Cuối năm Ất Mùi (1595), Phan Ngạn đã có mặt ở Hải Dương. Ngày mồng ba tết Bính Thân (1596), Phan Ngạn đã đụng độ một trận quyết liệt với đối phương. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, từ tờ 53-b đến tờ 55-a) chép như sau:
“Khi ấy; Phan Ngạn đóng quân chưa yên chỗ, quân sĩ chưa kịp mặc áo giáp mà thuyền giặc đã tới ngoài cửa dinh, ai cũng luống cuống, chỉ có 45 người cùng đi với Phan Ngạn ra chống cự mà thôi. Có viên tướng (Nam triều), người Giao Thủy là Lễ Quận công, thấy thế giặc mạnh, tự liệu rằng quân ít, sức không chống nổi, đem quân của mình rút lui trước, Phan Ngạn cho là nhát gan, liền chém chết và rao cho mọi người biết. Nhờ vậy, ai cũng liều chết mà đánh. Đúng khi đó, có một đội thuyền nhẹ từ Tây Chân (thuộc Nam Hà cũ- ND) tiến ra. Tướng giặc ngờ là có quân cứu viện, liền tự tan vỡ, bỏ thuyền nhảy xuống sông chạy trốn. Phan Ngạn cho gọi các thuyền lớn nhỏ của mình, nhất loạt xông ra kịch chiến ở giữa sông, chém được tướng giặc là Ly Quốc công, Thái Quốc công, An Quốc công, Thụy Quận công… (tất cả đều không rõ họ tên) và hơn hai mươi viên tì tướng khác. Quân Phan Ngạn chém được 2298 thủ cấp, thu thuyền bè khí giới nhiều không kể xiết, sau lại còn bắt sống được tướng giặc là Hào Quận công (không rõ tên). Giặc tan tác chạy về bản quán của chúng. Ngay hôm ấy, tướng giặc là Hào Quận công bị giải đến trước cửa quân. Phan Ngạn tự mình cởi trói (cho Hào Quận công) và dụ dỗ : – Muốn sống thì hãy làm người hướng đạo cho ta, bắt được Tráng Vương (chỉ Mạc Kính Chương, kẻ cầm đầu thế lực họ Mạc lúc ấy – ND) ta sẽ tha tội chết cho. Hào Quận công xin làm người dẫn đường, đem quân (Phan Ngạn) theo đường thủy mà men ra Quảng Yên, cố bắt Tráng Vương để báo đáp. Phan Ngạn chọn thuyền nhẹ và mấy trăm quân tinh nhuệ, cùng với năm chiến thuyền, mặc áo giáp che kín mình, giấu Hào Quốc công trong thuyền rồi ra đi. Ngày mồng bốn (tết Bính Thân – ND) Phan Ngạn bàn với các tướng rằng:
– Việc quân quý ở thần tốc. Ta lấy quân thắng trận, thừa thế chẻ tre mà tiến, đánh một trận mà thắng đến hai lần thì đó chính là trời đã giúp ta thành công to, đáng mặt để sánh với các danh tướng thuở xưa lắm. Tôi mong các tướng nghe lệnh, đồng tâm hiệp lực để lập công danh, tiễu trừ được giặc nguy thì công của bọn ta không gì to bằng. Các tướng đều nói:
– Xin tuân lệnh. Hôm ấy, Phan Ngạn chọn các tráng sĩ, Vờ mang sắc áo và màu cờ của quân (Tráng Vương) Mạc Kính Chương. Phan Ngạn tự làm tiền đội, quân thủy lục tục theo sau. Đến đêm, Phan Ngạn tự đi thuyền nhẹ, xông vào, qua được hai lần cửa. Người giữ cửa hỏi, Phan Ngạn nói:
– Binh thuyền của Hào Quận công đây. Nhân thắng trận, bắt được tướng giặc là Kế Quận công (tức Phan Ngạn – ND) nên giải về để dâng nạp. Nhờ lời này mà quân Phan Ngạn qua được hết mấy lớp cửa rồi thẳng tiến, sau ba ngày đêm thì đến xã Hương Lan, châu Vạn Ninh. Mạc Kính Chương ngỡ là Hào Quận công thắng trận trở về liền thân ra đón. Phan Ngạn thét:
– Ta là Kế Quận công đây. Bọn ngươi nên mau mau chịu trói để khỏi bị chém đầu. Kính Chương nghe nói, trở tay không kịp, bỏ thuyền chạy lên bờ, vừa đến giữa bãi cát thì bị quan quân bắt được. Cùng bị bắt với Mạc Kính Chương còn có vợ cả, vợ lẽ của y, cộng 20 người. Phan Ngạn sai chém 40 tên dư đảng. Lúc ấy, quân lính (của Phan Ngạn) phần nhiều tranh nhau lấy của cải, bỏ mặc cho dư đảng (của Mạc Kính Chương) chạy tản mác vào rừng núi. Quân Phan Ngạn toàn thắng, một lúc hai trận, ai cũng vui mừng, khải hoàn về kinh đô, giải nạp Mạc Kính Chương ở dưới cửa khuyết. Hôm ấy Tiết chế Trịnh Tùng thưởng chiến công, ban cho Phan Ngạn một tấm thẻ bài bằng vàng, cân nặng 10 vàng ròng, thưởng cho các tướng sĩ đã chấp hành mệnh lệnh 300 cân bạc và đặt yến lớn để khao quân”.
Lời bàn:
Tướng cấm quân ra trận, trước phải lo giữ quân pháp cho nghiêm. Phan Ngạn chém Lễ Quận công cũng chính là để giữ nghiêm quân pháp vậy. Giữa chốn trận mạc, trí trá là sự thường. Đóng giả quân của Hào Quận công, Phan Ngạn cũng xử sự theo thói thường nơi trận mạc đó thôi. Cứ xem hai việc trên, đủ biết Phan Ngạn cũng thuộc hàng dụng binh rất kiên quyết và mưu mô chẳng kém gì ai, nghĩa là cũng đáng xếp vào hàng tướng tài. Tiếc thay, ông là tướng tài thời loạn!
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)