Số phận của Trần Kiện

Vua Lý Huệ Tông (1211 – 1224) chỉ có hai người con gái, một là công chúa Thuận Thiên, đã gả cho Trần Liễu, và hai là công chúa Chiêu Thánh. Lý Huệ Tông không có con trai nên Chiêu Thánh được lập làm vua lúc mới bảy tuổi, đó là Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225), vua cuối cùng của triều Lý (1010 – 1225). Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh (em ruột Trần Liễu, sau là vua Trần Thái Tông). Năm Đinh Dậu (1237), Trần Thủ Độ và vợ là bà Trần Thị Dung (vốn là hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông) lập mưu cho Trần Thái Tông lấy vợ của anh là công chúa Thuận Thiên về lập làm hoàng hậu, dù lúc này Thuận Thiên đã có thai được ba tháng. Người con mà Thuận Thiên mang thai trước khi trở thành hoàng hậu của Trần Thái Tông, sau được phong tước Tĩnh quốc Đại vương, tên là Trần Quốc Khang. Như vậy, xét về danh, Trần Quốc Khang là con đầu của Trần Thái Tông, nhưng thực thì Quốc Khang là cháu gọi Trần Thái Tông bằng chú ruột.

Quốc Khang tuy chẳng có gì xuất chúng nhưng hiền lành, chất phác, cư xử với các bậc vương công trong quý tộc rất nhún nhường. Tiếc rằng con thứ của Tĩnh quốc Đại vương Trần Quốc Khang là Thượng vị Chương Hiến Hầu Trần Kiện lại không được như cha, để tiếng xấu đến ngàn năm chưa dễ hết.

Trong hoàng tộc, Trần Kiện là cháu ruột của vua Trần Thánh Tông (1258 – 1278), với hoàng tử Tá Thiên Vương Trần Đức Việp (con của Trần Thánh Tông) là chỗ anh em con chú con bác, nhưng bất chấp tình ruột thịt, bất chấp quyết tâm xây dựng khối đoàn kết của quý tộc họ Trần. Trần Kiện cứ khư khư giữ mối thù oán đối với Trần Đức Việp. Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai (1285), cả nước bừng bừng khí thế đánh giặc, riêng Trần Kiện thì thân làm tướng, cầm trong tay cả một vạn quân nhưng lại bất mãn nằm dài ở làng Tức Mặc (Nam Định), nói thác là đang bận học đạo Lão Trang. Tháng 3 – 1285, Trần Kiện đem gia quyến và bọn liêu thuộc chạy sang đầu hàng quân nguyên. Tướng giặc là Toa Đô mừng lắm, vội cho quân hộ tống Trần Kiện về Yên Kinh. Nhưng, Trần Kiện vừa đến vùng Lạng Sơn ngày nay thì lập tức bị thổ hào đất này là Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh cho dân binh bao vây và tập kích dữ dội. Trong trận này gia nô của Trần Hưng Đạo là Nguyễn Địa Nô đã bắn chết Trần Kiện. Liêu thuộc của Trần Kiện là Lê Trắc cướp được xác chủ, cột lên ngựa, nhân đêm tối lẻn chạy về Khâu Ôn và chôn Trần Kiện ở đấy. Sau, Lê Trắc sống lưu vong trên đất giặc, nhục nhã trăm bề.

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần – NXBGD)

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.