Hội chùa, dân làng cũng cho mở hội. Cây đu dựng ở trước đình, chùa từ trong Tết, để qua Giêng, hết hội chùa mới hạ. Hội còn có hát trò, hát chèo nhà chùa do các nơi tự đến góp vui. ở các khoảng đất trống bên đình chùa, cũng có một số trò như chạy hoá trang, múa xin tiền, múa nón, múa kiếm, đạp niêu, cướp cờ….
Hội đình làng Vẽ mở vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Trước ngày hội, dân cho rước cầu hậu cung lên hương án thờ cầu để chuẩn bị vào hội. Lại họp các giáp chọn quan viên vào ban tế và các đô tuỳ rước kiệu thánh ở đình Cả. Tối hôm mồng 8 có tế lễ và hát nhà tơ ở đình Cả. Hát nhà tơ thường đón các nơi về biểu diễn cho vui; dân làng, các cụ ít khi cầm chầu như các nơi khác, nhưng không vì thế mà được phạm uý.
Sáng mồng 10 tháng 3, các giáp tổ chức rước kiệu từ các đình lên đình Cả, hội họp tề tựu tại đó để phù giá kiệu thánh đình Cả. Cả làng có 6 vị thành hoàng, nhưng chỉ hành rước 5 kiệu. Trong đó, giáp bắc rước hai kiệu: kiệu Quốc Công và kiệu thánh Tứ Vệ, giáp tây rước kiệu thánh Anh Dũng, giáp nam rước kiệu thánh Quảng Hưng. Các đô tuỳ 3 giáp được chọn kiểu rước kiệu thánh đình Cả. Rước thánh đình Cả chỉ rước một thánh; còn một thánh thì ngự tại đình. Đoàn rước 5 kiệu tiến hành rất uy nghi, rầm rộ và long trọng. Các vị thành hoàng tuần du địa vực chỉ là tượng trưng, do vậy các kiệu chỉ rước nồi hương và sắc.
Đường rước ngày 10 tháng 3 ở làng Vẽ bắt đầu từ đình Cả, mỗi đoàn đi cách nhau chừng 20m – 30 m, tiến lên phía Bắc để đến đình Hậu, sau đó đi về phía tây đến đình Kẹm, lại từ đình Kẹm rước về phía Nam, nơi có đình Diệc, qua đình Diệc lại trở về đình Cả, dừng kiệu tại đó để tổ chức tế lễ. Tới chiều, làng tổ chức tế lễ xong thì các giáp cho rước hoàn cung. ở đình hàng giáp, các giáp tổ chức tế lễ thờ thần theo ghi thức của giáp mình.
Hội làng Vẽ có tục lệ cướp cầu thần, tục này có từ lâu đời. Cầu được thờ ở đình là loại cầu lớn, bằng gỗ, có đường kính 40 – 50 cm, sơn đỏ. Sau khi tế lễ xong thì làng tổ chức cướp cầu. Sân cầu ở phía trước đình làng, chia làm hai bên, cuối sân hai bên có vạch chuẩn, giữa sân dân trải một chiếc chiếu hoa, giữa có chữ “thọ”. Tham gia cướp cầu thần là các giai đinh hàng giáp chia làm bên Đông và bên Đoài. Cai đám bưng quả cầu ra đặt ở giữa chiếu, trên hình chữ thọ. Khi bắt đầu chơi, cai đám hô lớn: Cầu cho mùa màng tươi tốt, dân khang vật thịnh. Rồi phất cờ chéo ra lệnh bắt đầu. Hai bên xô vào nhau giành quả cầu khỏi chiếc chiếu rồi tranh cầu, đẩy cầu bằng tay về vạch giới hạn của đối phương, nếu bên nào bị cầu chạm vạch là bên đó thua, cứ như thế từ trận này qua trận khác. Mỗi trận, mỗi bên có 10 giai đinh khoẻ đóng khố cởi trần tham gia. Giai đinh các giáp tham dự nếu thắng thì cho rằng năm đó sẽ làm ăn khấm khá, mùa màng bội thu.
Trò cướp cờ tổ chức sau khi cướp cầu. Cờ được cắm ở giữa sân, mỗi bên 10 người, có một ông tổng cờ chỉ huy. Khi tổng cờ ra lệnh bắt đầu thì hai bên vào cướp cờ. Người cướp được chạy về phía mình, bên kia đuổi theo. Bên cướp được cờ phải bố trí người chạy cản bảo vệ người cầm cờ, nếu bị người bên kia đuổi kịp đập tay vào người thì cuộc cướp cờ lại bắt đầu lại từ đầu. Cứ như thế, hết hiệp này sang hiệp khác, trò chơi đã rèn luyện sự tinh nhanh và khoẻ mạnh cho mỗi thành viên.
Cùng với trò chạy cướp cờ lại là trò chạy hoá trang. ở sân chơi có đích và vạch xuất phát cách nhau chừng 30 – 50 m. Nơi xuất phát có một đầy lớn, trong để hơn chục bộ quần áo lẫn lộn cả của đàn bà lẫn đàn ông….Mỗi lần chơi có hai người vào sân. Khi quan đám ra hiệu bắt đầu thì mặc chiếc khố cởi trần, khi mặc nhầm quần áo chạy về đích trông rất ngộ. Ai mặc đúng trang phục, về đích trước là được giải.
Hội ở làng Vẽ mở ra trùng ngày với làng Thành. Hai làng này cùng nằm trên một thửa đất bên phía Tây Bắc thành Xương Giang xưa, bởi thế hội của hai làng được mở ra thì khí thế mạnh, tiếng vang lớn và người đi hội rất đông.
Theo cuocsongviet.com