăm người, đó là lần thứ hai Phật-giáo hội tụ. Tuy vậy trước sau trong ba trăm năm, Phật-giáo lưu truyền, chỉ ở quanh một dải sông Hằng-Hà. Đến đời vua Mao-lị-gia dựng nước ở giữa đất Ấn-Độ, hết sức mà chủ trì Phật-giáo, thì Phật-giáo mới lan khắp cả xứ Ấn-Độ. Trước Thiên-Chúa hai trăm ba mươi bốn năm (năm thứ năm mươi bốn đời Châu-noãn-Vương), vua Kế-ma đại-hội ở Kinh-Đô, duy lấy Phật-giáo làm tôn chủ, bắt ép người trong nước phải theo, và sai bọn thầy chùa làm giáo sĩ, đi ra ngoại quốc mà truyền đạo; từ đó Phật-giáo mới lan cả ra thế giới vậy.
Nước Tàu từ khi Ban-Siêu (vào đời Hán Võ đế) đi sứ Tây vực trở về thì danh hiệu Phật ở phương Tây, mới thấu đến tai người Tàu. Năm Vĩnh Bình thứ tám đời vua Minh Đế nhà Hán (sau Thiên-chúa sáu chục năm), vua sai người Thái-Tịch sang Tây-Trúc cầu Phật, Thái-Tịch mang kinh Phật và hai thầy tăng là Nghiệp-mã-Đằng, Chúc-pháp-Lan và Lạc-Dương, vua sai lập chùa Bạch-Mã để thờ Phật. Về sau có bọn Chi-đầu-Đà, Mã-an-Thế, Khang-mạnh-Tường mới dùng chữ nho mà dịch kinh nhà Phật để dạy người Tàu, các người ấy toàn là người Ấn-Độ đến ở Tàu.
Năm Long-An thứ ba đời vua An-Đế nhà Tần (402) có người Pháp-Hiển qua chơi Ấn-Độ, đi du lịch hơn ba chục nước, rồi tự Tích-Lan đảo vượt bể Nam-Hải, mà về nước. Năm Đại-Thông đời vua Vũ-Đế nhà Lương (532), ngươi Phổ-Văn và ngươi Tuệ-Sinh sang phía Bắc nước Ấn-Độ, đem kinh Phật về nước. Năm Trinh-Quán thứ ba đời vua Thái-Tôn nhà Đường, thầy chùa là Huyền-Trang đi men Tây-Tạng sang Ấn-Độ mua được kinh Phật sáu trăm năm mươi bản. Năm Hàm-Thanh thứ hai đời vua Cao-Tôn nhà Đường (726) thầy chùa là Nghĩa-Tính đi qua bể Nam-Hải sang Ấn-Độ, lấy được kinh Phật bốn trăm bản, ấy đều là người Tàu sang Ấn-Độ.
Đương khi nước ta nội thuộc, người Tàu tôn tín thì người nước ta cũng tôn tín, ấy gọi là chủ đi đường nào thì theo đi đường ấy. Xét khi nội thuộc nhà Lương, có người Lý Phật-Tử, Lý là họ, Phật-Tử là tên, chắc là tục cầu tự di truyền lại, mà thói mộ đạo Phật đã lâu chăng?
Xét ở cựu-sử chép năm Thái-Bình thứ hai đời vua Tiên Hoàng nhà Đinh, vua mến đạo Phật, dùng ngươi Ngô-chân-Lưu làm Khuông-Việt thái-sư. Đời vua Đại-Hành nhà Lê, sứ Tàu đến nước ta, bao nhiêu tờ bồi vãng lai đều do ở tay Khuông-Việt. Sau vua lại sai sứ sang Tầu cầu kinh Tam-Tạng, vậy thì Phật-giáo truyền sang nước ta từ đó.
*
* *
Vua Lý-thái-Tổ là một vị vua chúa mà học thầy chùa là Vạn-Hạnh; người nước ta như Từ-đạo-Hạnh, Khổng-Lộ, Mẫn-Giác, Lư-Ấn đều là bậc danh nho mà thâm thúy về Phật học. Từ nhà Đinh đến nhà Lý, dựng chùa tô tượng không lúc nào không có, vậy thì Phật-giáo thịnh hành ở nước ta cũng đã lâu.
Song đương lúc bấy giờ, các bậc danh công như ông Phạm sư Mạnh, ông Lê bá Quát cũng đã bài bác đi rồi. Đến đời vua Lê Thánh Tôn, lại cấm dân không được lập chùa mới, vậy Khổng giáo mỗi ngày một thịnh, thì Phật giáo mỗi ngày một suy, cũng là cái thềm bậc tiến hóa tự nhiên đó.
Xét đạo Phật lấy hư vô làm tôn chỉ, chủ ý rằng hết thảy chúng sinh nếu bỏ hết lòng ham muốn mà giũ sạch cái bụi đời bám vào mình, thì ngày sau mình được hưởng cái phúc hậu vô lượng. Cái mục đích ấy cũng cao, cái chủ ý ấy cũng lạ. Song hiềm vì đạo Phật bày ra lắm điều kỳ ảo, nào luân hồi, nào siêu thoát, nào họa phúc, nào nhân quả, nói toàn những mối dị đoan, làm cho lòng người mê tín, mà không ích cho sự thật cho nên đạo nho phải bác đi mà không cho là chính đạo.
Tuy vậy, Phật-giáo cũng là một môn đạo giáo, người tầm thường vị tất đã hiểu thấu lý cao sâu của nhà Phật, thì cũng chớ nên bài bác khinh bỉ mà thành ra một người vô hạnh.
Hiện bây giờ Phật-giáo ở nước ta cũng đã suy. Tuy lưu truyền đã lưu, làng nào cũng có chùa thờ Phật, dân gian vẫn còn cúng bái sùng phụng, nhưng chẳng qua là bọn ngu phu, ngu phụ theo thói quen mà cúng vái chớ kỳ thật thì không mấy người mộ đạo.
Trừ ra mấy kẻ bực đời đi tu, còn phần nhiều là bọn ăn bơ làm biếng, trốn chúa lộn chồng, mượn cửa Bồ Đề mà nương thân. Còn bọn hạ lưu xã hội, mê tín sự báo ứng, thì toàn là bọn ngu xuẩn, thấy nam-mô thì cũng nam-mô, thấy sám-hối thì cũng sám-hối, còn hiểu gì là đạo Như-Lai nữa.
Huống chi lại còn nhiều kẻ tính tình rất hung bạo mà cũng mượn cửa thiền để làm nơi trú ẩn. Tiếng là đi tu, mình mặc cà sa, đầu đội nón tu lư, tay lần tràng hạt, mặt giả dạng từ bi, mà bụng dạ thì như rắn như rết, nào rượu ngon, nào gái đẹp, nào thịt chó hầm hoa sen, nào thịt lợn viên nhỏ làm thuốc đau bụng, nào quần áo xà ích.
Nam-mô một bồ dao găm, hổ mang hổ lửa, sự ấy mới lại gớm ghê nữa.