Lời tâu của quần thần tháng 9 năm Mậu Ngọ (1618)

Trong nhiều lời tâu bày đó, có lời tâu bày dâng lên vua Lê Kính Tông vào tháng 9 năm Mậu Ngọ (1618), được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 31, tờ 16) ghi lại như sau:

“Bầu trời ở phương Đông Nam có sắc trắng, đứng thẳng, dáng tựa như cái búa lớn, thường xuất hiện vào khoảng canh năm, kéo dài tới hơn một tháng mới dứt. Quần thần nhân đó dâng lời tâu rằng:

– Việc quan hệ giữa trời và người thật là đáng sợ lắm. Tháng 9 năm nay, cứ đến khoảng canh năm là lại có sắc trắng xuất hiện ở phương Đông Nam, hai đầu nhọn hoắt, ai trông thấy cũng phải kinh sợ. Đã thế lại còn có điềm mưa vàng như đất, mưa gạo đen như than và sấm vang trái mùa nữa. Sở dĩ có tai biến ấy, có lẽ vì trong triều đình có việc vô đạo đức, bên ngoài triều đình thì có việc không đúng với chính lệnh, giềng mối suy tàn, phép nước không chấn chỉnh, quan lại hà khắc và nhũng nhiễu, khiến cho ngôi sao tượng trưng lòng dân bị đao động, rồi việc làm của người phần lớn là trái với hòa khí mà ra nông nỗi ấy chăng ? Chúng tôi kính xét sách Chu thư thì thấy có câu : “Vương tỉnh duy tuế, khanh sĩ duy nguyệt, thứ dân duy tinh” (đây là câu trong thiên Hồng phạm của sách Thượng thư, dẫn lời của Cơ Tử tâu với vua Chu Vũ Vương, ý nói : Nhà vua có chức phận phải quán xuyến hết tất cả mọi việc trong nước, cũng như một năm phải gồm đủ cả bốn mùa; Khanh sĩ thì mỗi người trông coi một việc, cũng mười hai tháng khác nhau trong một năm mà mỗi người chỉ là một tháng; thứ dân trong thiên hạ cũng tương tự như các vì sao, có sao thích gió, có sao thích mưa, không ai giống ai cả – ND). Câu này ý nói : việc làm hay dở của người đều có điềm lành điềm gở tương ứng hiện ra, người phải biết theo đó mà xử sự cho phải. Nay tai biến xảy ra luôn luôn, ý trời cao răn bảo đã rõ, do vậy, cần phải siêng năng kính sợ. Xin bệ hạ hãy nhân tai biến mà lo sửa đức, nghiêm khắc với bản thân, ăn chay lập đàn thành khẩn cầu trời, mong lòng trời cảm động mà ban điềm lành, những ngôi sao tai dị sẽ theo độ số mà lui, hòa khí lại hiện ra như cũ. Nhà vua (xem xong), đem tờ tâu ấy cất vào cung”.

Chép đến đây, các tác giả của sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã hạ hút viết lời phê như sau:

“Việc cần kíp nhất lúc này, không gì hơn việc làm sao cho danh phận vua tôi rõ ràng và đúng mức, thế mà bầy tôi chi nói lời viển vông cốt chỉ để gọi là có nói, thật đáng khinh khi và đáng chê cười”.

Lời bàn:

Mức độ giá trị lời tâu của quần thần đương thời, xin hãy tạm gác sang một bên, bởi vì, thời ấy thiên hạ vẫn cho rằng nghĩ như thế là phải. Vả chăng, họ đã dẫn cả Chu thư, nghĩa là cũng “nói có sách, mách có chứng” đó thôi. Quần thần khuyên Nhà vua giữ đức và lập đàn cầu trời, nhưng họ có biết đâu, trời của Vua không ở trên đầu Vua mà lại ở… dưới ngai Vua: chúa Trịnh! Các tác giả sách Khâm đinh Việt sử thông giám cương mục đã nói rất đúng rằng: “Việc cần kíp nhất lúc này không gì hơn việc làm sao cho danh phận vua tôi rõ ràng và đúng mức”. Mạng Vua trong tay Chúa, thử hỏi, Vua làm sao có thể thay mặt trăm họ mà cầu xin với đấng cao xanh ? Chính sự rối bời, đạo lí tả tơi, ngay ở nơi chí tôn của thiên hạ, trăm quan thích hùa theo kẻ mạnh nhưng lại hay nói chuyện đức hạnh, ấy là bởi vì ở đời, người thiếu cái gì thì hay nói mãi về cái ấy mà thôi.

Vua cất tờ tâu ấy vào cung, vậy là xem ra, Vua cũng khôn khéo hơn người, nếu không, hậu thế làm sao có thể hiểu được thế thái đen bạc của thời Vua trị vì!

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.