Lý Long Trát được lập làm thái tử như thế nào?

Đang khi Anh Tông buồn giận thì bà Đỗ Thuỵ Châu (mẹ đẻ của hoàng tử Lý Long Trát) sai bà nhũ mẫu bế Long Trát tới. Bấy giờ, hoàng tử Long Trát mới được hơn một tuổi, trông bụ bẫm và rất kháu khỉnh. Chính sự ngây thơ trong trắng của vị hoàng tử tí hon này đã lấy lại sự quân bình cho nhà vua. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 16-a) chép rằng:

“Bấy giờ có nội nhân ẵm Long Trát ra. Long Trát thấy vua đội mũ, liền khóc đòi đội. Vua chưa kịp tháo mũ đưa cho thì càng khóc to hơn. Vua bèn tháo mũ đội cho, Long Trát cả cười. Vua càng lấy làm lạ, bèn quyết ý lập Long Trát làm thái tử”.

Thực ra, ý định lập Long Trát đã có từ trước. Cũng sách trên (tờ 15-b) chép:

“Một hôm, vua gọi tể tướng đến bảo rằng: thái tử là gốc lớn của nước, Long Xưởng đã làm điều trái đạo, trẫm muốn cho Long Trát nối giữ nghiệp lớn, nhưng nó còn nhỏ tuổi, sợ không đương nổi, mà đợi nó lớn thì trẫm đã già yếu, biết làm thế nào?”.

Có lẽ lời ấy đã bay đến tai bà Đỗ Thụy Châu nên mới có sự sắp đặt khôn khéo như đã kể trên chăng?  

Lời bàn:

Vua Lý Anh Tông một đời nhu nhược, hoang chơi và lầm lỗi. Phế Long Xưởng để lập Long Trát thì nào có khác gì đổi sự đau khổ này lấy sự bất hạnh khác? Song, cái gọi là giềng mối chính thống của hoàng tộc vốn đã bó buộc tư duy cả một thời, Anh Tông không lập Long Trát cũng khó mà yên được. Vua cha còn không giữ được sự sạch sẽ cho ngai vàng huống chi là Long Trát sau này lên ngôi lúc chỉ mới được ba tuổi. Xem ra, đời con còn có chỗ hơn đời cha, Lý Long Trát (tức Lý Cao Tông) chẳng những làm dơ ngai vàng mà còn làm dơ cả những trang sử cuối của triều Lý. Kẻ phải chịu đựng sự dơ bẩn ấy, bao giờ cũng chỉ có dân mà thôi!

(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.