Hẳn nhiên, cách giải thích ấy chưa đủ sức thuyết phục, nhưng dẫu sao thì tục xăm mình cũng là một trong những tục cổ nhất và tồn tại thuộc vào hàng lâu dài nhất ở nước ta. Về nguyên nhân xuất hiện của tục này, sách Lĩnh Nam chích quái (phần Hồng Bàng thị truyện) viết như sau:
“Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói:
– Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại.
Nói rồi, Vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thuỷ quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy.
Ở buổi đầu mở nước, mọi thứ vật dụng của dân chưa đủ. Dân phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ ống làm chiếu, lấy gạo nếp nấu rượu, lấy cây quang lang làm thức ăn, lấy cầm thú cá tôm làm mắm, lấy củ gừng làm muối, đao canh thuỷ chủng. Đất sản nhiều gạo nếp. Lấy ống bương thổi mà ăn. Làm nhà sàn mà ở để tránh cọp, chó sói làm hại. Cắt tóc ngắn để tiện vào rừng. Con mới vừa sinh ra thì lấy lá chuối lót cho nằm. Có người chết thì gõ vào cối không, cho xóm giềng nghe thấy để kéo nhau đến giúp. Con trai con gái lấy nhau, trước hết, dùng gói muối làm lễ hỏi rồi sau đó mới giết trâu, giết dê để ăn mừng thành vợ thành chồng. Cùng nhau đem cơm nếp vào buồng để ăn, vợ chồng mới thành thân, vì lúc đó trầu cau chưa có”.
Lời bàn: Chinh phục thiên nhiên vùng đồng bằng sông nước là cả một quá trình lâu dài, phức tạp và cực kì khó khăn. Hình ảnh những con thuồng luồng gây thương tích cho dân có lẽ chính là một trong những biểu hiện của sự phức tạp và cực kì khó khăn đó.
Dân gặp khó thì kêu vua, vua ân cần chỉ cho dân tất cả những gì mình biết. Lời chỉ dẫn ấy, đúng sai thế nào thì ta đã quá rõ, nhưng điều quan trọng hơn lại chính là ở chỗ, trên dưới như cha con một nhà, nghĩa tình đằm thắm biết là bao.
Bấy giờ, hễ người Việt là xăm mình, hễ ai xăm mình là người Việt. Bạn thích hay không thích tục xăm mình, đó là việc riêng của bạn, nhưng, trông lại ngàn xưa, xin bạn hãy ghi nhận cho rằng, chính tục ấy đã góp phần làm cho Hán và Việt biệt lập rõ ràng, và cũng chính nhờ sự biệt lập rõ ràng ấy, giờ này, bạn mới có thể ung dung mà nói: non sông ta…
Đời sống của cổ nhân ra sao, đoạn ghi chép ngắn ngủi trên kể cũng đã nói khá rõ. Kính thay, một thời chắt chiu cần mẫn, thương thay, một thời gian truân! Đi giữa giang sơn gấm vóc, xin chớ vô tâm quên tổ tiên ngàn đời.
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo dục)