Thầy chủ lễ Pinăng Trách tiến hành các lời cúng |
Ăn ở hiếu thảo với cha mẹ đã trở thành đạo lý quan trọng trong đạo làm người. Lễ báo hiếu của đồng bào RagLai ở xã Phước Hòa, Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cũng nằm trong quan niệm “Cây có cội, nước có nguồn”. Đồng bào coi lễ này không phải là chuyện nội bộ của một gia đình mà là việc chung của cả cộng đồng và do đó được xếp vào trong hệ thống lễ hội chung như lễ bỏ mả, lễ cưới, lễ ăn cơm mới, lễ cúng Yàng.
Trước khi tổ chức lễ báo hiếu đồng bào sẽ chuẩn bị các lễ vật gồm: hai con gà, một con heo, một ché rượu cần; chuẩn bị cho Mẹ một bộ đồ, dây chuyển tượng trưng cho việc cắt rốn, một cái khăn, một cái tô uống nước; chuẩn bị cho Bố một bộ đồ, một chiếc nhẫn thể hiện công lao cha mẹ đẻ.
Sau khi chuẩn bị xong lễ vật người con sẽ đi thông báo với gia đình đúng thời điểm sẽ rước bố mẹ về nhà con để tổ chức lễ báo hiếu.
Tại nhà, vợ chồng chuẩn bị tiếp đón bằng trầu cau, thuốc, nước uống…tiếp đó, hai vợ chống lấy một lít rượu cần để xin phép báo cáo với bố mẹ với nội dung là tự lo đồ lễ để ân nghĩa cho bố mẹ, là vợ chồng tự làm ra để tổ chức báo hiếu. Sau khi uống rượu báo cáo xong, vợ chồng dẫn bố mẹ xuống bếp xem con heo, lấy thước đo heo bao nhiêu gang tay và đem thước móc trên ché rượu cần cho bố mẹ xem.
Bước tiếp mới mời dòng họ bên bố, mẹ uống rượu cần, tiếp tục nghỉ chờ trong lúc nấu và chế biến thực phẩm (gà, heo) chín để dâng lên mâm cúng.
Món cúng sẽ có hai con gà luộc và thịt heo gồm thịt ống, thịt bằm, dồi, nướng, bóp…Cách trưng bày lễ vật mâm cúng: Gồm hai mâm có cắt tròn vòng cổ heo, để giữa tim mâm, trong hai mâm với các món đã được chế biến đưa hết vào vòng tròn cổ heo của hai mâm bố và mẹ (chỉ riêng thịt bằm để trong chén bỏ ngoài mâm cùng với các món phụ xung quanh vòng tròn mâm cổ heo). Trong mỗi mâm có 4 cặp đũa với 1 con dao.
Sau khi đầy đủ mâm cúng, thầy chủ lễ sẽ tiến hành đọc những lời cúng (mỗi lần khấn là mã la được tấu lên để thỉnh các thần linh) với nội dung:
“Hôm nay làm lễ báo hiếu con gái Pi năng Thị Chín tặng áo cho mẹ là bà Pi năng Thị Kính tại xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.”
“Hôm qua con gái và con rể đã tới xin được làm lễ hiến tế heo, gà làm lễ báo hiếu mẹ. Xin tổ tiên ông bà cho con gái và chàng rể được làm lễ cho cha mẹ. Xin tổ tiên ông bà yêu thương phù hộ cho chúng con nuôi heo có heo, nuôi gà có gà… Hôm nay con và con rể xin được làm rượu cần, giết heo và cho mẹ áo khăn mới để mặc”.
Vợ chồng mặc quần áo mới, vấn tóc cho mẹ |
“Kính trình ông bà tổ tiên tôi xin được đốt hương, đót trầm mời tổ tiên cũ và tổ tiên mới cùng về chứng giám lễ cắt tiết gà, tiết heo, làm rượu cần để con gái làm lễ báo hiếu cho cha mẹ”.
“Tôi tớ đội ơn thần đất đai mà con cháu thường đi lại làm bắp, lúa trên mình của Ngài. Tôi tớ xin mời Ngài nhận lễ vật cúng làm lễ báo hiếu, mong con cháu luôn được bình an, mọi điều tốt đẹp”…
Cùng với lời thầy cúng, hai vợ chồng đeo nhẫn, dây chuyền, mặc quần áo cho bố mẹ, chồng trao cho bố, vợ trao cho mẹ rồi mời bố mẹ ăn cơm, vợ gắp cho mẹ, chồng gắp cho bố. Sau đó, anh chị em của bố, mẹ ở xung quanh cùng ăn với điều kiện ăn mâm riêng. Kết thúc phần lễ, vợ chồng trao cho bố mẹ hai đùi heo và một bầu rượu cần.
Sau khi kết thúc phần lễ, đồng bào cùng hòa vào phần hội với các tiết mục trình diễn mã la, ca hát nhảy múa và giao lưu cùng du khách tham quan có mặt tại buổi lễ.
Báo hiếu là nghi lễ vô cùng ý nghĩa thể hiện tình cảm gia đình, mang tính cộng đồng của con cái giành cho bố mẹ của đồng bào RagLai. Hòa vào không khí của Lễ báo hiếu, qua đó thế hệ hôm nay hiểu thêm nét văn hóa trong tình cảm gia đình của đồng bào RagLai và là dịp để mỗi người con của dân tộc Raglai nói riêng và đồng bào dân tộc nói chung càng thêm trân trọng, yêu thương và luôn luôn hướng về gia đình thân yêu của mình.
Quehuongonline.vn /Minh Quế / langvietonline.vn