Sách Đại Việt thông sử (trang 34) chép rằng: “từ khi người Minh đô hộ nước ta, chính sự phiền toái, thuế má nặng nề, quan tham lại nhũng, cấm dân nấu muối trồng rau, bắt dân xuống biển mò ngọc châu, phá núi tìm vàng; những sản phẩm quý giá như ngà voi, sừng tê, lông chim trả cùng các thứ hương liệu, chúng đều vơ vét hết. Sau lại bắt dân đắp mười thành trong mười quận để đóng quân; chúng lại khéo dùng chức tước để dụ dỗ những người hào kiệt, đưa về triều đình Trung Hoa, cốt là an trí ở đó. Bởi vậy nhân dân nước ta không trừ một ai, thảy đều thảm sầu oán giận! Vua (chỉ Lê Lợi) vẫn giữ trí như trước, dù người Minh đem quan tước ra dụ cũng không được, lấy thế lực cũng không hiếp nổi, nhưng nhận thấy thế quân địch đang mạnh, nên vua càng ẩn trong bóng tối, không dám khinh động, lại thường đem bảo vật năn nỉ hối lộ cho bọn Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ và Mã Kỳ, những mong được khỏi nạn, để nuôi thêm sức lực chờ đợi thời cơ. Chỉ vì tên Lương Nhữ Hốt, người huyện Cổ Đằng (sau này đổi là Hoằng Hoá) giữ chức Tham chính, là Thổ quan của người Minh, đem lòng ghen ghét, bèn mật cáo với người Minh rằng:
“Người chúa Lam Sơn chiêu nạp những kẻ vong mạng và làm phản, đãi ngộ sĩ tốt rất hậu, chí của người ấy không phải là nhỏ. Nếu không sớm liệu đi, để cho con rồng gặp mây mưa, thì khi ấy nó sẽ không còn là một con vật ở trong ao nữa đâu. Vậy, xin trừ ngay đi, đừng để tai vạ về sau”.
Người Minh tin lời tên Nhữ Hốt, cho nên càng bức bách rất gấp. Bởi vậy, vua bèn đại hội tướng sĩ, bàn tính việc khởi binh.
“Ngày mồng hai là ngày Canh thân, tháng Giêng năm Mậu Tuất (tức ngày mồng 2 Tết, hay ngày 7 tháng 2 năm 1418) niên hiệu Vĩnh Lạc thứ XVI nhà Minh, Vua dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương”.
Lời bàn:
Trước, dẫu lòng riêng vẫn hằng kính trọng nghĩa khí của Giản Định Đế và Trùng Quang Đế, nhưng Lê Lợi vẫn quyết không theo phò, bởi đã nhìn thấy kết cục thất bại không thể nào tránh khỏi của họ. Đó là mẫn tuệ.
Sau, vì thương trăm họ bị quân Minh đày đoạ mà khôn khéo tập hợp anh hùng hào kiệt, ẩn nhẫn chờ thời để dựng cờ cứu nước, cứu dân, đó là trí nhân và đại dũng.
Gồm đủ cả trí, dũng và nhân, Lê Lợi quả đúng như lời Lương Nhữ Hốt nói, chẳng phải là con vật tầm thường trong ao, mà là con Hoàng Long phi phàm vậy.
Dân gian có câu rằng:
Xạ hương dẫu ở trong rừng,
Khi thơm, bưng bít mấy từng cũng thơm.
Trước khi để lại danh thơm muôn thuở cho nước nhà, Lê Lợi là xạ hương đặc biệt của rừng núi Lam Sơn đó chăng? Nếu không, trăm họ ở khắp thiên hạ bốn phương, làm sao biết được để tìm đến mà tụ nghĩa?
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc thuần – NXB Giáo Dục)