XXXI.— XEM NGÀY KÉN GIỜ
Việc cưới xin, việc làm cửa làm nhà, việc vui mừng khai hạ, việc xuất hành đi xa, việc khai trương cửa hàng cửa hiệu, việc gieo mạ cấy lúa, việc tế tự, việc thương biểu, việc nhập học, việc xuất quân, việc an táng v.v… việc gì thường cũng phải xem ngày kén giờ. Nhất là đầu năm mới bắt đầu làm việc gì, hoặc động thổ, hoặc xuất hành, hoặc khai bút, khai ấn v.v… lại cần xem ngày lắm. Đến những việc vụn vặt như cạo đầu, xỏ tai cho trẻ thơ, việc tắm gội, may áo v.v… cũng có người cẩn thận quá mà kén ngày.
Kén ngày thì phải xem đến lịch. Sách lịch do tòa Khâm-thiên-giám soạn ra. Mỗi năm về ngày mồng một tháng chạp, Hoàng đế ngự điện khai trào, các quan tòa Khâm-thiên-giám cung tiến Hiệp-kỷ-lịch, rồi khâm mạng vua mà ban lịch đi các nơi.
Lệ phát lịch, bao nhiêu văn võ quan lại cho đến tổng lý đều được. Tự quan tứ phẩm trở lên thì lịch có ấn dấu Kim-bảo; còn ngũ phẩm trở xuống thì ấn dấu Giám. Còn dân gian thì mua lịch của Giám in ra mà dùng.
Ban lịch trọng nhất là để cho thiên hạ biết chính xác tiết khí, tháng thiếu tháng đủ, ngày tốt ngày xấu, để cho tuân hành được đều nhau.
Đại để ngày nào có nhiều sao cát-tinh như Thiên-đức, Nguyệt-đức, Thiên-hỉ v.v… hoặc là ngày trực khai, trực kiến, trực binh, trực mãn thì là ngày tốt; ngày nào có những sao hung tinh như sao Trùng-tang, Trùng-cửu, Thiên hình, Nguyệt-phá v.v… hoặc là ngày trực-nguy, trực phá thì là ngày xấu.
Kiêng nhất là ngày sát chủ, ngày thọ tử, việc gì cũng phải tránh. Mỗi tháng có ba ngày là ngày 5, 14, 23, gọi là nguyệt kỵ, việc gì cũng nên kiêng mà nhất là kiêng sự nhập phòng. Trong một năm lại có mười ba ngày gọi là ngày Dương công kỵ nhật, hết thảy việc gì cũng phải tránh những ngày ấy.
Những ngày ấy là:
Ngày | 13 | tháng | giêng, |
— | 12 | — | hai, |
— | 9 | — | ba, |
— | 7 | — | tư, |
— | 5 | — | năm, |
— | 3 | — | sáu, |
— | 8 và 29 | — | bảy, |
— | 27 | — | tám, |
— | 25 | — | chín, |
— | 23 | — | mười, |
— | 21 | — | mười một, |
— | 19 | — | chạp, |
Hễ phạm phải ngày ấy thì việc gì cũng hư hỏng không thành.
Phàm việc lại cần kén ngày hợp mệnh, mà kiêng ngày tuổi.
Ngoại giả lại còn những ngày thập linh, ngày lục hợp là tốt, ngày thập ác đại bại, ngày tứ ly, ngày tứ tuyệt là xấu.
Nói qua mấy việc dân gian cần dùng nên kén nên kỵ:
Cưới xin nên tìm ngày Thiên-đức, Nguyệt-đức, kỵ ngày trực phá, trực nguy. Làm nhà nên tìm ngày Thiên-ân, Thiên-hỉ, kỵ ngày Thiên-hỏa, địa hỏa và tuổi Kim-lâu. Xuất hành nên tìm ngày Lộc mã, Hoàng đạo, kỵ ngày trực phá, trực bế. An táng nên tìm ngày Thiên-hỉ, Thiên-đức, kỵ ngày tử-khí quan phù v.v…
Còn như kén ngày giờ thì việc gì lúc mới bắt đầu như lúc mới xuất hành, lúc mới ra ngõ đi cưới, lúc mới dựng nhà, lúc mới hạ huyệt v.v… thường đều kén lấy giờ hoàng đạo.
Phép tính giờ hoàng-đạo phải nhớ bốn câu thơ:
Dần, thân gia tý; mão, dậu dần;
Thìn, tuất tầm thìn; tị, hợi thân;
Tý, ngọ thiên cương tầm ngọ vị;
Sửu, mùi tòng tuất định kỳ chân.
Lại cần phải nhớ hai câu:
Đạo viễn kỷ thời thông đạt,
Lộ dao hà nhật hoàn trình.
Lúc đánh giờ, trước hết phải biết ngày gì, rồi dùng hai câu thơ dưới mà bấm theo giờ ở bốn câu thơ trên. Hễ bấm mà gặp cung nào có chữ đạo, viễn, thông, đạt, dao, hoàn, thì giờ ấy là giờ hoàng đạo. Ví dụ ngày dần, ngày thân thì bấm chữ đạo ngay từ cung tý, rồi miệng đọc tay bấm lần đi: cung tý chữ đạo, cung sửu chữ viễn, cung dần chữ kỷ, cung mão chữ thời, cung thìn chữ thông, cung tỵ chữ đạt, cung ngọ chữ lộ, cung mùi chữ dao, cung thân chữ hà, cung dậu chữ nhật, cung tuất chữ hoàn, cung hợi chữ trình. Vật trong hai ngày ấy thì giờ tý, sửu, thìn, tỵ, mùi, tuất là giờ hoàng đạo. Còn các ngày khác cũng cứ theo bốn câu thơ ấy mà tìm giờ rồi cũng tính đi như thế.
Trẻ thơ mới sinh nhất là kỵ sinh phải giờ kim-xà thiết-tỏa. Sinh phải giờ ấy thì khó nuôi, phải cúng nhương giải mới nuôi được.
Phép đánh giờ kim-xà thiết tỏa:
Trước hết phải xem năm, tháng, ngày giờ nào, rồi cứ tự cung tuất trên bàn tay mà bắt đầu tính năm tý; tính xuôi cho đến năm sinh thuộc về cung nào, rồi lại từ cung ấy mà khởi ngày mồng một, tính xuôi cho đến ngày sinh thuộc về cung nào, rồi lại từ cung ấy mà khởi giờ tý, tính ngược cho đến giờ sinh. Rồi mới xem giờ sinh ấy ở cung nào, hễ con trai mà phạm phải cung thìn, tuất, con gái mà phạm cung sửu, mùi thì là giờ kim-xà thiết-tỏa.
Ví dụ năm mão, tháng chín, ngày ba, giờ ngọ, sinh con gái.
Thì tính trên cung tuất, đếm xuôi tý, sửu, dần, mão, vậy thì mão ở cung sửu; ở cung sửu khởi tháng giêng, tính ngược tháng giêng, hai, ba, tư, năm, sáu, bảy, tám, chín, vậy thì tháng chín ở cung tỵ; ở cung tý khởi ngày mồng một, tính xuôi mồng một, hai, ba, vậy thì mồng ba ở cung mùi; ở cung mùi khởi giờ tý, tính ngược tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, vậy thì ngọ ở cung sửu, thế là giờ kim-xà thiết-tảo.
*
* *
Xét phép chọn ngày, từ đời Đường, Ngu, Tam-đại đã có. Song khi bấy giờ thì chỉ tùy việc mà chọn ngày: nội sự dụng nhu, ngoại sự dụng cương. Nội sự là việc trong như việc tế tự, việc cưới xin v.v… thì dùng những ngày âm can là các ngày: ất, đinh, kỷ, tân, quí; ngoại sự là việc ngoài như việc đánh dẹp, việc giao thiệp v.v… thì dùng những ngày dương-can là các ngày: giáp, bính, mậu, canh, nhâm. Dùng như thế chỉ là có ý làm việc êm ái hòa nhã thì theo về ngày âm, việc cứng cáp mạnh mẽ thì theo về ngày dương, nghĩa là kén lấy ngày có chút ý nghĩa hợp với nhau mà thôi.
Đến đời sau các nhà âm dương thuật số mỗi ngày mới bày thêm ra ngày sao tốt, ngày sao xấu, ngày này nên làm việc nọ, ngày kia nên làm việc kia. Hết ngày rồi lại có giờ sinh, giờ hợp, giờ sung, giờ khắc, động làm việc gì cũng phải xem ngày kén giờ, thực là một việc phiền toái quá. Đã đành làm việc gì cũng nên để lòng cẩn thận, mà chọn từng ngày kén từng giờ thì khí câu nệ khó chịu. Mà xét cho kỹ thì có ích gì đâu, chẳng qua việc thành hay bại cốt do ở người, chớ có quan hệ gì ngày tốt, ngày xấu. Nếu cứ chọn ngày giờ mà nên việc thì không cần gì phải dùng đến sức người nữa hay sao?
Vậy thí tục này lại là một điều vô lý nữa. Ngày nào cũng là ngày trời, giờ nào cũng là giờ ngày, tưởng chỉ nên tùy tiện lúc nào xảy đến việc gì thì làm việc ấy, bất tất phải câu nệ.