Sang nửa sau thế kỉ XII, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống lại nền thống trị của triều Lý liên tiếp bùng nổ, triều Lý đã phải nhiều phen xuất quân đi đánh dẹp. Có những trận, quân đội nhà Lý do đích thân các vị đại thần hoặc thân vương trực tiếp chỉ huy. Năm Ất Tị (1185), đồng bào các dân tộc ít người ở Sách Linh (nay chưa rõ là nơi nào) đã nổi dậy. Cầm đầu lực lượng của họ lúc ấy là thủ quân Đinh Vũ và quan lang Đinh Sáng. Triều đình Lý Cao Tông rất lấy làm lo sợ, vội sai Kiến Ninh Vương Long Ích đem hơn một vạn quân đi đàn áp. Long Ích cho quân đến đóng ở Đỗ Gia Thôn (một địa điểm ở gần Sách Linh) và liên tục chiêu dụ thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy này đầu hàng. Thấy khó bề chống đỡ, Đinh Vũ và Đinh Sáng ra hàng. Nhưng, cả hai vừa ra đến nơi thì lập tức bị Long Ích sai quân bắt trói lại.
Quá bất ngờ vì bị ngược đãi, cả Đinh Vũ lẫn Đinh Sáng đều kêu la và đúng lúc ấy, một chuyện chẳng hay ho gì đã xảy ra. Sách Đại việt sử lược (quyển 3, tờ 11-a) cho biết rằng, tùy tướng của Long Ích là Nguyễn Đa Cẩm thấy Đinh Vũ và Đinh Sáng đã bị bắt trói thì nghĩ rằng họ tất phải sợ oai, quyền sinh sát ở trong tay mình, mình muốn làm gì mà chẳng được. Nghĩ vậy, Nguyễn Đa Cẩm vừa không ngớt chửi rủa, vừa tiến lại gần sát để tiểu tiện vào miệng của Đinh Vũ và Đinh Sáng. Thế cùng, Đinh Vũ bèn cắn nghiến ngọc hành của Nguyễn Đa Cẩm. Đau quá, Nguyễn Đa Cẩm lấy hết sức thoi thật mạnh vào Đinh Vũ, lúc ấy Đinh Vũ mới buộc miệng nhả ra. Nguyễn Đa Cẩm rút được của quý ra nhưng cũng bị ngã xuống đất ngất xỉu. Bấy giờ, Long Ích bèn sai người làm con cá bằng gỗ để khóa miệng Đinh Vũ và Đinh Sáng lại rồi đánh cho đến chết, xong, đem thây phơi ra đường để trấn áp tinh thần dân Sách Linh.
Lời bàn:
Dân có nổi dậy thì đó cũng chẳng qua là chuyện chẳng đặng đừng, mọi thời chính sự suy vi đều thấy cả. Long Ích đường đường là thân vương của triều đình mà thất hứa với hai thủ lĩnh nhỏ của dân, làm chuyện ngược đãi kẻ qui thuận, lỗi ấy thật khó bỏ qua. Nguyễn Đăng Cẩm cậy thế kẻ thắng, chửi mắng đã thô tục, tiểu tiện vào miệng tù nhân lại còn thô tục hơn. Sự xúc phạm nhân phẩm thô bạo ấy, chỉ mới nghe qua đã lấy làm xấu hổ. Đinh Vũ ở thế cùng thì phải xử theo kiểu thế cứng, cắn Nguyễn Đa Cẩm cũng là điều dễ hiểu.
(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)