Vua Lý Thần Tông (1128 – 1138) nổi tiếng hơn người ở chỗ rất ưa tin dị đoan. Ở đời, cha nào con nấy, thân phụ của Vua là Sùng Hiền Hầu (em ruột vua Lý Nhân Tông) cũng rất nổi tiếng là người tin dị đoan, từng nói rằng vua Lý Thần Tông chính là do nhà sư Từ Đạo Hạnh thác hoá đầu thai mà có. Vua tin dị đoan thì thiên hạ cũng vì thế mà có thêm lắm kẻ tin dị đoan. Tin thật cũng có mà giả vờ tin cũng có. Điềm lành dở, vật khác thường và chuyện kinh dị… cứ thế phủ đầy những trang sử của đời vua Lý Thần Tông. Có một mẩu chuyện đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 4, tờ 28) ghi lại sau đây:
Nhà vua rất thích những vật lạ, phàm ai có hươu trắng hươu đen hay chim sẻ trắng, rùa trắng… đều đem dâng vua cả. Lúc ấy, có Đỗ Khánh là lính ở Tả Vũ Tiệp đem dâng con cá xương và con cá công sắc vàng. (Cá xương là một loại cá biển, cũng gọi là cá hầu. Cá công cũng ở biển, còn gọi là cá chiết, trông gần giống như con cua). Nhà vua cho đấy là điềm lành, bèn xuống chiếu cho bề tôi chúc mừng. Cáp môn sứ là Lý Phụng Ân nói rằng: “Cá là vật nhỏ mọn mà bệ hạ đã lấy làm điềm lành, vậy nhỡ sau này có người đem tới dâng con lân con phượng thì bệ hạ sẽ làm sao?”. Bởi lời ấy, việc này mới thôi.
Bấy giờ, Vương Cửu là lính ở Tả Hưng Vũ đem dâng con rùa, trên mai có những vết hợp thành nét chữ. Vua liền xuống chiếu cho các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ theo hình nét chữ để đoán. Họ tán ra thành chữ Thiên thư hạ thị, thánh nhân vạn tuế nghĩa là: sách trời bảo cho biết rằng thánh nhân (đây chỉ vua Lý Thần Tông) muôn năm”.
Lời bàn: Ở đời, có những người nổi danh chẳng qua chỉ vì họ tầm thường, và họ càng tầm thường thì lại càng trở nên nổi danh hơn. Vua Lý Thần Tông có lẽ cũng tạm xếp vào loại này được. Lời cáp môn sứ Lý Phụng Ân kể cũng là lời thẳng thắn, tiếc là vua vẫn chứng nào tật nấy. Biết sao hơn được, bởi nhân cách nhà vua đã định hình quá sớm mất rồi.
Hậu thế cũng khéo khen cho các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ, xu nịnh một người làm hư hại phong hoá một thời, mưu chút lợi nhỏ cho riêng thân để muôn người chê bai.
(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)