Năm 206 trước công nguyên, ở vùng trung nguyên của Trung Quốc, Lưu Bang lập ra nhà Tiền Hán và xưng đế, đó là Hán Cao Tổ. Hán Cao Tổ ở ngôi được 12 năm thì qua đời, con là Thái Tử Lưu Dinh được lên nối ngôi, đó là Hán Huệ Đế. Hán Huệ Đế là vua nhu nhược, bởi vậy, mọi quyền bính của triều đình đều nằm trong tay bà Lữ Hậu. Bảy năm sau, Hán Huệ Đế mất, bà Lữ Hậu đưa Thiếu Đế lên ngôi. Nhưng, Hán Thiếu Đế cũng chỉ ngồi trên ngai vàng được bốn năm thì bị bà Lữ Hậu phế truất để đưa Lưu Hoằng lên ngôi. Tóm lại, nội bộ triều đình nhà Hán liên tục khủng hoảng và xung đột. Năm 180 trước công nguyên, Lữ Hậu mất, cuộc khủng hoảng và xung đột trong nội bộ triều đình nhà Hán mới tạm dứt. Bấy giờ, Lưu Hoằng được đưa lên ngôi hoàng đế, đó là Hán Văn Đế.
Hán Văn Đế vừa lên ngôi đã lo sửa sang chính sự, trong thì lo cố kết nhân tâm, ngoài thì lo trấn áp lân bang. Một trong những mối bận tâm của Hán Văn Đế chính là Triệu Đà. Tuy nhiên, vì lúc này Triệu Đà đã già, khí lực và ý chí chẳng còn mạnh mẽ như xưa nữa, bởi vậy, Hán Văn Đế quyết định dùng ngón đòn tinh thần hiểm hóc của mình. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 2, từ tờ 4a đến tờ 6a) chép như sau:
“Hoàng Đế của nhà Hán nhân thấy mồ mả tổ tiên của nhà vua (chỉ Triệu Đà) đều ở Chân Định, bèn đặt ra chức Thủ ấp và sai trông coi, hàng năm lo cúng tế, lại cho gọi các anh em của nhà vua ra cho làm quan to, ban cho các thứ rất hậu. Xong, hoàng đế nhà Hán hỏi tể tướng Trần Bình rằng có thể cử ai đi sứ sang Nam Việt được. Trần Bình nói:
– Thời Tiên Đế (chỉ thời Hán Cao Tổ), Lục Giả từng đi sứ sang Nam Việt.
Hoàng đế nhà Hán gọi (Lục) Giả đến, cho làm thái trung đại phu, lại chọn một người nữa cho làm phó sứ, gọi là Yết Giả, đem thư sang cho vua. Thư ấy nói rằng: Kính thăm người lao tâm khổ tứ là Nam Việt Vương. Trẫm là con vợ lẽ của Cao Đế (tức Hán Cao Tổ), từng bị đuổi ra ngoài làm phiên vương ở đất Đại, vì đường sá xa xôi, lại cũng vì kiến thức hẹp hòi, quê kệch, cho nên chưa từng viết thư. Khi Cao Đế phải lìa bỏ bầy tôi, rồi Huệ Đế cũng qua đời, Cao Hậu (tức Lữ Hậu) tự mình trông coi việc nước nhưng cũng không may mà mang bệnh nên người họ Lữ đã làm việc chuyên quyền sai trái. Bởi một mình không thể chống đỡ, Lữ Hậu đã lấy người khác họ lên nối nghiệp Huệ Đế. May nhờ anh linh tông miếu tổ tiên và sức lực của quần thần, tất cả bọn ấy đều đã bị giết hết. Trẫm vì các bậc vương hầu và quan lại không cho chối từ nên không thể không nhận (lên ngôi hoàng đế). Nay, mọi việc đã xong xuôi. Mới rồi, nghe tin Vương có gửi thư cho tướng Lâm Lư Hầu, tỏ ý muốn tìm anh em thân thích và xin bãi chức hai tướng ở Trường Sa. Theo đó, trẫm đã bãi chức của tướng Dương Bác Hầu, còn như người thân của Vương ở Chân Định thì trẫm đã sai người đến thăm hỏi, đồng thời, sai sửa sang phần mộ của tổ tiên Vương. Trước đây, trẫm nghe tin Vương đem quân đi đánh ở biên giới, cướp phá mãi. Việc ấy khiến cho dân Trường Sa mà đặc biệt là dân Nam Quận rất cực khổ, như thế, liệu dân nước của Vương có thể yên hưởng lợi riêng được chăng? Vương làm như thế, tất nhiên sẽ khiến cho nhiều quân lính bị chết, nhiều tướng giỏi bị hại, bao kẻ vợ góa con côi, bao nhà mất con, lợi một mà hại mười, trẫm thấy tha không nỡ. Nay, trẫm muốn chia đất phong cấp xen kẽ để các chư hầu chế ngự lẫn nhau, bèn đem việc ra hỏi thì các quan đều nói: Cao Đế sở dĩ lấy Trường Sa làm địa giới, vì sau Trường Sa là đất của Vương, không nên tự ý thay đổi. Nếu trẫm có lấy thêm được đất của Vương thì nước cũng không vì thế mà lớn, lấy được của cải của Vương thì nước cũng chẳng nhờ đó mà giàu, cho nên, cõi đất từ Ngũ Lĩnh trở về Nam, Vương cứ việc cai trị. Nhưng, Vương xưng đế thì nếu có hai đế mà không thông hiếu, tất sẽ tranh nhau. Tranh mà không biết nhường thì bậc nhân đức quyết không làm. Trẫm nguyện cùng Vương xóa bỏ hiềm thù để cùng nhau thông hiếu, bởi vậy, sai Lục Giả đưa tờ dụ sang để nói rõ ý riêng của trẫm. Vương nên nghe theo, chớ làm việc cướp phá nữa. Nhân đây, trẫm gởi biếu Vương 50 chiếc áo bông thượng hạng, 30 chiếc áo bông trung hạng, 20 chiếc áo bông hạ hạng. Mong Vương hãy nghe nhạc giải buồn mà thăm hỏi nước láng giềng.
Khi Lục Giả đến, Nhà Vua tạ lỗi, nói rằng:
– Xin kính vâng theo chiếu chỉ, làm phiên vương, giữ mãi lệ đi nạp cống phẩm.
Sau đó, Vua hạ chiếu nói rằng: Trẫm nghe, hai người hùng không đứng cạnh nhau, hai người hiền không sống cùng đời. Hoàng đế nhà Hán là đấng thiên tử hiền tài, cho nên, từ nay ta tự hủy bỏ hết các thứ xe mui vàng và cờ tả đạo vốn là những nghi lễ chỉ dành riêng cho hoàng đế mà thôi.
Rồi nhân đó, nhà vua gửi thư (cho hoàng đế nhà Hán) nói rằng: Man Di Đại Trưởng Lão Phu, bề tôi là (Triệu) Đà, tội đáng phải chết, lạy hai lạy, mạo muội dâng thư lên hoàng đế bệ hạ. Lão Phu vốn là quan lại cũ ở đất Việt. Can Đế từng ban cho Lão Phu quả ấn và dây thao, lại phong cho làm Nam Việt Vương. Huệ Đế lên ngôi, vì nghĩa mà không nỡ tuyệt giao nên cũng ban cho Lão Phu các thứ rất hậu. Cao Hậu coi việc nước, có ý phân biệt Hoa – Di, ra lệnh không bán cho Nam Việt những công cụ làm ruộng bằng sắt và bằng đồng, các loài ngựa, trâu và dê cũng chỉ bán cho con đực, không bán con cái. Lão Phu ở nơi hẻo lánh, các loài ngựa, trâu và dê đều đã già. Thiết nghĩ nếu không sắm sửa lễ vật cúng tế thì tội thật đáng chết, cho nên, (Lão Phu) đã sai quan nội sử là Phan, quan trung úy là Cao, quan ngự sử là Bình, cả ba cùng dâng thư tạ lỗi, nhưng không được hồi đáp. Đã thế lại nghe đồn rằng, phần mộ cha mẹ của Lão Phu thì bị đập phá, thân nhân của Lão Phu thì đều bị giết, cho nên, bọn lại thuộc của thần mới bàn nhau rằng: bên trong chẳng có gì để xử với nhà Hán, bên ngoài chẳng có gì để cao ngạo với nhà Ngô, bèn đổi hiệu xưng đế, đó chẳng qua cũng chỉ là để làm hoàng đế của chính nước mình, không hề có ý làm hại thiên hạ. Lúc ấy, Cao Hậu nghe tin thì cả giận, tước bỏ hết sổ sách của Nam Việt, khiến cho không được thông sứ với nhau. Lão Phu trộm ngờ rằng, vì Trường Sa gièm pha, cho nên mới đem quân đến biên giới để đánh. Lão Phu ở đất Việt đã 49 năm, nay đã đến tuổi được ẵm cháu nhưng vẫn phải thức khuya dậy sớm, ăn không ngon, ngủ không yên, mắt không nhìn sắc đẹp, tai không màng trống chiêng, tất cả chỉ vì không được làm tôi nhà Hán đó thôi. Nay bệ hạ có lòng thương đến, cho Lão Phu được dùng hiệu cũ, hai bên thông sứ như xưa, thì Lão Phu dẫu chết, xương cũng không nát được. Vậy (Lão Phu) xin đổi tước hiệu, không dám xưng đế nữa, đồng thời, kính cẩn sai sứ giả dâng lên hoàng đế: một đôi ngọc bích màu trắng, một ngàn bộ lông chim trả, mười sừng tê, năm trăm vỏ ốc màu tía, một giỏ cà cuống, bốn chục đôi chim trả sống, hai đôi chim công. Lão Phu mạo muội liều chết, lạy hai lạy, xin dâng lên Hoàng Đế bệ hạ”.
LỜI BÀN:
Con ngựa già đến đây đã chồn chân. Một dũng tướng Triệu Đà dày dạn kinh nghiệm trận mạc và mưu lược hơn người, đến đây không còn nữa. Một hoàng đế Triệu Đà đầy tham vọng hùng cứ một phương, đến đây cũng không còn nữa. Hán Văn Đế thừa thông minh để hiểu rằng, lúc ấy, mọi biện pháp khác dẫu thành công thì hiệu quả cũng chẳng cao bằng mấy lời nửa răn đe, nửa dịu ngọt như đã kể ở trên.
Cũng là Triệu Đà, cũng là Lục Giả, hai con người cũ trong cuộc tương kiến này lại khác hẳn. Lục Giả lão luyện hơn hẳn trước hay sao? Thật khó có thể nói như vậy, nhưng, chuyện vua Nam Việt là Triệu Đà đã tỏ ra quá mệt mỏi thì khỏi bàn cũng rõ.
Một khi Triệu Đà không còn đáng sợ nữa, thì việc nhà Hán thôn tính Nam Việt nào có khó gì? Vấn đề còn lại chỉ là thời gian nữa mà thôi. Kẻ quỷ quyệt không bao giờ chỉ quỷ quyệt có một lần. Và sau những lần quỷ quyệt ấy là muôn lần khốn khổ của dân.
(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)