XIX. NGHỀ BUÔN BÁN

XIX.— NGHỀ BUÔN BÁN

Việc buôn bán nước ta cũng suy đồi lắm. Bao nhiêu các mối lợi to như vận hàng hóa xuất dương, khai mỏ, mở nhà ngân hàng, lập đại thương cục, v.v… thì ở cả tay các người ngoại quốc, chớ người mình thì chưa thấy mấy người dựng nên công cuộc nào hoặc hợp cổ mà làm nên việc gì to tát. Duy vài chục năm nay thì mới có mấy nhà phú thương gây dựng được vài việc như công ty tàu thủy, hiệu cầm đồ, hiệu nhà in, cửa hàng bán đồ thêu, đồ khảm, v.v… Có ​việc vốn tới vài ba mươi vạn, kẻ làm công tới một hai trăm người, kể đã là to, song so với cách buôn bán của ngoại quốc thì vẫn chưa thấm vào đâu cả.

Dưới hạng này thì các nhà buôn bán ở các nơi thành phố, người thì mở hàng cân ngô cân gạo, người thì buôn cất hàng Tây hàng Tầu, hoặc người thì buôn hàng tơ lụa, hoặc người thì bán hàng tạp hóa, hoặc người thì cho vay đặt lãi, để tranh lợi với bọn Sét ty, v.v… Những nghề này dấn vốn nhiều ra độ một vài vạn, ít nữa độ đôi ba nghìn, cũng nên kể là nhà buôn bán to của An-nam ta.

Lại còn các nhà buôn thuyền bán bè, chở tỉnh này qua tỉnh khác, hoặc mắm hoặc muối, hoặc ngô hoặc gạo, hoặc củi hoặc gỗ, hoặc nứa hoặc tre, v.v… Hạng này cũng kể là một việc buôn bán vật lực, và cũng phải một vài nghìn vốn mới đủ dùng.

Dưới nữa thì là các nhà tư bản ít oi, đan lồng phất giấy, buôn chợ kia bán chợ nọ, buôn chiều hôm bán sớm mai. Nan người nứa người, nhờ cái tay khéo phất, kiếm được đủ ăn tiêu đủ thuế má là tốt, mà không khéo vỡ nợ bỏ xứ mà đi cũng nhiều.

Còn về chốn nhà quê, nơi nào không có ruộng nương, không có nghề nghiệp gì thì xoay ra làm hàng xay hàng xáo, lái trâu lái bò hoặc bán hàng quà hàng bánh kiếm ít lời đầu tôm râu cá, về nhà cơm rau cơm cháo cho qua đời. Nhà nào có được một vài trăm bạc bỏ ra vốn đong vốn để, hoặc chứa thóc gạo, đong lúc rẻ bán lúc ​đắt, hoặc cầm bát họ bát hàng, đã kể là phong vận hơn người.

*

* *

Xét ra việc buôn bán của ta không được thịnh vượng bằng các nước cũng bởi nhiều cớ:

Một là vì ta không biết trọng nghề buôn bán. Phần nhiều người chỉ nô nức về đường công danh sĩ hoạn mà coi nghề buôn bán là một nghề khinh thường. Người giàu có cho con đi học, mong cho con về sau nhất ra thì làm nên ông nghè, ông bảng, không nữa thì cũng phải làm được ông hậu ông hàn, chớ nào ai mong cho con mai sau làm nên bác lái này ông tài nọ. Người làm quan trở về thì lấy gió mát trăng thanh, cúc thơm lan tốt, chè chuyên thuốc quấn, đàn ngọt hát hay làm vui thú, chớ nào ai thiết gì ông chủ cửa hàng nọ, ông quản lý cửa hiệu kia. Mà các bác nhờ tổ ấm đủ bát ăn thì cũng lấy sự thanh nhàn là thú ở trên đời, còn việc buôn bán thây mẹ đĩ. Té ra công việc buôn bán phần nhiều ở trong tay người đàn bà và ở trong bọn mấy chú lái thì mong sao mà mở mang ra to được.

Hai là vì nhát tính không dám đi xa. Người nhờ có dấn vốn chỉ ngồi phền phệt một xó, cái gì cũng chờ người ta mang đến tận nơi, mua tranh bán cướp với nhau, chớ một bước cũng không dám rời đi đâu cả. Ví dù có đi chăng nữa thì chẳng qua Hà-nội xuống Hải-phòng, Sơn-tây xuôi Nam-định đã cho là xa xôi, ai bần cùng lắm mới lên đến Lào Kay, Yên Bái, hoặc vào đến Bình-Định, Sài-gòn. Còn chỉ những lo nước độc ma thiêng, hoặc là ​phong ba bất trắc mà quanh năm chí tối, bán quẩn buôn quanh.

Ba là vì không có lòng thành thật, nhất là những kẻ gian tham, của một nói thách lên mười để lừa những người khờ dại, nhờ cái sự sơ ý của người ta mà kiếm ăn làm giàu làm có, thì các tài ấy cũng đáng khinh bỉ lắm. Lại còn những kẻ giả dối điêu trác nói của tốt bán của xấu, càng người quen càng lèn đau thì cũng đáng khinh nữa. Đến như các nhà hợp cổ mở ra hội này hội khác, công việc chưa thành, đã đem lòng ngờ vực nhau rồi. Nào là chủ hội thì nghi cho người làm công ăn bớt, nào là người cổ phần thì nghi cho chủ hội hà lạm. Mà rồi thì ai ai cũng chỉ muốn giữ lợi riêng, chẳng quản gì đến hội nữa. Vì thế người có phần sinh chán, mà chẳng bao lâu phải tan.

Bốn là vì ta không có lòng kiên nhẫn. Phàm làm việc gì, có phải dễ dàng mỗi chốc mà thành hiệu ngay được đâu. Ta buôn bán động hơi thấy lỗ vốn một chút hoặc hơi vấp váp điều gì thì đã ngã lòng ngay. Hoặc người đóng cửa trả môn bài, hoặc người xin thôi cổ phần, làm cho các việc có cơ tấn tới mà cũng phải tan không thành nữa.

Năm là vì ưa phù hoa, lấy sĩ diện với ngoài. Ai buôn bán hơi được kha khá phát tài, đã vội vàng đổi ngay bộ dáng cũ. Cửa nhà trang sức rực rỡ, coi ra dáng đại phú gia rồi. Đi đâu thì quần nọ áo kia, xe xe ngựa ngựa, nghênh ngang lên mặt tưởng không ai phong lưu bằng ta, nhất là dư của mà mua được tiếng ông hàn, ông bá thì lại coi ra dáng nữa. Chí khí nông nổi như vậy thì tích lũy ​làm sao cho nên một vốn to, để mở mang cho mỗi ngày một phát đạt.

Vì các nỗi trên này mà đường buôn bán suy nhược, trách nào mà bao nhiêu lợi quyền chẳng vào tay người khác.

Ít lâu nay đã có người hiểu cách buôn bán là trọng, lập nên công này việc khác cũng đã ra tuồng, và cũng đã được hưởng những lợi quyền sung sướng ở trong việc buôn bán. Song nghìn muôn người mới được một vài người, chớ phần nhiều thì vẫn u u mê mê như trước mà dẫu có muốn mở mang cũng không có lòng thành tín và lòng kiên nhẫn để cho nên một cuộc hay.

Than ôi! việc lý tài chung của một nước, trọng nhất là sự buôn bán. Đường buôn bán có thịnh thì nước mới thịnh, đường buôn bán mà suy thì nước cũng suy. Thử xem như các nước cường thịnh bây giờ, nước nào là nước không có tàu đi buôn đi nhiều nơi, nước nào là nước không có hiệu buôn lập nhiều chốn, có đâu lại lạ như nước ta, không được một chiếc tàu nào xuất dương, một cửa hàng nào ở ngoại quốc, vậy mà cứ muốn vinh dự như các nước, thì vinh làm sao được?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.