Trải 26 năm làm vua (1028 – 1054), Lý Thái Tông đã có nhiều cống hiến lớn, được sử sách trân trọng ghi lại. Trong nửa sau của thời gian trị vì, vua Lý Thái Tông đã làm được ba việc trọng đại. Một là vào năm Nhâm Ngọ (1042) Thái Tông đã tổ chức biên soạn xong bộ Hình thư là bộ luật thành văn đầu tiên của nước nhà, lịch sử pháp quyền nước ta bước vào một thời kì hoàn toàn mới. Hai là, vào năm Giáp Thân (1044), nhân thấy được mùa lớn, Thái Tông tuyên bố: “nếu trăm họ đã no đủ, trẫm lo gì không no đủ”. Nói xong liền hạ lệnh xá một nửa tiền thuế cho cả nước. Đó là việc làm điển hình của sự khoan sức dân và niềm tin ở dân. Ba là, vào tháng 10 năm Kỉ Sửu (1049), Thái Tông cho dựng chùa Một Cột ở Thăng Long. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 37-a) chép rằng :
“Trước đây, Vua chiêm bao thấy Phật Quan âm ngồi trên tòa sen và dắt Vua lên tòa. Tỉnh dậy, Vua đem việc ấy nói với bầy tôi. Có người cho là điềm chẳng lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên Vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa ao, làm tòa sen của Phật Quan Âm đặt lên trên cột như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng lượn chung quanh tụng kinh cầu cho vua sống lâu, Vi thế gọi là chùa Diên Hựu (kéo dài cõi phúc, tức kéo dài tuổi thọ)”.
Lời bàn: Soạn được Hình thư, Thái Tông đã tạo được khuôn phép cho cả một thời, lối cai trị theo tập tục tùy tiện đến đấy kể như cáo chung, nước có luật bắt đầu từ đó.
Từng nghe triều đình xưa miễn giảm thuế cho dân mỗi khi có thiên tai địch họa hay mất mùa đói kém, chứ chưa từng nghe nhà nước miễn thuế cho dân vì thấy được mùa lớn bao giờ. Thái Tông quả là đã để đức lớn cho con cháu và dân trăm họ vậy.
Dựng chùa Một Cột, Thái Tông đã in dấu ấn ngàn năm cho kinh thành Thăng Long. Muôn đời sau, nói đến Thăng Long là nói đến chùa Một Cột, và hễ nói đến chùa Một Cột là nói đến sự tinh tế tuyệt vời của Lý Thái Tông. Cổ kim dễ đã có mấy ai làm được như vậy. Một trong những người sống mãi với non sông là Lý Thái Tông đó thôi.
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo dục)