Tháng 6 năm Quý Hợi (1383), quân Chiêm Thành do Chế Bồng Nga cầm đầu lại tấn công Đại Việt. Giặc mới đến Quảng Oai (vùng Ba Vì, Hà Nội ngày nay), kinh sư đã nháo nhác lo sợ. Tướng Lê Mật Ôn đem quân ra chống giữ nhưng chẳng may bại trận, bị giặc bắt, triều thần càng lắm kẻ hoảng hốt hơn.
Trong lúc vận nước lâm nguy, dân cần có người trấn an thì Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã vội vã lên thuyền ngự, bỏ chạy lên mạn Đông Ngàn (Bắc Giang). Có người học trò tên là Nguyễn Mộng Hoa thấy vậy thì tức lắm, liền liều mạng mặc nguyên áo mũ mà lội xuống nước, đưa tay giữ thuyền ngự, khẩn thiết xin Thượng hoàng Nghệ Tông ở lại chỉ huy quan quân đánh giặc, chớ nên vội đi lánh nạn mà làm nản lòng người. Thượng hoàng Nghệ Tông vẫn cho thuyền đi gấp, không đếm xỉa gì đến lời của Nguyễn Mộng Hoa. Mãi đến sáu tháng sau, Thượng hoàng Nghệ Tông mới trở về. Trong khoảng thời gian sáu tháng đó, Nghệ Tông vui thú ở vùng Tiên Du (Bắc Ninh), cùng đám hầu cận viết bộ sách Bảo Hòa dư bút gồm đến tám quyển, nói là để dùng vào việc dạy bảo quan gia (tức vua Trần Phế Đê).
Nghệ Tông lo dạy dỗ Phế Đế thế nào không rõ, chỉ biết là đến tháng chạp năm Mậu Thìn (1388), Nghệ Tông đã bắt giam và sau đó ép Phế Đế phải thắt cổ tự tử.
Lời bàn:
Kẻ nhát gan lại viết sách dạy đời, nào có khác chi kẻ thất đức lại giảng dụ về đạo hạnh hoặc kẻ mù chữ lại muốn khắp thiên hạ phải gọi mình bằng thầy. Đáng khen thay người học trò như là Nguyễn Mộng Hoa. Đáng trách thay Thượng hoàng Trần Nghệ Tông yếu bóng vía. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 6b) có ghi lời bàn về việc này của Ngô Sĩ Liên như sau:
“Nghệ Tông thiếu can đảm. Giặc chưa tới đã lánh trước thì người trong nước sẽ ra sao? Mộng Hoa tuy chỉ là một học trò mà còn biết giữ Nghệ Tông lại, những kẻ ăn thịt (chỉ đám quan lại giàu có ) thật đáng khinh thay”.
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần