Dương thái hậu và 76 thị nữ bị giết hại

Tháng 1 năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông qua đời, thái tử Càn Đức bấy giờ mới 6 tuổi lên nối ngôi, đó là vua Lý Nhân Tông (1072-1127). Thái tử Càn Đức là con đẻ của Ỷ Lan nguyên phi, nay Càn Đức lên ngôi, Ỷ Lan được tôn phong là Linh Nhân thái phi, còn hoàng hậu họ Dương thì được tôn phong là Dương thái hậu. Lễ xưa quy định, hễ hoàng đế lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi thì thái hậu được quyền buông mành giữa triều đình để ngồi ở phía sau mành mà nghe quần thần tâu bày chính sự, ấy gọi là thùy liêm. Chỉ thái hậu mới được quyền buông mành nhưng Dương thái hậu lại không phải là mẹ đẻ của Lý Nhân Tông, điều đó khiến Linh Nhân thái phi căm tức. Năm Quý Sửu (1073), một vụ tàn sát bi thảm đã diễn ra mà nạn nhân chính là Dương thái hậu cùng 76 thị nữ (cũng có sách nói chỉ có 72 thị nữ mà thôi). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 7-a) chép rằng:

“Linh nhân có tính hay ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với Vua rằng: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý thì người khác thưởng, vậy con để mẹ già vào đâu?”. Vua bèn sai giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương rồi bức phải chết, cho chôn theo lăng của Thánh Tông”.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết Thái hậu, hãm hại người vô tội đến mức tàn nhẫn như thế? Ấy vì ghen là tính thường có của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với Vua. Bấy giờ, Vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích mà không biết là lỗi to…”.

Lời bàn: Dương thái hậu buông mành điều khiển chính sự, ấy là bởi quy định của điển lễ xưa, âu cũng là bổn phận phải làm vậy. Linh Nhân thái phi buồn vì sự đời bất như ý, từ đó đâm ra ghen tức, ấy cũng là sự thường của người lòng dạ hẹp hòi, đàn ông đàn bà gì cũng thế mà thôi. Một đời Linh Nhân có biết bao cống hiến, sử sách ghi đầy đủ, nhưng một lần Linh Nhân tàn sát hơn bảy chục người, sử sách cũng không quên. Bởi việc tàn sát này mà nhân tâm li tán, kẻ thù lợi dụng, thử hỏi lúc đó nếu không có Lý Thường Kiệt thì vận mệnh nước nhà sẽ ra sao?

(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.