XLV. HÁT TUỒNG

XLV.— HÁT TUỒNG

Hát tuồng tức là nhạc võ và là một cách tiêu khiển cho người ta. Cổ giả dùng những sự tích đế vương diễn ra làm tuồng, là có ý kỷ niệm cái công đức trị dân phá giặc của người xưa, để làm gương cho các vua đời sau; và lại tả hết các tính, tình kẻ trung người nịnh, để làm gương cho thiên hạ, vậy thì hát tuồng là một bức tranh truyền thần của tiền nhân và là một bài luân lý dạy bằng sự thực nữa.

Nước ta cũng theo tục ấy mà đặt ra các bài tuồng. Nhất là hay diễn theo sự tích Tam quốc, Sơn hậu, Chinh đông, Chinh tây, Bình nam, Tảo bắc, Phản đường, Thuyết nhạc, v.v…

Con hát phải luyện tập lắm mới giỏi. Phải biết hát đủ giọng, phải biết bộ tịch nhảy múa, đóng vai nào phải y hệt cái thần tình vai ấy mới là khéo.

Hát phải có nhạc, nào kèn nào trống, nào mõ, nào thanh la để đỡ giọng hát và điểm vào những nơi nhạt ​nhẽo cho vui; lại có người cầm trống chầu để thưởng những chỗ hay và làm cho thêm lộng lẫy cuộc vui lên nữa.

Đồ áo mũ hia ủng, cờ tàn qua kích cũng phải chỉnh đốn lịch sự. Rạp hát bài trí cũng cho trang hoàng rực rỡ, làm ra nghi lâu giả thành, và có đủ sơn thủy cây cối mới đẹp.

Về các nơi nhà quê khi có hội hè, thường hay gọi phường tuồng về hát. Song chỉ hát độ dăm ba bữa nửa tháng là tan, mà rạp hát cũng kết tạm bằng nứa lá xì xằng, chớ không có cơ sở chỉnh đốn nào cả. Duy ở về các nơi đô hội thì mới có rạp hát lịch sự, trừ ra ở Huế có rạp hát Ngự là nhà hát riêng của vua đã đành, còn như Sài-gòn, Hà-nội, Hải-phòng v.v… thì là các người có vốn hợp cổ lập nên, hoặc của một người giàu có mở ra để làm chỗ vui chung cho thiên hạ mà lấy lời.

Rạp nào lịch sự và con hát mà giỏi cũng có tiếng song không có danh giá trọng vọng bằng con hát Âu-châu.

*

* *

Cuộc diễn kịch của hoàn cầu là cốt đem hết tính tình hay dở của thiên hạ mà bày ra trước mắt thiên hạ, tả làm sao cho đúng tinh thần, để cho người đi xem trông thấy mà cảm động đến tấm lòng, thói nào nên kính nên trọng, thói nào nên khinh nên bỉ, vừa làm một trò tiêu khiển cho người ta, lại vừa làm một cách treo gương cho người ta, cho nên tuy là sự vui cười, mà thực là có ích cho việc giáo dục nữa.

Vậy bất cứ điều gì, hoặc việc quân quốc, hoặc tình ​trai gái, hoặc các nết hay của bậc hiền đức, hoặc các thói xấu của loài tiểu nhân, điều gì có thể tỉnh ngộ nhân tâm, cũng có thể đem ra diễn được. Còn như các câu khôi hài, các lời tán tỉnh, chẳng qua chỉ đệm cho thêm vui mà thôi.

Chủ ý cuộc diễn kịch của ta thì tựa như khí hẹp hơn nghĩa ấy, cho nên chỉ diễn những sự tích trận mạc. Mà lại toàn là những tích hoang đường của Tàu. Tiếc thay từ xưa đến giờ những bậc văn nhân tài tử, chưa có mấy nhà chịu khó tìm kiếm sự tích nước nhà mà diễn ra làm bài tuồng để cho người ta vừa nhớ đến công đức tiền nhân ta và lại để tỉnh ngộ cho ta nữa.

Hai nữa là ta chưa biết trọng nghề diễn kịch, thường cho con hát là kẻ hèn hạ, chớ không biết rằng chính người học thức, có lịch thiệp thế thái nhân tình, thì mới làm nổi được con hát giỏi, mà cũng không mấy người có học thức mà chịu đi làm nghề ấy.

Các nước văn minh, con hát có danh giá, mà những nhà văn sĩ, ai làm được bài tuồng nào hay, cũng nổi tiếng văn chương một thời, ta thì đã đâu được như thế.

Vậy mới biết hát tuồng cũng là một việc hệ trọng. Hiện nay ta cũng đã nhiều người hiểu nghĩa ấy, muốn cải lương cho theo với cách văn minh. Thiết tưởng muốn theo cách văn minh thì chẳng những qui củ rạp hát, cùng là âm nhạc phải chỉnh đốn lại, mà đến những bài tuồng cũng nên sửa sang theo lối mới, mới bỏ những điều hoang đường, bớt những câu nhảm nhí, mà nhất là diễn theo sự tích của ta thì lại càng hay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.