Năm 1281, cuộc đấu tranh ngoại giao giữa Đại Việt với nhà Nguyên đang ở trong thời kì rất căng thẳng. Vua Nguyên là Hốt Tất Liệt liên tiếp xuống chiếu bắt vua Trần phải sang chầu. Để kéo dài thời gian hòa hoãn nhằm có đủ cơ hội chuẩn bị thật chu đáo cho cuộc đọ sức bằng lực lượng vũ trang, vua Trần lúc ấy là Trần Nhân Tông (1278 – 1293) đã sai chú họ là Trần Di Ái (còn có tên là Trần Ái) thay mình sang chầu vua Nguyên. Hốt Tất Liệt chớp ngay lấy cơ hội đó, phong Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương, bọn tùy tùng Trần Di Ái cũng đều được nhận quan tước. Xong, sai Sài Thung (cũng có người dọc là Sài Xuân) đem một ngàn quân đi hộ tống Trần Di Ái về nước.
Tình hình đã căng thẳng lại càng có phần căng thẳng hơn. Phải đối phó với Sài Thung ra sao? Sách Đại Việt sử kí toàn thư (quyển 5, bản kỉ, tờ 41a và 41b) có một đoạn chép như sau: Thung ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, quân sĩ Thiên Trường ngăn lại. Thung dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng đầy màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp, Thung nằm khểnh không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Thung làm gì. Lúc ấy, Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào phòng. Thung đứng dậy, vái chào và mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, bởi cứ ngỡ người gọt tóc, mặc áo vải này là nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Sau, người hầu của Thung nhận ra ông, cầm cái tên chọc vào đầu Quốc Tuấn đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi về, Thung ra tận cửa tiễn ông.
Lời bàn:
Sự hèn nhát của Di Ái và sự ngang ngược của Sài Thung, thiết tưởng đã quá rõ. Điều đáng nói là sự nhún nhường của triều Trần. Chiêu Minh Vương Quang Khải đã khéo nhịn mà Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn còn khéo nhịn hơn. Cố nhịn để lo quốc gia đại sự đã là đáng kính, nhịn đến hết mức mà vẫn giữ được quốc thể thì lại còn đáng kính hơn. Hậu thế nói nhiều đến một Hưng Đạo Vương uy nghi trên bành voi trận, đã mấy ai nói đến một Hưng Đạo Vương ung dung mà đầy mưu lược trong tấm áo cà sa!
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần
Bạn muốn cập nhật những thông tin mới nhất về Lịch sử và Văn hóa Hãy tham gia nhóm Facebook của chúng tôi!