Cuộc náo loạn kinh thành Thăng Long năm 1619 và năm 1623

 

 

Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 18, tờ 18-b) cho biết như sau:

 “Giờ mùi (từ khoảng 13 đến 15 giờ chiều – ND), ngày 16, tháng 1, mùa xuân : Cháy lớn. Lửa bắt đầu từ cửa vương phủ (tức phủ Chúa – ND) lan ra phố phường lân cận, cháy dần đến lầu Đoan Môn của triều đình (chỉ cung Vua – ND). Các nhà trực ở hai bên đều cháy trụi”.

 “Tháng ba, Bình An Vương (tức Trịnh Tùng – ND) đến lầu ở Bến Đông xem đua thuyền. Khi về đến chỗ ngã ba, chợt có người nấp bắn vào voi của vương. (Quân sĩ tùy tùng) bắt được kẻ bắn, bắt giam và tra khảo mới hay là Vua và Vương tử là Trịnh Xuân, ngầm thông mưu giết Vương. Tháng Tư, mùa Hạ, Vương sai Thái phó là Thanh Quận công Trịnh Tráng cùng với Nội giám là Nhạc Quận công Bùi Sĩ Lâm vào nội điện tra hỏi thì biết rõ tất cả mưu mô. Ngày 12 tháng 5, (Chúa) bức Vua phải thắt cổ tự tử mà chết. Xong, truy tôn là Huệ Hoàng đế, miếu hiệu là Kính Tông”.

 Khác với hoả hoạn, tai vạ thứ hai còn để di hại lâu dài về sau, và đến tháng 6 năm Quý Hợi (1623) thì tái phát dữ dội. Cũng sách trên, (tờ 20 a-b và tờ 21 a-b) chép rằng:

“Tháng 6, Bình An Vương bị cảm, bèn cùng với các quan văn võ chọn Thế tử. Ngày 17, triều thần xin lập Thái phó, tước Thanh Quận công là Trịnh Tráng, cho được giữ binh quyền, đồng thời, lại lấy con thứ là Thái bảo Vạn Quận công Trịnh Xuân phụ giúp. Ngày 18, Trịnh Xuân tự đem quân lính, voi, ngựa và súng đạn, bày trận ở Đình Ngang, sai bọn Điện Quận công và Bàn Quận công đem quân tấn công vào nội phủ, cướp đoạt voi, ngựa, vàng bạc, của cải… bức bách Vương (chỉ Trịnh Tùng – ND) phải di chuyển ra ngoài thành rồi phóng lửa đốt cháy tràn lan khắp kinh đô. Quan Chưởng giám, tước Nhạc Quận công là Bùi Sĩ Lâm, thấy có biến, bèn liều mình phò tá Vương lúc nguy nan. Ngày hôm ấy, Vương Thế tử Trịnh Tráng họp bàn với các quan, sai em là Thái bảo Dũng Quận công Trịnh Khải đi đón thánh giá và theo hầu hộ vệ. Vương Thế tử Trịnh Tráng họp các quan ở chợ Nhân Mục, huyện Thanh Trì (nay thuộc ngoại thành Hà Nội – ND) để bàn việc điều quân. Bấy giờ, Bình An Vương chạy ra xứ Quán Bạt, xã Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, sai Bùi Sĩ Lâm đưa đến dinh của em ruột là Phụng Quốc công Trịnh Đỗ, rồi vờ dụ Trịnh Xuân tới đó để trao đại quyền cho. Xuân đến, miệng ngậm cỏ, mình phủ phục dưới sân. Vương kể tội, cho hắn là kẻ loạn thần tặc tử, rồi báo Sĩ Lâm sai người chặt chân Xuân cho chết. Lúc ấy, Trịnh Đỗ sai con trai của mình là Thạc Quận công (không rõ tên) đi đón Thế tử Trịnh Tráng tới dinh của mình. Thế tử Trịnh Tráng bèn cùng với Thạc Quận công, cưỡi chung một con voi mà đi, nhờ có Lưu Đình Chất biết rõ rằng cha con Trịnh Đỗ ngầm làm phản, nên đuổi kịp mà mật báo :

– Quận Thạc cũng là tên nghịch tặc, minh công chớ nên đi với nó. Nghe vậy, Trịnh Tráng mới tỉnh ngộ, bèn bảo Thạc Quận công cứ về dinh, còn mình thì về chỉnh đốn binh mã, đóng ở Ninh Giang”.

 Lời bàn:

 

 

 Cuộc náo loạn rốt cuộc rối cũng bị dẹp yên, Trịnh Tráng vẫn giữ được ngôi vị, nhưng vết thương đạo lí thì muôn đời chưa dễ quên. Lần trước Trịnh Tùng cho rằng vua Lê Kính Tông và con thứ của mình là Trịnh Xuân hợp mưu làm phản, nhưng Vua thì bị giết, còn con thì chỉ tống giam mấy bữa rồi thả ra và lại trao cho chức quyền, thậm chí, còn được thăng thưởng thêm. Cách xử ấy khiến cho mọi người phải nghĩ rằng, tất cả chẳng qua là do Trịnh Tùng bày ra, cốt để giết vua Lê sao cho hợp lẽ đó thôi. Với Trịnh Xuân, mấy ngày ngồi tù bất quá chỉ là trò đùa, đã bình yên vô sự lại còn có thể bình tâm mà nghiệm ra rằng, giết Vua được thì giết Chúa là cha của mình cũng được. Con hơn cha  là nhà… , được quá đi chứ ! Ở lần sau, Trịnh Xuân bị giết nhưng mầm bạo loạn đã đâm rễ vững chắc từ lâu làm sao mà trừ bỏ cho được. Chúa giết Vua, con Chúa đánh nhau và bức bách Chúa phải chạy, em Chúa nhân đó cũng định nhảy vào tranh đoạt quyền hành, sự thể đúng là cười ra nước mắt. Cha nào con nấy, chính là đây. Kẻ phản trắc không khi nào chỉ phản trắc một lần, chính là đây. Nỗi đau xé lòng của tất cả những kẻ chỉ biết ham tiền tài danh vọng mà rẻ rúng đạo lí, cũng chính là đây. Ôi, đáng sợ biết ngần nào!

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.