Nhờ đút lót tiền của và ngựa quý mà Vũ Đức Cung được tha chết, nhưng nỗi hổ thẹn để lại nào phải chỉ một đời. Tiếc thay, hậu duệ của Vũ Đức Cung là cha con Vũ Công Đắc và Vũ Công Tuấn lại tái phạm lỗi lầm của tổ tiên.
Tháng 9 năm Kỉ Dậu (1669), Vũ Công Đắc (lúc này đang là Thiếu phó, trông coi đất Tuyên Quang) ngầm thông mưu với Ma Phúc Trường và cấu kết với dư đảng của họ Mạc để chống lại triều đình. Cơ sự chưa đâu vào đâu thì Vũ Công Đắc mâu thuẫn với Ma Phúc Trường. Trong cơn lo sợ, Vũ Công Đắc đã tìm đường về triều đình để tự thú và xin tha tội, nhưng chưa đến nơi thì bị giết chết. Người đương thời cho rằng, chủ mưu vụ ám hại này, rất có thể là Ma Phúc Trường.
Được tin này, triều đình nghĩ rằng, dẫu sao thì Vũ Công Đắc cũng là người có chút công lao trấn trị vùng Tuyên Quang nên không nỡ dứt tình, bèn bổ dụng con của Vũ Công Đắc là Vũ Công Tuấn làm Đô đốc Thiêm sự, ban cho tước Khoan Quận công, cho được ở lại kinh đô, ngoài ra, còn tuyển dụng con trai con gái của Vũ Công Đắc giao cho chức phận khác nhau. Tiếc thay, đến tháng 5 năm Mậu Thìn (1688), Vũ Công Tuấn lại làm phản, chạy sang Trung Quốc đầu hàng rồi ngầm câu kết với một số thổ tù vùng biên giới và dư đảng của họ Mạc để chống lại triều đình. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 34, tờ 20, 21 và 22) chép như sau:
“Hai châu của Tuyên Quang là Vị Xuyên và Bảo Lạc cùng với châu Thủy Vĩ của Hưng Hóa giáp giới với phủ Khai Hóa của nhà Thanh. Bấy giờ, Vũ Công Tuấn đã chạy sang Vân Nam (Trung Quốc – ND), muốn nhờ Vân Nam giúp sức. Nhân cớ này, Thổ ti của phủ Khai Hóa bèn ép dân đi đánh chiếm cả ba châu (Vị Xuyên, Bảo Lạc và Thủy Vĩ – ND), đặt sở tuần ti ở biên giới để thu thuế người buôn bán.
Quan trấn thủ Hải Dương là Lê Huyến được lệnh đi làm Trấn thủ xứ Tuyên – Hưng (tức Tuyên Quang và Hưng Hóa – ND). (Lê) Huyến bèn cùng với quan Đốc đồng là Đặng Đức Nhuận và Trần Thọ gởi thư sang Vân Nam để tranh biện về việc này, đồng thời, hiểu dụ dân các động phải trở về, nhưng Thổ ti Vân Nam không chịu nghe theo, thành thử, cả ba châu biên giới phải mất về tay nhà Thanh, suốt thời nhà Lê vẫn không sao lấy lại được”.
…”(Vũ) Công Tuấn sau khi đã lẩn lút sang Vân Nam thì phải đến nương nhờ viên Thổ ti là Nùng Tiên Lai. Công Tuấn tự xưng là Giao Cương Vương, ngầm cùng bọn (Mạc) Kính Chửu và (Mạc) Kính Thọ là dư đảng của họ Mạc, tập hợp binh lính đất ấy, cùng với người Nùng đi cướp bóc vùng Tuyên Quang và Hưng Hóa. Trấn thủ Nguyễn Công Triều đem quân đến đánh nhưng không dẹp được. Sau, triều đình phải sai Đốc suất là Lê Hải, Đốc thị là Đặng Đình Tướng đem quân đến tăng cường để lo xếp đặt công việc ở khu vực này.
Bọn Lê Hải nhiều phen đưa thư sang cho Tổng đốc Vân Nam, nhưng viên quan phủ của phủ Khai Hóa (thuộc Vân Nam – ND) không chịu giúp việc chuyển đạt. Sau, (bọn Lê Hải) phải dùng vải, lụa và bạc để giao kết một cách hậu hĩ với viên Thổ ti đất Mông Tự là Lý Thế Bình, Thế Bình mới chịu chuyển đạt cho. Viên Tổng đốc Vân Nam (được thư), bèn hạ lệnh cho quan ba phủ là Khai Hóa, Lâm An và Quảng Nam (tất cả đều thuộc Vân Nam – ND) đi tra xét cho rõ, bắt phải giao trả (bọn lưu vong là Vũ Công Tuấn) tổng cộng lớn bé hơn 120 người. Bọn Lê Hải hẹn với phiên thần là Nông Văn Cương hội họp ở biên cảnh, bắt Vũ Công Tuấn giết đi, khiến cho đồ đảng của hắn bị tan rã. Bấy giờ, bọn Lê Hải mới kéo quân về”.
Lời bàn:
Cứ sử mà xét thì họ Vũ quả là đáng trách. Thời bấy giờ, vua Lê – chúa Trịnh nếu có bạc bẽo với trăm họ, thì dẫu gì, họ Vũ cũng là họ thứ … 101, được hưởng ơn mưa móc chớ có phải thiệt thòi gì đâu. Nếu quả thấy vua Lê – chúa Trịnh bất nghĩa, cần phải loại trừ, thì hãy hiên ngang dựng cờ khởi binh, có đâu nương náu vào đám Thổ ti hạng quèn để làm chuyện cướp bóc xứ sở ?
Vũ Công Tuấn mắc bốn đại tội liền. Một là tiếp tục bôi đen gia phả của họ Vũ một cách thậm tệ. Hai là làm việc phản nghịch với triều đình. Ba là tạo cơ hội cho quân Thanh xâm lấn lãnh thổ. Bốn là cướp bóc chính dân lành của mình. Mắc bốn đại tội “trời không dung, đất không tha” như vậy, còn mặt mũi nào mà sống với đời nữa, bị giết cũng là phải lắm thay!
Xưa nay, kẻ phản quốc chẳng bao giờ được ai xót thương.
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)