Bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu sinh hạ trước sau tổng cộng ba người con trai là Nguyễn Phúc Cảnh, Nguyễn Phúc Hy và Nguyễn Phúc Noãn nhưng tất cả đều mất sớm.
Nguyễn Phúc Cảnh sinh năm Canh Tí ( 1780) tại Gia Định. Mùa xuân năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Phúc Cảnh được lập làm Đông cung (tức Thái tử), nhưng người đời vẫn thường quen gọi Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh là Hoàng tử Cảnh. Cuộc đời của Hoàng tử Cảnh kể cũng đa truân. Nay xin theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 2) mà lược thuật như sau :
– Mùa hạ năm Quý Mão (1783), sau khi bị Tây Sơn đánh cho tơi bời, Nguyễn Ánh bèn tìm đường chạy sang cầu cứu Xiêm La. Bởi quá khốn quẫn, Nguyễn Ánh đã nhờ Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh làm con tin, đi sang Pháp để xin thêm viện trợ binh lực cho mình. Cùng đi với Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh còn có các quan Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm. Chuyến đi này kéo dài từ năm 1783 đến năm 1789 nhưng chẳng mang lại kết quả gì đáng kể, ngoài nỗi nhục kí kết hiệp ước Versailles năm 1787.
– Mùa xuân năm Quý Sửu (1793), Hoàng tử Cảnh được lập làm Đông cung, được phong là Nguyên Súy Quận công, được dựng phủ Nguyên Súy và được ban ấn có bốn chữ Đông cung chi ấn. Một số quan văn võ đại thần và nhiều lại thuộc được sai đến để giúp việc. Các bậc danh sĩ đương thời như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định… cũng được sai đến để lo việc giảng học.
– Trong thời gian ở ngôi Đông cung, Nguyễn Phúc Cảnh từng được giao việc trấn giữ các địa phương hiểm yếu như Gia Định và Diên Khánh, nhưng tiếc thay, năm Tân Dậu (1801), lúc mới 21 tuổi, Nguyễn Phúc Cảnh mất vì bị bệnh đậu mùa, để lại một người vợ góa là Tống Thị Quyên và hai người con trai còn nhỏ dại là Nguyễn Phúc Mỹ Đường và Nguyễn Phúc Mỹ Thùy. Năm Gia Long thứ 16 (1817), Mỹ Đường được phong làm Ứng Hòa Công và Mỹ Thùy được phong làm Thái Bình Công.
Mẹ con bà Tống Thị Quyên hưởng phúc ấm chưa được bao lâu thì đại họa đã giáng lên đầu. Sách trên đã chép sự kiện thê thảm này như sau:
“Trước đây, thấy Vua ở ngôi mà tuổi đã cao, các quan liền xin lập ngôi trừ vị (tức là ngôi dành cho người sẽ lên làm vua sau này – NKT), trong số đó, có người đề nghị thẳng là nên lập Hoàng Tôn Đán (tức Nguyễn Phúc Mỹ Đường), nhưng Vua không nghe. (Sau, Gia Long lập Nguyễn Phúc Đảm là con của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, tức em cùng cha khác mẹ với Hoàng tử Cảnh, làm người nối ngôi, đó là Hoàng đế Minh Mạng – NKT).
Năm Minh Mạng thứ năm (tức là năm 1824 – NKT), có người bí mật tố cáo rằng Mỹ Đường thông dâm với mẹ là Tống Thị. Tống Thị vì thế bị dìm nước cho chết, còn Mỹ Đường thì phải giao trả hết ấn tín và dây thao, đồng thời bị giáng xuống làm thứ nhân, con trai con gái chỉ được biên chép phụ ở phía sau sổ tôn thất.
Năm Minh Mạng thứ bảy (tức năm 1826 – NKT), Mỹ Thùy lại bị quân lính ở đạo Dực Chẩn kiện, sắp bi đưa xuống đình thần đề nghị tội thì Mỹ Thùy bị bệnh mà mất, lúc ấy chưa có con cái gì. (Vua) cho lấy con trưởng của thứ nhân Mỹ Đường là Lệ Chung, tập phong làm Ứng Hòa Hầu để lo việc phụng thờ Anh Duệ Hoàng thái tử (tức Hoàng từ Cảnh – NKT). Đến năm thứ tám (tức năm 1827 – NKT), đổi phong làm Thái Bình Hầu.
Cuộc trầm luân tưởng đến đó là hết, nào dè, đến năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), triều thần vì sợ con cái của Lệ Chung sẽ nhờ cha mà hưởng phúc, nên lại tiếp tục nghị tội, buộc con trai của Lệ Chung là Lệ Ngân, con gái của Lệ Chung là Thị Văn và Thị Dao đều phải giáng làm thứ nhân. Mãi đến năm Tự Đức thứ hai (1848), khi Mỹ Đường bị bệnh mà mất, dòng dõi của Hoàng tử Cảnh mới được tạm coi là yên, hẳn nhiên là yên phận… dân thường.”
Lời bàn:
Mới ba tuổi đầu đã phải bị đưa đi làm con tin, lênh đênh khắp chân trời góc biển, về nước lại phải nếm mùi chinh chiến, đó là một lần bạc nhược.
Ở ngôi Đông cung chưa được bao lâu, tuổi thanh xuân đang bừng bừng sức sống mà bỗng dưng mắc bệnh đậu mùa rồi mất, đó là hai lần bạc nhược.
Hành trạng của Hoàng tử Cảnh đúng sai thế nào, hậu thế sẽ bàn sau, nhưng xét phận riêng đắng cay chìm nổi, như thế kể cũng là đáng thương lắm thay!
Thời ấy, có hai tội thuộc hàng đại ác không thể tha, ấy là bất trung và thất đức. Bất trung thì con trai trưởng của Hoàng tử Cảnh chẳng có biểu hiện gì, vậy thì Minh Mạng muốn yên vị trên ngôi, ắt phải khép Mỹ Đường vào tội thất đức là thông dâm với mẹ. Ôi, giá mà Mỹ Đường chẳng phải cháu đích tôn của Gia Long thì đời ông sẽ êm thắm biết ngần nào.
Vua Minh Mạng tiếng là do bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu sinh ra nhưng từ nhỏ đã được bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu nuôi dưỡng, nghĩa là với Hoàng tử Cảnh nào có khác chi anh em cùng cha cùng mẹ, thế mà cam tâm giết hại chị dâu và đầy đọa các con của anh.
Ai đó đã nói rằng, phàm đã là Hoàng đế thì chẳng thể dung tha dòng trưởng của tộc họ nhà mình. Mức độ đúng sai với ai chưa rõ, nhưng với vua Minh Mạng, chí lí thay!
( Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần )