Cộng hòa miền Nam Việt Nam | |
---|---|
1969–1976 | |
Quốc kỳ | |
Tiêu ngữ: Độc lập – Dân chủ – Hòa bình – Trung lập | |
Quốc ca: Giải phóng miền Nam | |
Lãnh thổ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố chủ quyền (đỏ) | |
Tổng quan | |
Vị thế | Chính phủ lâm thời Nhà nước xã hội chủ nghĩa liên minh với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1975 |
Thủ đô | Thị xã Đông Hà (1973–1975) Sài Gòn – Gia Định (1975–1976) |
Ngôn ngữ thông dụng | Tiếng Việt |
Tôn giáo chính | Tam giáo: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo |
Chính phủ | Chính phủ Cách mạng lâm thời |
Chủ tịch Hội đồng Cố vấn | |
• 1969–1976 | Nguyễn Hữu Thọ |
Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời | |
• 1969–1976 | Huỳnh Tấn Phát |
Thời kỳ | Chiến tranh lạnh Chiến tranh Việt Nam |
• Thành lập | 6 tháng 6 năm 1969 |
• Tiếp quản Việt Nam Cộng hòa | 30 tháng 4 năm 1975 |
• Thống nhất với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa | 2 tháng 7 năm 1976 |
Diện tích 1973 | 173.809 km2 (67.108 mi2) |
Dân số 1973 | 19.370.000 |
Đơn vị tiền tệ | Đồng |
Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một chính thể tại miền Nam Việt Nam, được thành lập bởi Đại hội Quốc dân miền Nam Việt Nam mà nòng cốt là lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam thành lập ở miền Nam Việt Nam với mục đích quản lý các vùng đất do phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam kiểm soát tại miền Nam Việt Nam. Đây là nhà nước lâm thời được lập ra nhằm để tăng tính hợp pháp và chính danh của các vùng mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam kiểm soát.
Theo Hiệp định Paris, thì Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một trong hai chính thể tồn tại ở miền Nam Việt Nam, và là một trong ba chính thể trên lãnh thổ Việt Nam.
Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được một số các quốc gia công nhận và có quan hệ ngoại giao (tính đến 24/1/1976 thì chính thể này có tổng cộng 90 nước công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao, Kuwait là nước cuối cùng thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhà nước này 24/1/1976 trước khi Việt Nam tái thống nhất hòa bình 2/7/1976). Chính thể này tham gia ký Hiệp định Paris 1973 với tư cách là một bên tham chiến. Chính phủ này tiếp quản các lãnh thổ thuộc kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp nhất thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là một chính thể trên một Miền như tên chính thức của nó có chữ “Miền”. Quyền lực pháp lý của nó về lý thuyết độc lập với Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Về thực tế nó có quyền lực độc lập hình thức với Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng về bí mật nó chịu chỉ đạo của Đảng Lao động Việt Nam, đặc biệt giai đoạn trước khi Hiệp định Paris được ký kết, và trở nên công khai sau 1975. Hiệp định Paris khẳng định Việt Nam là một nước duy nhất như hiệp định Genève quy định, nhưng có các chính thể – nhà nước khác nhau quản lý các vùng khác nhau… Cộng hòa Miền Nam Việt Nam không có quốc kỳ, quốc ca, thủ đô (không có bất kỳ văn bản nào quy định), mà chỉ có cờ và bài hát của Mặt trận và Chính phủ, và trụ sở Chính phủ thì hay thay đổi (nhưng thực tế nhiều thành viên Chính phủ nhiều thời gian trên đất Bắc). Thú vị là Đài Phát thanh Giải phóng của Mặt trận và Chính phủ này về công khai ra thế giới là đặt tại một vùng của miền Nam thì thực tế lại có trụ sở phát sóng bí mật trên đất Bắc với mật danh là CP 90, ban biên tập tiền phương bí mật chuyển tin về Bắc sau đó biên tập phát sóng lấy danh nghĩa Mặt trận.
Thành lập
Trước khi thành lập Chính phủ, các vùng do cách mạng kiểm soát đặt dưới sự quản lý của các Ủy ban nhân dân tự quản, sau là Ủy ban nhân dân giải phóng rồi Ủy ban nhân dân cách mạng. Đứng trước yêu cầu phải có một chính quyền Trung ương, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương thành lập một chính phủ lâm thời. Một cuộc họp của các lãnh đạo Trung ương Cục gồm các ông Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh và Thường vụ TW Cục với đại diện Mặt trận ông Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát được tổ chức. Sau đó ông Phạm Hùng đi họp Bộ Chính trị ngoài Bắc xin ý kiến Trung ương. Sau khi được TW cho ý kiến, công tác tổ chức trực tiếp do ông Phạm Hùng và Nguyễn Văn Linh đảm nhiệm. Một hội nghị liên tịch giữa Thường trực TW Mặt trận Dân tộc giải phóng và Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình cũng được tổ chức để bàn về tổ chức Đại hội. Theo Chỉ thị 13/CTLT ngày 15-5-1968 của Trung ương Cục chỉ đạo thành lập chính quyền các cấp thì chính quyền một mặt phải bảo đảm tính chất chuyên chính của nó, mặt khác phải thể hiện tính chất rộng rãi, để “tiến hành triệt để cách mạng dân tộc dân chủ đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc, và sau này sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội”
Từ ngày 6-8/6/1969, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam, mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng với Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch, là nòng cốt, đã bầu ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, và Hội đồng Cố vấn Chính phủ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Đại hội do ông Nguyễn Hữu Thọ và Trịnh Đình thảo chủ trì. Đại diện Đảng tham dự là ông Nguyễn Văn Linh. Ngay sau khi được thành lập, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Từ tháng 6/1969 đến đầu năm 1976, đã có 90 nước trên thế giới này (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và lập quan hệ ngoại giao.
Các chính phủ chính thức công nhận Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trong nửa đầu tháng 5/1975 gồm: Thái Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Ấn Độ, Đan Mạch, Pakistan, Jamaica, Síp, Chính phủ Liên hiệp Dân tộc Lâm thời Lào, Nigeria, Nhật Bản, Úc, Nepal, New Zealand, Anh, Ý, Pháp, Bỉ, Canada; ngày 18 là Jordan và Ấn Độ lập quan hệ ngoại giao. Ngày 25/6/1975 lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ với Canada.
Chính quyền trung ương Cộng hòa Miền Nam Việt Nam có quyền lực hành pháp. Hội đồng Cố vấn có chức năng như cơ quan tư vấn, góp ý Chính phủ, sau này có chức năng lập pháp. Chính phủ không công khai chịu sự chỉ đạo từ ngoài Bắc hay của cấp ủy Đảng trong nam, nhưng vẫn thể hiện rõ miền Bắc chi viện miền Nam như là “hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn” và chịu chỉ đạo của Hồ Chí Minh và di chúc của Hồ Chí Minh (mà họ gọi là Hồ Chủ tịch) với tư cách là lãnh tụ của nhân dân cả nước (với Mặt trận thì gọi thêm là “lãnh tụ của mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam”). Các chỉ đạo chính sách trong Nam của Đảng ở TW là bí mật (theo chỉ thị của Ban Bí thư)
Chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được tổ chức ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và thành phố, cấp huyện và cấp xã. Các cấp địa phương đều có Hội đồng Nhân dân Cách mạng và Ủy ban Nhân dân Cách mạng.
Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đã công bố chương trình hành động 12 điểm nhằm động viên toàn quân, toàn dân miền Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đã kêu gọi toàn quân, toàn dân, không phân biệt chính đảng, tôn giáo, dân tộc, đoàn thể, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên, các tổ chức công thương yêu nước, kiều bào ở nước ngoài và những cá nhân yêu nước trong guồng máy ngụy quân, ngụy quyền… tất cả cùng tăng cường đoàn kết, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngày 7/11/1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố về chính sách chiến tranh xâm lược ngoan cố của chính quyền Nixon đối với miền Nam Việt Nam. Bản Tuyên bố nêu rõ:
“ | “Miền Nam Việt Nam phải được độc lập, tự do… Nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu – đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam mà không được đòi điều kiện gì, phải từ bỏ chính quyền tay sai Thiệu – Kỳ – Khiêm độc tài, hiếu chiến và thối nát để nhân dân Việt Nam giải quyết công việc nội bộ của mình”. | ” |
Hệ thống chính trị
- Đại hội Quốc dân
- Chính phủ Cách mạng lâm thời: quản lý hành chính bao gồm cả Quân giải phóng Miền Nam, đại diện ngoại giao
- Chính quyền địa phương: Hội đồng nhân dân cách mạng, Ủy ban nhân dân cách mạng cấp tỉnh, thành phố, huyện, xã
- Tòa án nhân dân cách mạng các cấp
- Đoàn thể: Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cấp trung ương đến địa phương, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam cấp trung ương và ở các thành phố, các chính đảng: Đảng Nhân dân cách mạng, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội cấp tiến, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội…(Đảng Lao động VN có cử đại diện tại miền Nam)
Danh sách Chính phủ Cách mạng Lâm thời
Thủ bút hợp tác ngoại giao hai chính phủ VNDCCH và CHMNVN.
- Chủ tịch Chính phủ Lâm thời (tương đương Thủ tướng): Huỳnh Tấn Phát.
- Các Phó Chủ tịch: Phùng Văn Cung, Nguyễn Văn Kiết, Nguyễn Đóa
- Bộ trưởng Phủ Chủ tịch Chính phủ: Trần Bửu Kiếm.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Trần Nam Trung.
- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Nguyễn Thị Bình.
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Phùng Văn Cung (Phó Chủ tịch kiêm chức).
- Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tài chính: Cao Văn Bổn.
- Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hoá: Lưu Hữu Phước.
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên: Nguyễn Văn Kiết (Phó Chủ tịch kiêm chức).
- Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội: Dương Quỳnh Hoa.
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Trương Như Tảng.
Các thứ trưởng:
- Phủ Chủ tịch Chính phủ: Ung Ngọc Ky.
- Bộ Quốc phòng: Đồng Văn Cống, Nguyễn Chánh.
- Bộ Ngoại giao: Lê Quang Chánh, Hoàng Bích Sơn.
- Bộ Nội vụ: Nguyễn Ngọc Thương.
- Bộ Kinh tế Tài chính: Nguyễn Văn Triệu.
- Bộ Thông tin Văn hóa: Hoàng Trọng Quỵ (Thanh Nghị), Lữ Phương.
- Bộ Tư pháp: Lê Văn Thà.
- Bộ Giáo dục và Thanh niên: Lê Văn Chi, Hồ Hữu Nhật.
- Bộ Kinh tế và Tài chính: Nguyễn Văn Triệu.
- Bộ Thương binh và Xã hội: Hồ Văn Huê, Bùi Thị Mê.
Đại diện đặc biệt tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Nguyễn Văn Tiến (trưởng đại diện), 1 phó và 6 ủy viên.
Danh sách Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời
- Chủ tịch (tương đương Nguyên thủ quốc gia): Nguyễn Hữu Thọ.
- Phó Chủ tịch: Trịnh Đình Thảo.
- Các Ủy viên: Y Bih Aleo, Thượng tọa Thích Đôn Hậu, Huỳnh Cương, Sư thúc Hòa Hảo Huỳnh Văn Trí, Nguyễn Công Phương, Lâm Văn Tết, Võ Oanh, Giáo sư Lê Văn Giáp, Thiếu tá quân đội Cao Đài Huỳnh Thanh Mừng, Lucien Phạm Ngọc Hùng, nữ Giáo sư Nguyễn Đình Chi.
Cơ chế Đảng lãnh đạo
Hệ thống chính trị ở miền Nam chịu sự lãnh đạo của Đảng Lao động tương tự như ở ngoài Bắc. Cơ chế Đảng lãnh đạo từ thời Việt Minh, sau 1945, tới Cộng hòa XHCN Việt Nam sau này thời bao cấp và Đổi mới, không có nhiều khác biệt. Nó tuân theo một nguyên tắc Lêninnít là “dân chủ tập trung” hay “tập trung dân chủ”. Tùy theo từng thời kỳ tập trung được nhấn mạnh hay dân chủ được nhấn mạnh, thả lỏng cho Chính quyền, Đoàn thể hay các tổ chức Đảng can thiệp sâu. Cơ chế lãnh đạo chính quyền, Mặt trận và Liên minh, các đoàn thể và cách mạng nói chung có một số nguyên tắc cơ bản:
- Những vấn đề thuộc thẩm quyền riêng của Đảng mà không phải của Mặt trận hay chính quyền, thì Đảng quyết định không phải thông qua các tổ chức kia, có nhiều vấn đề quan trọng thuộc về nội bộ Đảng, các vấn đề cần giải quyết nhanh chóng hay nhạy cảm
- Những vấn đề cần chính quyền, Mặt trận thể chế hóa thành pháp luật hay các văn bản của họ về nguyên tắc, cơ quan Đảng thuộc thẩm quyền có thể ra đường lối chủ trương theo quan điểm của chính họ, thông thường sẽ lấy ý kiến của cơ quan chính quyển, đoàn thể, các cơ quan bộ ban ngành liên quan, sau đó Đảng ra quyết định. Khi đã có quyết định của Đảng thì bên Mặt trận, chính quyền phải phục tùng ban hành quyết định dựa theo ý kiến của Đảng. Nếu có ý kiến khác thì vẫn phải tuân thủ ý kiến của Đảng, không được làm trái, nhưng cá nhân hay tổ chức có quyền bảo lưu ý kiến riêng báo cáo lại cơ quan Đảng để sau cơ quan hay lãnh đạo Đảng xem xét ra quyết định lại, hoặc có thể trình lên cấp ủy Đảng cấp trên để cấp ủy cấp trên xem xét bãi bỏ quyết định cấp dưới hay không. Ví dụ Trung ương Cục Miền Nam ra quyết định sau khi có tham khảo ý kiến của bên Mặt trận, chính quyền, thì bên Mặt trận, Chính quyền bắt buộc phải thi hành (thông thường các vấn đề cốt lõi bên Đảng quyết, các vấn đề câu chữ không quan trọng, bên thể chế hóa sẽ làm tiếp), nếu có cá nhân hay tập thể bên Mặt trận hay chính quyền không đồng ý có quyền bảo lưu ý kiến và sẽ đưa vấn đề ra cuộc họp sau của Trung ương Cục quyết, hay đệ trình lên Bộ Chính trị quyết, nếu không đồng ý ý kiến Bộ Chính trị, thì đệ trình ra Trung ương Đảng. Tuy nhiên các cơ chế này hiếm khi áp dụng. Thông thường các cuộc họp quan trọng của đảng liên quan trách nhiệm của cơ quan bên chính quyền hay Mặt trận đoàn thể, sẽ mời thêm một số cán bộ của các cơ quan bên Mặt trận, chính quyền tham dự để góp ý, giải trình, và họ không có quyền biểu quyết.
- Những vấn đề thuộc phạm vi cơ quan nào phụ trách trực tiếp, cơ quan đó có quyền đệ trình ra cấp ủy đảng quyết định, hoặc cấp ủy Đảng có quyền yêu cầu cơ quan đó đệ trình vấn đề mà cơ quan đó phụ trách để cơ quan Đảng ra quyết định. Cơ quan đảng dựa vào đệ trình của cơ quan bên Mặt trận, chính quyền xem xét quyết định, sau đó sẽ đưa lại cho bên Mặt trận và chính quyền thể chế hóa thành đường lối, pháp luật của họ. Ví dụ vấn đề văn hóa Bộ Văn hóa sẽ đệ trình hay cơ quan lãnh đạo đảng sẽ yêu cầu họ (tổ chức đảng của Bộ Văn hóa) đệ trình, Chính phủ hay đảng đoàn Chính phủ thảo luận cho ý kiến, vấn đề quan trọng đưa ra Bắc quyết định, ít quan trọng hơn sẽ do Trung ương Cục quyết định. Sau khi có quyết định của đảng, bên Mặt trận và chính quyền sẽ ban hành.
- Các vấn đề mang tính sự vụ, hành chính, hay không quan trọng, bên Mặt trận, đoàn thể chính quyền tự quyết sau đó báo cáo lại cấp ủy Đảng, thậm trí không cần báo cáo (ví dụ giải quyết ly hôn cho một đôi vợ chồng…)
Cơ chế lãnh đạo theo chiều dọc từ cấp trung ương đến xã, thôn, bản, ấp, các chi bộ đảng. Theo chiều ngang có đảng bộ các cơ quan mặt trận, đoàn thể, chính quyền, sở ban ngành. Các cơ quan tổ chức quan trọng ngoài đảng bộ, là các đảng đoàn và ban cán sự đảng do cấp trên bổ nhiệm xuống, ví dụ Đảng đoàn trong Mặt trận, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, các Hội, Chính phủ, ban cán sự các bộ ngành (riêng Bộ Ngoại giao thì có thời kỳ có ban cán sự, có thời kỳ Đảng nắm trực tiếp). Trong quân giải phóng áp dụng cơ chế quản lý riêng.
Thực tế trong suốt cuộc chiến tranh nhiều lần bên đảng có họp bàn về vấn đề có công khai trước toàn thế giới, Đảng và Bác lãnh đạo cách mạng miền Nam hay không, hay là để bên Mặt trận và chính phủ công khai, còn đảng đứng sau lưng, và gần như lần nào cũng là quyết định vẫn nên để bên Mặt trận đứng công khai, chứ chưa tiện để đảng đứng công khai. Việc thành lập chính quyền cũng bàn từ năm 1960 nhưng nhiều vấn đề nên luôn gác lại, liên quan vấn đề chủ trương là Mặt trận đấu tranh vũ trang nhưng luôn để ngỏ thành lập một chính phủ liên hiệp với những thành phần nào đó ở Sài Gòn, hay là vấn đề thành lập chính phủ gây khó khăn thế nào về pháp lý đối với vai trò của chính quyền ngoài Bắc đối với miền Nam, ngoài ra còn do các vùng cách mạng kiểm soát không ổn định, đa số là vùng phên dậu, “ngày cộng hòa đêm Việt cộng” rất phổ biến, mà chủ trương chính là đánh suy yếu đối phương hơn là giành dân lấn đất do khả năng quản lý còn kém của bên cách mạng, thiếu nhân vật lực, nên các vấn đề thành lập chính quyền hay bị gác lại. Có một thực tế là khi có đất quản lý, thì người dân tự quản là chính, còn bên đảng hay Mặt trận, và sau là chính quyền cử cán bộ quản lý, nhưng cơ chế đơn giản. Thành lập chính quyền cũng đòi hỏi phải có bầu cử, phải có cơ chế pháp luật chặt chẽ… cái này bên cách mạng còn ngại.
Việc thành lập chính phủ năm 1969 mục đích chính là phục vụ cho ngoại giao, đàm phán. Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cho Mặt trận chỉ là con rối của Bắc Việt, do Bắc Việt đẻ ra, họ không có quyền hành (nên không muốn ngồi cùng), trong khi đó bên Cách mạng lại luôn muốn tỏ ra với thế giới là Mặt trận có đường lối độc lập với miền Bắc, để nâng cao vị thế của họ, có lợi cho đối nội đối ngoại. Nguyễn Hữu Thọ đứng gần như ngang và độc lập với Hồ Chí Minh, hai người có quyền lực hành pháp riêng. Về bề ngoài Mặt trận là một phong trào chính trị, có quyền hành pháp độc lập (khi chưa có chính quyền), không lệ thuộc Chính phủ ngoài Bắc, tuy nhiên Mặt trận vẫn là cấp dưới của Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hòa, vì Quốc hội vẫn là đại diện cho cả nước. Đến năm 1968 khi quân giải phóng tấn công các đô thị, lúc này cần thiết có một Mặt trận khác thu hút các lực lượng ở các đô thị, các tầng lớp trên trong xã hội đô thị miền Nam, do đó ra đời Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam. Tổ chức này về hình thức bên ngoài là sự nổi dậy của quần chúng đô thị mà lập ra, nên khi Quân giải phóng vào Huế, thì dùng cờ của tổ chức Liên minh, không dùng cờ Mặt trận.
Năm 1969 hai tổ chức bề ngoài độc lập này tiến hành Đại hội Quốc dân thành lập chính phủ lâm thời (giống năm 1945 tại Tân Trào cũng có một Đại hội quốc dân thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng sau là chính phủ lâm thời). Từ đó có một chính thể mới, Mặt trận cũng không còn liên kết với Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mà gắn với chính thể mới. Các vùng đất trước đây Mặt trận kiểm soát về lý thuyết vẫn là của chính thể Việt Nam cộng hòa nhưng không do họ quản lý, nay là vùng đất của chính thể mới. Quốc hội Việt Nam DCCH không lưu nhiệm các đại biểu miền Nam, và không còn đại diện hai miền. Tuy nhiên để tỏ ra gắn kết hai miền, thì vẫn có đại diện của 2 chính phủ như là “đại sứ” ở mỗi miền, và Đảng Lao động cử đại diện ở miền Nam (Trung ương Cục miền Nam, hoạt động bí mật từ 1961, năm 1969 công khai) bên cạnh Đảng Nhân Dân cách mạng anh em.
Việc thành lập chính thể mới, nhằm nâng phe cách mạng miền Nam ngang hàng với Sài gòn, nhưng miền Bắc không thể dễ can thiệp các vấn đề miền Nam về mặt pháp lý. Tranh cãi nhiều nhất vẫn là vấn đề pháp lý cho quân đội ngoài Bắc vào miền Nam (và thực tế tỏa khắp Đông Dương). Năm 1954 theo Hiệp định Genève, thì Quân đội nhân dân phải rút khỏi miền Nam và Lào, Campuchia, nhưng lực lượng chính trị của cách mạng (Liên Việt) được ở lại miền Nam. Chính phủ Việt Nam Dân chủ CH không có thẩm quyền ở trong Nam, ngoài việc được bố trí lực lượng chính trị ở lại để chuẩn bị cho tổng tuyển cử. Do đó Mỹ về sau khi phát hiện quân ngoài Bắc ở trong Nam lấy cớ đó để đổ bộ quân vào. Miền Bắc lại đưa ra lập luận bên Mỹ và Sài Gòn vi phạm hiệp định trước và họ khẳng định lại chủ quyền cả nước (khi bên kia đã vi phạm), nhưng mặt khác có sự ra đời của Mặt trận, nên họ chỉ nói là đi giúp thôi. Do đó mà họ gọi quân đội nhân dân ở miền Nam là quân giải phóng. Trong khi đối phương yêu cầu gọi quân đó là Quân đội nhân dân, và là chủ đề gây tranh cãi đến khi hiệp định Paris ký kết.
Theo hiệp định này thì miền Nam có 2 chính quyền, 2 quân đội, tức quân đội VN cộng hòa và quân giải phóng, chứ không có quân đội nhân dân. Như vậy việc Mỹ thừa nhận quân đội nhân dân ở miền Nam là một bộ phận quân giải phóng cũng là đồng nghĩa họ phải thừa nhận đội quân đó được phép ở lại. Lúc này bên cách mạng thừa nhận công khai việc chi viện của miền Bắc cho miền Nam như đã có trước đó, nhưng rõ ràng hơn. Có một thực tế là rất nhiều cán bộ Chính phủ cách mạng là người miền Bắc, nhiều cán bộ miền Bắc trong phái đoàn Cộng hòa miền Nam VN đi đàm phán ở Paris, hay hiện diện ngay Sài Gòn tại trại David. Bộ Tư lệnh quân giải phóng cũng có nhiều người là tướng lĩnh của Quân đội nhân dân (Tướng Trà khi đến làm nhiệm vụ tại trại David năm 1973 với tư cách tư lệnh Quân giải phóng, ông công khai với đối phương là trung tướng Quân đội nhân dân). Tuy nhiên phải đến sau 1975 bên cách mạng mới nói rõ là Quân giải phóng là một phần quân đội nhân dân, và đảng nhân dân cách mạng là đảng bộ miền Nam của đảng Lao động (năm 1973 bên cách mạng thể hiện Đảng lao động có quyền cử cán bộ chi viện cho Đảng nhân dân cách mạng, nhưng thực quyền lãnh đạo miền Nam là của đảng nhân dân cách mạng).
Đảng Nhân dân cách mạng về lý thuyết là phục tùng nghị quyết Đại hội III về cách mạng hai miền, nên tách ra về tổ chức, họ vẫn theo đường lối Đại hội III, nhưng không lệ thuộc Đảng Lao động sau đó, do mỗi miền có nhiệm vụ riêng. Trong vài năm đầu các biểu tượng Hồ Chí Minh thì ngay Mặt trận và Đảng bộ trong Nam cũng rất ngại treo, nhắc đến, vì không muốn bị mang tiếng miền Bắc đang can thiệp miền Nam, tuy nhiên vài năm sau thì họ gọi Hồ Chí Minh là lãnh tụ của toàn dân tộc, của mặt trận thống nhất, và của cả đảng miền Nam. Các cuộc họp Chính phủ luôn có ảnh của Hồ Chí Minh ở giữa, ảnh ông Thọ và Phát ở hai bên. Sau 30 tháng 4/ 75 thì chỉ có ảnh Hồ Chí Minh.
Về đảng đoàn, thì ở cả Mặt trận, Liên minh, và Chính phủ đều thành lập, giúp cấp ủy đảng, quán triệt các quyết định của Đảng ở các cơ quan đoàn thể đó. Các cuộc họp của đảng đoàn thường là kín, hiếm khi mời những người ở ngoài đến họp. Bên Mặt trận và Chính phủ thì có những đảng viên công khai là đảng viên của Đảng nhân dân cách mạng (sau 1973 họ có thể công khai người của Đảng Lao động nữa), đảng viên ngầm, đang hoạt động trong hai đảng khác và ngoài đảng. Bên Liên minh thì chỉ toàn là đảng viên ngầm và ngoài đảng. Sau 1975 mới công khai đảng viên cộng sản với nhiều cán bộ. Mặt trận, Liên minh và Chính phủ có thể họp liên tịch (giống chính phủ và Mặt trận Tổ quốc bây giờ).
Các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đ, hay của Trung ương Cục… đều có thể mời các đảng viên không phải là người của cơ quan đó đến dự, nhưng họ không có quyền biểu quyết. Thực tế năm 1959 Hội nghị TƯ 15 có một số cán bộ miền Nam ra không phải ủy viên TƯ tham dự. Ông Nguyễn Hữu Thọ và một số cán bộ MT khác, các tướng lĩnh chiến trường cũng từng dự một số cuộc họp Bộ Chính trị. Các cuộc họp Trung ương Cục thường xuyên mời lãnh đạo bên Mặt trận, Chính phủ tham dự nếu liên quan trách nhiệm của họ. Đây là một vấn đề bình thường vì Việt Nam khác với Liên Xô không phải cách mạng vô sản thuần túy, mà có nhiều thành phần tham gia, do đó có khi cán bộ cấp cao bên nhà nước đoàn thể lại không phải cấp cao bên đảng, nhưng các cuộc họp quan trọng đều có thể mời người ngoài tổ chức tham dự (như Đại hội Đảng mời nhân sĩ ngoài Đảng, 2 đảng anh em Xã hội – Dân chủ, Trung ương Đảng mời cán bộ ngoài Trung ương, hay Bộ chính trị từng mời các cán bộ như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt,.. ngoài BCT tham dự, không kể đại diện cơ quan liên quan được triệu tập đến giải trình, nhưng họ không có quyền biểu quyết).
Bên quân sự thì phân chia chỉ đạo chính trị và quản lý hành chính thuộc về Mặt trận và Chính phủ, Ban quân sự Mặt trận và Bộ quốc phòng, còn chỉ đạo quân sự thì thuộc về đảng Nhân dân cách mạng và Bộ Tư lệnh CLLVTGPMNVN. Bộ tư lệnh thực tế là Ban quân sự của Trung ương Cục, nhưng Trung ương Cục lại là thiết chế bí mật một thời gian dài, hơn nữa, nhằm tạo cho quân giải phóng có tính độc lập tương đối nên quân giải phóng cũng như đảng, đều là thành viên của Mặt trận, và chỉ đạo quân đội là một bộ tư lệnh. Về lý thuyết Đảng sẽ tham gia vào quyết định của Mặt trận như một thành viên tham gia hiệp thương nhưng thực tế bí mật lại là lãnh đạo Mặt trận (như Đảng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc bây giờ). Như vậy về lý thuyết chỉ đạo quân sự phải đứng dưới chỉ đạo chính trị, nhưng thực tế thì đều là do Đảng Lao động lãnh đạo cả. Về bí mật, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh miền chỉ chỉ đạo B2 (về Đảng năm 1964 tách Khu V về Trung ương, khi đó Bí thư khu V của ông Võ Chí Công chức vụ gần tương đương bí thư TƯ cục). Mỗi khu ủy tương ứng là quân khu. Sau này có tình trạng tách B3 khỏi B1, rồi hình thành B5 từ B4, nhưng B3 vẫn trong quân khu V, B5 vẫn trong quân khu Trị Thiên. Năm 1975 trước yêu cầu phải thống nhất về kinh tế một số mặt quan trọng, như lưới điện cả nước,… nên Trung ương yêu cầu Chính phủ cách mạng lâm thời dưới quyền cả Hội đồng chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, để có một chính sách thống nhất về một số mặt quan trọng đó.
Hoạt động 1969-1976
Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tuyên bố là chủ thể có quyền hợp pháp tại miền Nam Việt Nam, khi thành lập không công nhận chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trong quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền ở miền Nam Việt Nam, nhưng không từ chối các tuyên bố về chủ quyền cả nước của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 2 miền lập đại diện. Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công nhận Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là chính quyền hợp pháp ở miền Nam Việt Nam, do đó các văn kiện của nhà nước này có lúc khẳng định có 2 chính thể độc lập nhau, nhưng có lúc vẫn khẳng định Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là của cả nước, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam có chủ quyền tại Miền Nam. Vấn đề này chỉ được rõ ràng các văn kiện tại Hội nghị hiệp thương 1975 khi khẳng định Cộng hoà Miền Nam Việt Nam thi hành quyền lực pháp lý ở miền Nam, còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thi hành quyền lực ở miền Bắc. Chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã tổ chức các cuộc bầu cử ở cấp địa phương, và ra các văn bản pháp luật quản lý theo thẩm quyền. Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời tổ chức Quốc tang tại vùng kiểm soát, gọi Hồ Chủ tịch là “Lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam”.
Tem bưu chính Cộng hòa Miền Nam Việt Nam
Từ ngày 5-7/4/1972, lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công chiếm được thị trấn Lộc Ninh (tỉnh Bình Long) với 28.000 dân. Tại Lộc Ninh đã diễn ra các đợt trao trả tù binh của 2 bên miền Nam Việt Nam sau khi ký Hiệp định Paris.
Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là 1 trong 4 bên tham gia hòa đàm tại Paris và ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Sau Hiệp định Paris, thị xã Đông Hà trở thành nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Ngày 19/10/1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam công bố chính sách dân tộc gồm 8 điểm:
- Thực hiện bình đẳng dân tộc, đoàn kết các lực lượng dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
- Ra sức bảo tồn và phát triển các dân tộc anh em.
- Thực hiện đầy đủ quyền tự do dân chủ…
- Tôn trọng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc…
- Tôn trọng phong tục, tập quán tín ngưỡng, tôn giáo…
- Chăm lo quyền lợi về ruộng đất, nương rẫy cho đồng bào…
- Ra sức phát triển y tế, vệ sinh phòng bệnh, chữa bệnh bảo vệ bà mẹ trẻ em.
- Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đông đảo đội ngũ cán bộ của dân tộc anh em.
Sau 30/4/1975 thiết lập cơ chế quân quản trước khi bộ máy chính quyền hoạt động bình thường. Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng Việt Nam Dân chủ cộng hòa đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc, tuy nhiên cả hai lần họp Hội đồng Bảo an trong tháng 8 và 9 năm 1975 đều bị Mỹ phủ quyết. Tháng 12 năm 1975 Bộ Chính trị ra Nghị quyết điều chỉnh lại địa giới các tỉnh miền Nam. Tháng 2 năm 1976 chính quyền chính thức ra quyết định điều chỉnh lại các đơn vị hành chính theo đó miền Nam có 20 tỉnh, thành – khi đó tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh đã phổ biến (trong khi miền Bắc 17 tỉnh), riêng Bình Trị Thiên được thành lập theo thỏa thuận giữa Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên cơ sở các đơn vị hành chính từ Quảng Bình đến Thừa Thiên ở bắc và nam vĩ tuyến 17, và chuyển giao cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa quản lý về cơ bản.
Các cơ quan chính quyền và Ủy ban nhân dân cách mạng cũng như hệ thống mặt trận, đoàn thể hoạt động bình thường dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cho đến khi chính thức thống nhất Nhà nước và các kỳ đại hội hợp nhất. Ở cấp trung ương thiết lập hệ thống đảng đoàn, ban cán sự đảng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 247 tháng 9 năm 1975 đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam và công tác tiến tới thống nhất Nhà nước. Trung ương Cục miền Nam và các Khu ủy giải thể, và thành lập Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam. Theo cơ chế lãnh đạo, thì Chính phủ Cách mạng lâm thời dưới quyền Hội đồng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhiều cơ quan ban ngành lần lượt được sáp nhập. Nhiều cán bộ được cử vào nam, và nhiều cán bộ miền Nam ra bắc công tác. Một số cán bộ từ miền Bắc vào Nam công tác vẫn giữ chức vụ ngoài Bắc. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương, đặc biệt ở một số lĩnh vực, ngành cần có sự lãnh đạo đồng bộ xuyên suốt từ Bắc chí Nam, bao gồm các lĩnh vực kinh tế then chốt. Tuy nhiên về pháp lý, thì Hội đồng cố vấn làm công tác lập pháp ban hành pháp lệnh, nghị quyết, và Chính phủ cách mạng lâm thời thực tế vẫn ra các văn bản các vấn đề ở miền Nam dưới chỉ đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tuyên bố kế thừa Việt Nam Cộng hòa
Ngày 30/4/1975, sau khi tiếp nhận sự đầu hàng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tuyên bố: “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam hiện nay thực hiện chủ quyền trên toàn vẹn lãnh thổ của mình trên toàn bộ miền Nam Việt Nam, là người đại diện chân chính và hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam, có đầy đủ quyền hành giải quyết những vấn đề quốc tế của miền Nam Việt Nam”. Thông qua tuyên bố này và việc tiếp nhận sự đầu hàng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã khẳng định Cộng hòa Miền Nam Việt Nam chính thức thực hiện quyền kế thừa quốc gia đối với Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt là kế thừa chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa đối với lãnh thổ miền Nam Việt Nam, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế, sau năm 1975, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã kế thừa lãnh thổ, các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tư cách thành viên tại các tổ chức quốc tế. Tất cả những kế thừa này của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đều được thực hiện theo đúng thông lệ quốc tế và Công ước về kế thừa quốc gia đối với Điều ước quốc tế năm 1978.
Sau ngày 30/4/1975, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã có 1 loạt tuyên bố khẳng định quyền thừa kế đối với tài sản quốc gia của miền Nam Việt Nam ở nước ngoài. Ví dụ như: Tuyên bố ngày 1/5/1975 của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Miền Nam Việt Nam khẳng định mọi tài sản, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ lưu trữ, tài khoản ngân hàng, trụ sở, phương tiện giao thông và tất cả những tài sản khác của các cơ quan đại diện của Việt Nam Cộng hòa ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Cơ quan đại diện bên cạnh các tổ chức quốc tế…) là tài sản của nhân dân miền Nam Việt Nam và phải do Cộng hòa Miền Nam Việt Nam quản lý… Cũng với cách tiếp cận tương tự, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã đòi quyền đại diện tại hầu như tất cả các tổ chức quốc tế trong và ngoài hệ thống Liên Hợp Quốc mà trước đó Việt Nam Cộng hòa đã tham gia (WHO, ILO, UNESCO, ICAO, IAEA, IMF, Ngân hàng Thế giới…). Việc Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản các cơ quan đại diện và tài sản của chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng như quy chế hội viên tại các tổ chức quốc tế diễn ra thuận lợi, không gặp 1 trở ngại nào về pháp lý vì các quốc gia và tổ chức quốc tế đều quan niệm rằng theo luật pháp quốc tế đây chỉ là sự thay đổi chính quyền trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, không làm phát sinh chủ thể mới. Theo họ đây là thừa kế chính phủ chứ không phải thừa kế quốc gia. Việc tuyệt đại đa số thành viên Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa XXX (1975) biểu quyết ủng hộ kết nạp Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm thành viên Liên Hợp Quốc càng chứng minh rõ việc này (năm 1975 không được kết nạp là do phiếu phủ quyết của Mỹ vào ngày 30 tháng 9).
Thống nhất nhà nước
Sau ngày 30/4/1975, lãnh thổ toàn miền Nam thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam.
Vào ngày 25/4/1976, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành tổ chức cuộc Tổng tuyển cử để tái thống nhất nhà nước Việt Nam theo đúng các điều khoản về tiến hành các biện pháp chính trị để tái thống nhất Việt Nam trong Hiệp định Paris.
Về mặt đối nội, Ủy ban Quân quản ra Mệnh lệnh số 1: yêu cầu quân cán chính Việt Nam Cộng hòa ra trình diện chính quyền mới, đăng ký và nộp vũ khí bắt đầu từ ngày 8/5 – 31/5. Quân nhân cấp tướng và tá phải trình diện ở địa chỉ 213 Đại lộ Hồng Bàng, Sài Gòn. Cấp úy thì trình diện ở quận. Cảnh sát, tình báo thì phải đến Ủy ban An ninh Nội chính ở Sài Gòn. Hạ sĩ và binh lính thì đến Ủy ban phường. Sang tháng 6 thì mở đợt bắt giam các đối tượng trên trong các trại học tập cải tạo.
Vào tháng 9/1975, Hội nghị Trung ương lần thứ 24 của Đảng Lao động Việt Nam xác định mục tiêu thống nhất đất nước về mọi mặt. Từ ngày 15-21/11/1975, Hội nghị Hiệp thương Chính trị được tổ chức tại Sài Gòn, giữa đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Trường Chinh đứng đầu, và đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, do Phạm Hùng đứng đầu, đã tán thành tổ chức bầu cử Quốc hội Thống nhất.
Hội đồng Bầu cử theo Hội nghị Hiệp thương, và Bộ Chính trị chỉ đạo, gồm: 11 đại biểu miền Bắc (Trường Chinh, Hoàng Văn Hoan, Xuân Thủy, Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa, Chu Văn Tấn, Trần Đình Tri, Nguyễn Thị Minh Nhã, Linh mục Võ Thành Trinh, Hòa thượng Trần Quảng Dung, Trương Tấn Phát), 11 đại biểu miền Nam (Phạm Hùng, Trần Lương, Bùi San, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, và 6 người khác hoặc nhân sĩ do Ban đại diện chỉ định), Chủ tịch: Trường Chinh, Phó Chủ tịch: Phạm Hùng.
Tháng 1/1976, cuộc họp liên tịch của Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã ra quyết định: cuộc Tổng tuyển cử sẽ tiến hành vào chủ nhật 25/4/1976. Hội đồng bầu cử toàn quốc được thành lập do Trường Chinh làm Chủ tịch và Phạm Hùng làm Phó Chủ tịch.
Ngày 25/4/1976, Tổng tuyển cử trong cả nước được tổ chức, bầu ra 492 đại biểu của Quốc hội Việt Nam thống nhất. Từ ngày 24/6-3/7/1976, Quốc hội họp phiên đầu tiên, thông qua các nội dung:
- Xóa bỏ Khu phi quân sự theo Vĩ tuyến 17.
- Quốc kỳ, Quốc huy là Cờ đỏ Sao vàng.
- Lấy tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Quốc ca là bài Tiến quân ca.
- Thủ đô là Hà Nội.
- Đổi tên Thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh
Với sự kiện này, bắt đầu từ ngày 2 tháng 7 năm 1976, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức hợp nhất thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.