Nguyễn Thiên Hựu sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông làm quan trải hai triều Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông. Bình sinh, Nguyễn Thiên Hựu là người trung thực, có lòng thương đến dân lành. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỉ, quyển 11) có chép hai mẩu chuyện về ông như sau:
“Ngày 24 (tháng 5 năm 1434-ND), giờ thìn (tức từ khoảng 7 đến 9 giờ sáng –ND), có khí xanh đỏ như hình cầu vồng nhưng ngắn hơn, xuất hiện ở hướng Đông Bắc, trời có sương nhẹ. (Vua hạ lệnh) chém người thợ của Cục Tả Ban Tất Tác là Cao Sư Đãng. Lúc ấy, (triều đình) điều động thợ ở các Cục Tất Tác đến để lo làm chùa Báo Thiên. Việc thổ mộc rất nặng nề, (Cao) Sư Đãng làm vất vả quá nên có nói vụng trộm rằng: “Thiên tử không có đức, để đến nỗi hạn hán, còn như bọn đại thần thì ăn của đút, tiến cử bọn vô công, có gì đáng gọi là từ thiện đâu mà làm chùa to thế”. Lời ấy bị cáo giác. Quan đại tư đồ là Lê Sát nghe được, lấy làm giận lắm, bèn sai quan thẩm hình là Nguyễn Đình Lịch xét xử. Nguyễn Đình Lịch nói:
– Nó dám nói càn đến quốc gia đại sự, chém đi chứ để làm gì.
Lúc ấy, Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hồ đều xin tha tội chết (cho Cao Sư Đãng). Vua đã sắp nghe lời thì (Lê) Sát nói:
– Trước đã nghe theo lời Nguyễn Thiên Hựu mà tha chết cho Nguyễn Đức Minh, khiến chúng bỏ thư nặc danh vu khống cho nhau, nay lại tha thêm thằng này nữa thì lấy gì để răn cho kẻ khác sợ?
Bọn Thiên Hựu không dám nói nữa, vua bèn sai chém Cao Sư Đãng. Ngay hôm ấy có mưa nhỏ, nên hôm sau, Lê Sát vào nói giữa triều đình rằng:
– Nếu nghe lời ngôn quan (chức này cũng tương tự như chức ngự sử – ND) thì làm gì có trận mưa vừa rồi!
Lê Ngân nói:
– Giết nhiều kẻ ác thì được mưa nhiều, chỉ hiềm một nỗi là xương người chất đầy đường, khó đi lại mà thôi. (tờ 10 a-b)
“Tên đầu bếp ở Thái Miếu là Nguyễn Chú bị đánh 80 trượng, thích chữ vào gáy và đồ làm lính chăn voi vì tội ức hiếp để mua rẻ hàng hóa ở ngoài chợ.
Bấy giờ bọn đầu bếp các nhà quyền quý thường hay cậy thế là người trong cung để ức hiếp mà mua rẻ hàng hóa ngoài chợ. Dân rất sợ bọn này.
(Nguyễn Chú) bị Nguyễn Thiên Hựu bắt được, tâu sự thể lên vua, vua bèn trị tội Chú, lại còn cho đem đi rao liền trong ba ngày cho mọi người biết”. (tờ 13-b).
Lời bàn: Lần thứ nhất, vì cảm thương người thợ là Cao Sư Đãng lỡ lời phạm thượng lúc quá khốn khổ mà Nguyễn Thiên Hựu đã liều tâu xin tha mạng cho. Lời ấy dẫu chẳng được vua nghe nhưng dẫu sao thì Nguyễn Thiên Hựu cũng đã tỏ được cái đức sáng của mình. Đó là đức thương dân.
Lần thứ hai, không phải Nguyễn Thiên Hựu can ngăn mà ngược lại, chính Nguyễn Thiên Hựu đã trực tiếp bắt và tâu xin trị tội. Vua y lời. Một mình Nguyễn Chú bị trị nhưng trăm họ lại nhân đó mà được nhờ. Sự thể hai lần khác biệt nhau nhưng cái đức lớn thì vẫn là một.
Người làm quan thường hay nhân danh phép nước, kẻ vô chức nghiệp thường hay nhân danh quần chúng nhân dân. Sáng suốt và bình tâm để gạt bỏ được sự nhân danh vô lối chẳng phải là việc dễ. Việc ấy, học cả đời chưa ắt đã xong. Nhưng, học ở đây chẳng qua cũng chỉ để cho thêm phần sáng suốt, chớ cái chính yếu vẫn là phải có đức. Như Nguyễn Thiên Hựu, ông xử việc bắt đầu bằng đức độ của chính mình đó thôi.
(Theo Việt sử giai thoại – Nguyễn khắc Thuần – NXB Giáo dục)