Thiếu úy Trần Ngô Lang

Bấy giờ, Trần Ngô Lang được Nhật Lễ tin dùng nên ông ngầm kiếm kế để lấy dần lực lượng của Nhật Lễ. Vì Trần Phủ đã xuất bôn, Nhật Lễ ngày đêm lo lắng, liên tiếp cho quân đi đánh Trần Phủ. Ngô Lang bí mật nói với các tướng rằng, hãy ủng hộ phe Trần Phủ, đừng đem quân trở về kinh thành nữa. Các tướng nhờ đó mà có cớ để bỏ Nhật Lễ ra đi. Sau Ngô Lang cũng vờ xin đi đánh, Nhật Lễ không cho.

Nhờ có quân đông, ngày 21 tháng 10 năm Canh Tuất (1370), Trần Phủ dẹp được loạn Nhật Lễ, bắt Nhật Lễ giam ở phường Giang Khẩu (Hàng Buồm, Hà Nội ngày nay). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 33b) kể chuyện Trần Ngô Lang bị Nhật Lễ giết hại ở phường Giang Khẩu như sau:

“Sai giam Nhật Lễ ở phường Giang Khẩu. Nhật Lễ gọi Ngô Lang vào trong màn nói, ta có lọ vàng chôn ở trong cung, ngươi đi lấy về đây. Ngô Lang quỳ xuống vâng lệnh. Nhật Lễ thừa cơ bóp cổ Ngô Lang đến chết. Cháu Ngô Lang là Trần Thế Đổ đem việc ấy tâu lên, Vua sai đánh chết Nhật Lễ và con hắn là Liễu, đem chôn ở núi Đại Mông. Truy tặng Ngô Lang làm Nhập nội Tư mã, ban tên thụy là Trung Mẫn Á Vương”.

Lời bàn:

Nhật Lễ tiếm ngôi, giết hại tôn thất và trung thần lại còn cho quân đi đánh nhạc phụ, tội ấy, trời không dung, đất không tha. Khi giang sơn nguy biến, Trần Ngô Lang tỏ ra khôn khéo hơn người bao nhiêu thì khi đại sự vừa xong, Ngô Lang lại tỏ ra dại dột bấy nhiêu. Trách Ngô Lang là lẽ không nên, nhưng hãy nhớ bài học Ngô Lang là điều rất nên vậy.

Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.