Năm 1679, các tướng Dương Ngạn Địch (cũng gọi là Dương Nhị) và Hoàng Tiến đem quân đến Mỹ Tho, tổ chức khai khẩn đất đai vùng này. Năm 1688, Hoàng Tiến nổi loạn, giết chết Dương Ngạn Địch và điều ấy khiến cho chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691) rất lo ngại. Chúa đang bàn kế đối phó thì có chức Đội trưởng là Trương Thiêm Lộc xin tiến cử Mai Vạn Long cầm quân vào Nam. Bấy giờ, Mai Vạn Long đã ngót sáu chục tuổi, sức đã yếu, Chúa có ý ngần ngại, nhưng Trương Thiêm Lộc ví Mai Vạn Long cũng chẳng kém gì Mã Viện của Trung Quốc thuở nào nên Chúa đã chấp thuận. Trương Thiêm Lộc cố sức tiến cử Mai Vạn Long, chẳng qua cũng chỉ vì Mai Vạn Long là cậu ruột, và quan trọng hơn, Trương Thiêm Lộc nghe đồn rằng Gia Định là đất giàu có, Mai Vạn Long mà vào đó thì thế nào Trương Thiêm Lộc cũng được nhờ. Đến nơi, Mai Vạn Long đã lập mưu và trừ được Hoàng Tiến, nhưng rồi ông lại bị một người đàn bà tên là Chiêm Rao Luật (cũng viết là Chiêm Dao Luật) mê hoặc, khiến cho quân sĩ dưới quyền bất bình, bởi Mai Vạn Long chỉ mới làm được một việc trong số nhiều việc Chúa giao mà đã lo nghỉ ngơi vui thú.
Chúa Nguyễn Phúc Trăn hay tin, giận lắm, liền sai tướng Nguyễn Hữu Hào (anh của Nguyễn Hữu Cảnh, con của Nguyễn Hữu Dật) cầm quân vào Nam, nhân danh Chúa, cách chức Mai Vạn Long và làm nốt những việc còn lại. Nguyễn Hữu Hào vào, lúc đầu ông đã tuyên bố nhiều câu có vẻ rất kiên quyết thực thi mệnh chúa, nhưng rồi Chiêm Rao Luật tới, nói mấy lời nỉ non đưa đẩy, Nguyễn Hữu Hào cũng bị ngã quy, chẳng khác gì Mai Vạn Long. Tin chẳng lành này chẳng mấy chốc đã bay về phủ Chúa.
Sách trên cho hay, chúa Nguyễn Phúc Trăn tức giận, liền lột hết chức tước và đuổi Nguyễn Hữu Hào về làm thứ dân. Mai Vạn Long và Nguyễn Hữu Hào, thân là tướng cầm quân mà tai thích nghe lời nỉ non, lòng còn mải mê vui thú, thì trước sau gì cũng thân bại danh liệt.
Khi người phụ nữ có nhan sắc, lại có tài sử dụng nhan sắc cho những ý đồ mãnh liệt của họ, thì xin hãy liệu chừng hỡi tất cả nam nhi. Dũng mãnh như Mai Vạn Long tướng quân và Nguyễn Hữu Hào tướng quân mà còn phải đầu hàng nữa là …
Trăm lạy hai vị tướng quân!
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)