Bài thơ Thần Nhân tặng hiền vương Nguyễn Phúc Tần

 Tiên kết nhân tâm thuận,
 Hậu thi đức hóa chiêu,
 Chi diệp kham tồi lạc,
 Căn bản dã nan dao.

Nghĩa là:

Trước là tập hợp lòng người, sao cho hòa thuận,
 Sau là thi hành đức hóa sao cho rõ ràng,
Cành và lá có khi còn rơi gãy,
Rễ và gốc kia khó mà lung lay.

Chúa cho rằng, bài thơ ấy (có chữ thuận và chữ chiêu) ứng với Thuận Nghĩa và Chiêu Vũ. Bấy giờ, Nguyễn Hữu Tiến là Thuận Nghĩa Hầu, Nguyễn Hữu Dật là Chiêu Vũ Hầu, cho nên, phàm là việc binh thì nên bàn trước với hai người này.

Tháng ba (năm Ất Mùi, 1655 – ND), Chúa sai Nguyễn Hữu Dật đi tuần ở biên giới. Hữu Dật đến dinh Bố Chính, nắm rõ tình hình. Khi về, Chúa triệu đến hỏi, Hữu Dật đáp:

 – Thần có một kế, nếu theo thời có thể bắt Trịnh Đào dễ như trở bàn tay. Chúa hỏi kế gì, Hữu Dật đáp:

– Bao năm nay dụng binh mà quân ta chưa từng tiến ra Bắc. Nay, thần xin chia quân làm ba đạo. Thượng đạo thì tiến lên trước, đánh vào Tất Đồng. Trung đạo thì tiếp ngay sau để làm thanh ứng. Trịnh Đào ở đất Hà Trung, nhận tin này thì thế nào cũng đoán chắc là ta chỉ đánh vào Tất Đồng mà thôi, cho nên sẽ không bỏ thành lũy mà đi cứu viện. Ta nhân đó, cho quân hạ đạo tiến đến Hoành Sơn để đánh úp Lê Hữu Đức rồi thừa thế mà cướp lấy dinh Hà Trung. Đó là kế điệu hổ xuất sơn, dẫn xà nhập huyệt (nghĩa là lôi con cọp ra khỏi rừng, đưa con rắn vào hang – ND), đánh một trận mà đã có thể toàn thắng.

Chúa mừng nói:

 – Khanh bàn việc binh, mầu nhiệm như thần, dù là Tử Phòng (tức là Trương Lương, danh tướng của nhà Hán, Trung Quốc – ND) hay Bá Ôn (tức Lưu Cơ, người đã giúp Minh Thái Tổ thống nhất Trung Quốc – ND) cũng không thể hơn được. (Nguyễn) Hữu Dật lại xin đặt các hỏa đài làm hiệu ở các cửa biển Quảng Bình, để tiện việc báo tin biên cương cho chóng và xin dựng kho Trường Dục để chứa lương thực. Ngoài ra, ông còn xin hạ lệnh cho sĩ tốt các dinh ở Quảng Bình và Bố Chính, lo chỉnh đốn quân nhu để đợi lúc cần đến thì xuất ra. Chúa đồng ý tất cả và cử Nguyễn Hữu Tiến làm Tiết chế, Nguyễn Hữu Dật làm Đốc chiến”.

Lời bàn:

Có những điều, ta tập trung suy nghĩ hết ngày này sang ngày nọ vẫn chẳng ra, vậy mà bất chợt trong mơ, ta bỗng tìm được lời giải rất sâu sắc. Kẻ hậu học này cũng từng có, mà không phải một lần đâu, chỉ khác ở chỗ tự mình thấy mình đang nghĩ và tự mình tìm ra, mừng quá mà tỉnh giấc, chớ chưa may mắn được thần nhân nào mách bảo hay thân hành đem lời đáp đến tận nơi cho mình cả. Có lẽ là tại mình không phải Chúa.

Bài thơ có được trong mơ của Chúa rằng hay thì chẳng phải là hay, nhưng cái tâm của người làm Chúa thiên hạ kí tải trong những câu có vần nói trên, quả là đáng kính lắm. Người như vậy, không thể nói là không có đức được, chẳng thể vì Chúa là người cầm đầu một trong những thế lực nội chiến mà bỏ qua lời này.

Thuận Nghĩa Hầu không thể gọi tắt là thuận, Chiêu Vũ Hầu cũng không thể gọi tắt là chiêu, uốn lời văn theo ý riêng của mình như thế là gượng. Nhưng, thà vì thịnh tình, gượng ép lời văn cho hợp với sự đời trôi chảy, còn hơn là lấy cái uy của Chúa để bắt ép sự đời, bất chấp gượng gạo, miễn sao cho hợp với sự trôi chảy của lời văn!

Nguyễn Hữu Dật được Chúa tin dùng, và Chúa đặt niềm tin như vậy là đúng địa chỉ, nhưng trong phút mơ màng, kẻ hậu học này cũng có thấy Chúa đến, dặn phải viết thêm câu này: Ta chỉ làm theo mơ khi nào tỉnh táo ta thấy rõ giấc mơ ấy đúng, còn như ngôi vị ở đời là ngôi vị thật, kẻ nào bắt chước ta, ngồi trên ngôi vị mà lúc nào cũng như mơ, ta quyết lôi cổ về âm phủ để nghiêm trị chứ chẳng thể tha.

Xin kính chép thêm lời Chúa… trong mơ, và xin miễn bàn thêm.

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.