Bà sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất vào tháng 7 năm Canh Ngọ (1330). Bình sinh, bà là người đức độ, rất được người đương thời kính trọng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 1 a-b và tờ 2 a) chép rằng :
“Thái hậu nhân từ. Các con của Anh Tông, dù là do vợ thứ sinh ra, bà cũng rất yêu dấu, chăm sóc như con mình. Công chúa Huệ Chân được Anh Tông yêu quý, Thái hậu cũng rất yêu nàng. Công chúa Thiên Chân là con đẻ của Thái hậu, nhưng khi được ban thức gì thì bà cho Huệ Chân trước, sau mới đến Thiên Chân. Anh Tông mất, Thái hậu càng chăm sóc Huệ Chân hơn trước. Đến như đối xử với các cung tần cũng rất thịnh tình, như nữ quan trong cung là Vương thị (mẹ đẻ của Huệ Chân), được Vua (Anh Tông – ND) yêu mà có thai, Thái hậu đã lấy cả Song Hương Đường (phòng ngủ của chính Thái hậu) cho làm nơi sinh nở. Vương thị sanh xong thì mất. Cung nhân ngầm tâu với Thượng hoàng (Anh Tông – ND) là Thái hậu giết Vương thị, nhưng Thượng hoàng vẫn biết Thái hậu là người nhân từ, liền nổi giận lấy roi đánh người cung nhân ấy. Thái hậu biết vẫn chẳng để bụng”.
Lời bàn:
Sau khi chép lại chuyện này cho gọn hơn, các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 9, tờ 31) phê rằng : “Rất phải đạo đàn bà, nghìn xưa ít có”. Đạo đàn bà là gì ? Hẳn là mỗi thời quan niệm một khác, nhưng thời nào mà chẳng sợ sự hẹp hòi và ghen tuông.
Dân gian có câu :
Bao giờ bánh đúc có xương
Bao giờ dì ghẻ biết thương con chồng.
Nguyễn Du cũng viết :
Rằng tôi chút phận đàn bà.
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Ít ra thì Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu cũng là một trong những ngoại lệ khả kính của hai câu tổng kết này vậy.
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần