Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, từ tờ 65-a đến tờ 66-b) chép rằng: “Con của Hùng Lễ Hầu (tức Mạc Kính Chỉ – ND) là Mạc Kính Dụng, họp đảng ở huyện An Bác (nay thuộc Lạng Sơn – ND), ngụy xưng là Uy Vương. Vì thua luôn lại thiếu ăn nên hắn âm mưu giết viên thổ quan Phú Lương Hầu (chưa rõ họ tên) để cướp lấy đất đai và dân vùng này, nhưng Phú Lương Hầu biết được nên mưu ấy không thành. Mạc Kính Dụng bèn đem quân đến bức bách, Phú Lương Hầu đã dùng mẹo để đánh lừa.
Trước hết, ông sai vợ con ra đón (Mạc Kính Dụng) để xin hàng, vờ thú tội rằng:
– Đại vương quyền cao chức trọng, binh lính nhiều, kẻ theo hầu phục dịch ai cũng oai hùng gan dạ. Chồng thiếp chỉ là một người nhà quê, chưa từng thấy dụng binh lớn như thế này bao giờ, cho nên, vừa nghe có quân của Đại vương tới, chồng thiếp đã kinh hoàng sợ hãi, liền sai thiếp đi đón thay, xin Đại vương đóng yên dinh trại ở ngoài cõi, ban lệnh nghiêm cấm, chấn chỉnh quân sĩ cho nghiêm, cố giữ dinh lại thật cẩn thận để lỡ quân triều đình có đến thì chống lại. Xong, xin Đại vương tự chọn lấy tay chân thân cận, chẳng qua độ vài chục người, theo thiếp vào nhà, thiếp sẽ lập tức dẫn chồng ra lạy chào và dâng nạp đất đai cũng như dân chúng trong vùng.
Uy Vương nghe nói thì cả mừng, lập tức chọn 40 người tay chân và con em thân cận, vào thôn của Phú Lương Hầu. Phú Lương Hầu sai quân canh giữ, đóng kín hết các cửa ải, rồi ra đón tiếp, quỳ lạy trước mặt Uy Vương và nói:
– Thần ở nơi xa xôi hẻo lánh, lương đủ nhưng binh ít, Đại vương có thể tạm yên thân nơi này, nuôi quân và dưỡng sức để chờ thời, nhân thể chiêu dụ các châu huyện khác, tuyển chọn thêm sĩ tốt thì có thể phục hưng được cơ nghiệp xưa. Nay, thần có một lũng núi xa, rất sâu và rất hiểm, đại vương nên đem vài người tới chiếm giữ chỗ sâu và hiểm ấy, thần sẽ lo cung cấp hầu hạ, còn các tướng hiệu khác thì hãy tạm ở trong thôn của thần, thần sẽ lo cấp dưỡng và cùng lo liệu việc lớn sau này.
Uy Vương nghe vậy, tự đem bốn năm người tay chân thân tín đi chiếm lũng núi. Phú Lương Hầu lập tức sai người bí mật thủ tiêu hết cả bốn chục con em và tay chân thân tín của Uy Vương mà Uy Vương không hay, đồng thời, sai người gấp chạy về kinh đô xin quân cứu viện để bắt Uy Vương. Lúc ấy, Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Đô đốc là Lâm Quận công, Quảng Quận công và Hoa Dương Hầu đem quân đến thôn của Phú Lương Hầu thì quả nhiên bắt được Uy Vương giải về kinh đô. Sau, (triều đình) xét công ban thưởng, Phú Lương Hầu được thăng chức Tổng binh”.
Lời bàn:
Thời nhà Mạc còn thịnh vượng, trên gồm đủ triều đình và bá quan văn võ, dưới có quân mạnh và tướng tài, vậy mà vẫn còn chịu thua Nam triều, huống chi là thời mạt vận của nhà Mạc. Nổi binh chống Nam triều lúc này, Mạc Kính Dụng quả là không thức thời chút nào cả. Quân ít lại thua luôn, lương thực thì đã cạn… lực lượng của Uy Vương Mạc Kính Dụng, bất quá cũng chỉ như một đám giặc cỏ mà thôi. Đã non sức lại vô mưu, thảm bại và mạng vong là điều không sao tránh được. Họa ra ở đời, lớn tiếng xưng này xưng nọ là chuyện của người ưa xưng, còn như xã hội thừa nhận họ tới đâu là chuyện của xã hội, mà ở dưới hai vầng nhật nguyệt, xã hội ngàn năm nghiêm khắc nhưng có bất công bao giờ đâu! Song lẽ, Phú Lương Hầu dùng mưu mà hạ được lực lượng của Uy Vương Mạc Kính Dụng, chẳng qua là rải thêm khăn tang cho cả một vùng, chúa Trịnh vui mừng hả dạ, chớ đồng bào trong khắp thiên hạ, nào có ai sung sướng gì đâu.
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)