Chuyện kể rằng, khi Lê Lợi đang gấp rút chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa thì có một sự xích mích đáng tiếc đã xảy ra. Bấy giờ ở thôn Hảo Lương (cũng thuộc Lam Sơn) có một người tên là Đỗ Phú, bỗng sinh chuyện tranh giành đất đai với Lê Lợi. Đỗ Phú đưa đơn kiện Lê Lợi. Quan trên thấy Đỗ Phú đuối lý, bèn cho Lê Lợi thắng kiện. Lam Sơn thực lục (quyển 1) chép:
“Đỗ Phú nhân thế mà sinh thù oán, dẫn giặc Minh về bắt vua (chỉ Lê Lợi-ND). Vua cùng với Lê Liễu chạy đến sông Khả Lam thì thấy thi thể một người đàn bà, mình mặc áo trắng, có đeo xuyến vàng và thoa vàng. Vua và Lê Liễu ngửa mặt lên trời mà khấn rằng:
– Ta bị giặc Minh đuổi, xin hãy giúp ta thoát nạn, mai sau nếu được thiên hạ, ta sẽ lập miếu thờ, hễ có bò heo cúng tế thì sẽ xin đem đến cúng trước.
(Khấn rồi, vội đem xác người đàn bà đi chôn). Mồ đắp chưa xong thì giặc đã xua chó ngao chạy đến. Vua và Liễu trốn vào gốc cây đa. Giặc lấy giáo đâm vào gốc đa, mũi giáo trúng ngay đùi bên trái của Liễu. Liễu lấy tay nắm cát, đem vuốt cho hết máu ở mũi giáo. Bất ngờ, một con chồn trắng từ đâu đó trong gốc đa chạy ra, chó ngao cứ thế đuổi theo chồn, giặc bỏ đi vì không nghi trong gốc cây có người trốn nữa. Vua cũng nhờ vậy mà được thoát.
Sau này, khi định xong thiên hạ, Vua phong thần áo trắng làm Hoằng Hựu đại vương (vị đại vương có công lớn trong việc cứu giúp) và phong cây đa làm Bảo Quốc Đại vương (vị Đại vương có công bảo hộ nước nhà).
Lời bàn:
Sống mà phản trắc như Đỗ Phú là sống nhục. Của tham dầu mọn nuốt cũng chẳng trôi mà danh nhơ thì muôn đời rửa cũng chẳng sạch.
Trong chỗ quẫn bách, cái chết đã cận kề mà Lê Lợi và Lê Liễu vẫn giữ vững đức nhân, cẩn thận đắp mồ cho người đàn bà xấu số, việc ấy đáng kính lắm thay. Bậc đại nhân túc trí thì thường vẫn ung dung, thấy lối thông trong chỗ cùng, thấy đường sống ngay trong chỗ hiểm nguy chết chóc. Nếu không vậy thì làm sao Lê Liễu đủ bình tĩnh lắm cát vuốt máu ở đầu mũi giáo!
Ban sắc phong cho thần áo trắng và cây đa ở bến Khả Lam, hẳn Hoàng đế Lê Lợi muốn tự nhắc nhở mình đừng quên thời hàn vi gian khổ và nhắc nhở dân Lam Sơn rằng đừng bao giờ quên đất ấy quả là địa linh.
Đỗ Phú mang danh là người mà sao chẳng dám ngửa mặt nhìn người, đến cúi xuống cũng chẳng dám mở mắt, bởi thân xác ấy làm sao mà không khỏi hổ thẹn, cả với gốc cây đa, với con chồn trắng bên bến Khả Lam.