Tiên tổ của Nguyễn Văn Thành vốn.người Thừa Thiên, nhưng tính đến Nguyễn Văn Thành thì dòng họ này đã di cư vào Gia Định được năm đời. Nguyễn Văn Thành sinh năm Mậu Dần (1758), mất năm Đinh Sửu (1817), thọ 59 tuổi.
Thuở nhỏ, Nguyền Văn Thành được gia đình cho ăn học chu tất, bởi vậy, trong số các tướng lĩnh lúc bấy giờ, ông là người có kiến thức uyên bác hơn cả. Năm 1773 (15 tuổi), Nguyễn Văn Thành cùng cha là Nguyễn Văn Hiền theo phò chúa Nguyễn để chống lại Tây Sơn. Cha mất, ông tiếp tục theo phò Nguyễn Phúc Ánh và khi mới ngoài hai mươi tuổi, ông đã là một trong những chỗ dựa tin cậy của Nguyễn Phúc Ánh. Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long. Nguyễn Văn Thành được bổ làm Tổng trấn Bắc Thành, thay mặt triều đình cai quản miền Bắc (tương đương với vùng Bắc Bộ ngày nay). Ông cũng là một trong những người được Hoàng đế Gia Long trao trách nhiệm soạn thảo bộ luật cho triều Nguyễn.
Điểm lại hành trạng của những người theo phò Nguyễn Phúc Ánh thì thấy quả thật ít ai cớ may mắn vươn tới cực đỉnh danh lợi như Nguyễn Văn Thành, song cũng ít ai phải chịu nhiều cay đắng tủi nhục và oan khuất như Nguyễn Văn Thành. Riêng nỗi cay đắng tủi nhục và oan khuất, xin được theo sách nói trên mà dẫn ra mấy sự kiện chính như sau :
– Sự kiện thứ nhất xảy ra năm Ất Tị (1785). Năm này, Nguyễn Văn Thành đang cùng Nguyễn Phúc Ánh bôn tẩu ở Xiêm La. “Tính Nguyễn Văn Thành rất thích cờ bạc, thường thua và mắc nợ, bị người ta đòi hoài. Một hôm đang theo Vua ở đất Xiêm La, Nguyễn Văn Thành được Vua sai đem 1000 lạng bạc đi Chiêm Kha (tên một vùng đất của Xiêm La) để mua thóc. Dọc đường (Nguyễn Văn Thành) gặp quan quân (của Vua) cũng vì đánh bạc mà mắc nợ với người Xiêm La, bị họ đến đòi nợ rất khổ, ông thấy thế mà thương, liền đổ hết bạc ra trả nợ cho quan quân (của Vua) rồi tay không mà về. Vua biết chuyện, tuy không bằng lòng nhưng cũng lấy làm lạ, không bắt tội ông”.
– Sự kiện thứ hai xảy ra vào năm Đinh Mùi (1787): “Mùa thu, Hà Hỷ Văn (tướng của Tây Sơn – NKT) đóng quân ở đảo Côn Lôn, muốn được quy phục, Vua bèn sai (Nguyễn Văn) Thành cùng với Nguyễn Thái Nguyên đi đón, nhưng khi trở về, vì gặp gió chướng, thuyền không thể đến nơi Vua ở được, đành phải đóng tạm tại Hà Tiên. Bởi hết lương ăn, (Nguyễn Văn) Thành liền đóng giả thuyền giặc đi tuần để cướp lương. Khi Vua từ Xiêm La về đảo Cổ Cốt, (Nguyễn Văn) Thành dẫn Hà Hỷ Văn vào yết kiến và tâu việc đi cướp lương cho quân ăn. Vua giận lắm, sai giam Nguyễn Văn) Thành lại, nhưng sau lại thả ra, sai đi đánh giặc”.
– Sự kiện thứ ba xảy ra vào năm Kỉ Mùi (1799). Năm này, Nguyễn Văn Thành được làm Tiết chế, chỉ huy trận đánh vào Quy Nhơn. Cùng ở trong bộ chỉ huy với Nguyễn Văn Thành, còn có Lê Văn Duyệt, Lê Chất và Tống Viết Phúc. Sách trên chép : “Trận này, (Nguyễn Văn) Thành cùng (Lê Văn) Duyệt, cắm cờ trên bành voi để chỉ huy các tướng. Tính (Nguyễn Văn) Thành thích uống rượu. Lúc sắp vào trận, lấy be rượu rót uống, nhân thể, rót mời (Lê Văn) Duyệt. (Lê Văn) Duyệt không uống. (Nguyễn Văn) Thành nói :
– Hôm nay trời rét, uống rượu cho thêm khí lực.
(Lê Văn) Duyệt cười mà nói rằng :
– Người nào nhút nhát mới phải mượn rượu để tăng khí lực. Trước mắt ta, nào có ai đáng mặt giỏi trận mạc để cùng đối địch, vậy thì cần gì phải dùng đến rượu ?
(Nguyễn Văn) Thành nghe vậy thì thẹn và cũng kể từ đó, bắt đầu để bụng nuôi giận đối với Lê Văn Duyệt.
– Sự kiện thứ tư xảy ra vào năm Tân Mùi (1811). Năm này, các quan là Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát phạm tội, Vua giao cho triều đình xử. Nguyễn Văn Thành cho rằng Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát quả đúng là có tội, nhưng lấy công bù tội thì cũng có thể được coi là thuộc hàng bát nghị. Lời ấy dâng lên, Vua cho là (Nguyễn Văn) Thành bênh vực cho kẻ có tội, bèn phạt ba con trâu !
– Sự kiện thứ năm xảy ra vào năm nào không rõ, nhưng tạm ước đoán là năm Nhâm Thân (1812) : “Vua đi coi đất để đặt Sơn Lăng (các vua triều Nguyễn thường tự chọn đất xây lăng cho mình ngay khi còn sống. Sơn Lăng là lăng của Gia Long – NKT). Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (tức vua Minh Mạng, lúc này chưa lên ngôi – NKT) và các đại thần cùng theo đi. Lúc đào huyệt, thấy đất có năm sắc, Vua lấy làm mừng, cho đó là điềm tốt, quần thần đều chúc tụng, riêng (Nguyễn Văn) Thành không nói gì. Vua hỏi thì ông tâu:
– Đất táng thân mẫu của tôi cũng có năm sắc như vậy, mà lại còn đẹp hơn.
Vua im lặng, quần thần thì tỏ vẻ không bằng lòng. (Nguyễn Văn) Thành lại nói :
– Gần đây, ở xứ Chiêm Ê có huyệt đất rất tốt.
Phạm Văn Nhân nói: – Đã biết là huyệt tốt như vậy, tại sao không tâu lên ?
Nguyễn Văn Thành nói : – Đất ấy tuy tốt nhưng không nên táng, vì hễ táng vào thì thế nào cùng bị sétđánh.
Vua nghe và chẳng lấy gì làm thích thú. Thánh Tổ Nhân Hoàng đế nói với (Nguyễn Văn) Thành rằng :
– Tây Sơn là lũ tiếm ngụy mới bị sét đánh vào mả, chớ đời thánh minh được trời giúp, làm gì có chuyện ấy. Trước mặt Vua, sao ngươi dám nói như vậy.
(Nguyễn Văn) Thành biết mình lỡ lời, bèn lui ra. Ông thường nói trước mặt Vua rằng :
– Phía Tây Bắc có cầu vồng bảy màu đấu nhau. Đó chính là điềm báo của trời.
Vua giận (Nguyễn Văn) Thành hay khích bác bằng những lời quái dị quá mức. Đến khi việc con của (Nguyễn Văn) Thành là (Nguyễn Văn) Thuyên bị phát giác ra, Vua liền đem những lời nói này để bảo quần thần buộc tội (Nguyễn Văn) Thành”.
– Sự kiện thứ sáu xảy ra vào năm Ất Hợi (1815): “Bấy giờ, Vua ở ngôi tuổi đã cao nhưng vẫn chưa định người nối ngôi. Nhân tan buổi chầu, vua hỏi (Nguyễn Văn) Thành rằng : – Cháu ta là Đán (tức Nguyễn Phúc Mỹ Đường, con trưởng của Hoàng Tử Cảnh – NKT) thì còn bé, vậy, trong các con ta, ai đáng được lập làm Thái tử. (Nguyễn Văn) Thành tâu :
– Đích tôn thừa trọng, theo đúng lễ này mới gọi là phải. Nay nếu bệ hạ muốn chọn người khác thì ở đời, biết con chẳng ai bằng cha, việc này tôi không dám can dự.
Một hôm. (Nguyễn Văn) Thành hội triều thần ở nhà riêng và nói :
– Hoàng Tôn Đán nên nối ngôi vua, tôi đã tâu Vua xin lập, các quan thấy thế nào ?
Trịnh Hoài Đức sợ phải tội lây, liền ngăn trở, nói rằng :
– Đấy là việc quốc gia đại sự, phải để Nhà vua quyết đoán, không phải là việc của quần thần. Nếu có ý riêng mà toan định đoạt, tội lớn lắm.
Nghe vậy, (Nguyễn Văn) Thành mới thôi. Từ đấy trở đi, mỗi khi vào chầu, (Nguyễn Văn) Thành thường xin lập Thái tử, Vua im lặng khiến (Nguyễn Văn) Thành càng ngờ và sợ hãi”.
– Sự kiện thứ bảy bắt đầu xảy ra từ cuối năm Ất Hợi (1815) và kết thúc bi thảm vào mùa hè năm Đinh Sửu (1817):
“Con của (Nguyễn Văn) Thành là (Nguyễn Văn) Thuyên, đỗ Cử nhấn khoa Quý Dậu (1813), thường dùng thơ văn để giao thiệp với khách. Nghe nói ở Thanh Hóa có Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận là những người nức tiếng hay chữ, (Nguyễn Văn Thuyên) bèn sai môn hạ là Nguyễn Trương Hiệu đến mời. Trong bài thơ (gởi hai người nói trên – NKT), có câu :
Thử hồi nhược đắc sơn trung đế
Tả ngã kinh lu.ân chuyển hóa cơ.
(Nghĩa là : Thời nay, nếu mà có được vị chúa trong núi kia ở bên cạnh để ta lo sắp đặt thì có thể xoay chuyển được cơ trời).
Câu thơ này hàm ý bội nghịch, cho nên, Nguyễn Trương Hiệu liền đi báo với quan Thiêm sự của bộ Hình là Nguyễn Hữu Nghi. (Nguyễn) Hữu Nghi vốn có thù oán với (Nguyễn Văn) Thành, bèn sai (Nguyễn Trương) Hiệu đem lời thơ ấy mà tố cáo với Lê Văn Duyệt. ( Lê Văn) Duyệt và (Nguyễn Văn) Thành vốn không hòa hợp, nên (Lê Văn) Duyệt liền đem thơ ấy dâng Vua. Vua cho là sự trạng chưa rõ, sai trả lại (cho Nguyễn Văn Thuyên). Thấy tờ giấy có bài thơ rất đáng giá, (Nguyễn Trương) Hiệu bèn giữ lại để tống tiền (Nguyễn Văn) Thuyên. (Nguyễn Văn) Thuyên cho tiền nhưng (Nguyễn Trương) Hiệu vẫn chưa vừa lòng, bởi vậy hắn đợi (Nguyễn Văn) Thành đi chầu về, đón đường nắm áo mà đòi thêm. (Nguyễn Văn) Thành lập tức bắt cả (Nguyễn Trương) Hiệu và (con là Nguyễn Văn) Thuyên giam vào ngục Quảng Đức, rồi khi vào chầu thì đem việc ấy tâu Vua. Vua giao cho đình thần tra xét, nhưng lại nghĩ là chứng cớ chưa đủ, bèn tha cho (Nguyên Văn) Thuyên, còn (Nguyễn Văn) Thành thì vẫn được làm quan như cũ.
Năm (Gia Long) thứ mười lăm (tức năm Bính Tí, 1816 – NKT) quan Kí lục của Quảng Trị là Nguyễn Duy Hòa dâng sớ hạch tội (Nguyễn Văn) Thành làm việc trái phép, Vua giao cho triều thần bàn nghị. (Việc này đã có chép ở chuyện ( Nguyễn Duy Hòa). Tháng 2, Vua làm lễ tế dàn Nam Giao, các quan ở bộ Lễ nói rằng (Nguyễn Văn) Thành không nên dự. Vua nói :
– (Nguyễn Văn) Thành là trọng thần, tuy con của hắn có việc mờ ám, nhưng ta há lại nghe lời của một bên để rồi vội bỏ xa bậc huân cựu hay sao ?
Nói rồi, cho (Nguyễn Văn) Thành dự. Một hôm, Vua bãi chầu, đi vào nhà trong, (Nguyễn Văn) Thành chạy thẳng đến nắm áo Nhà vua, khóc lóc mà kêu rằng :
– Tôi từ thuở bé đến nay đi theo bệ hạ, vốn chẳng có tội gì, nay bị người ta bịa dặt để hãm vào tội lỗi, lẽ đâu bệ hạ nhìn chúng giết tôi mà không cứu giúp một chút ?
Nguyễn Đức Xuyên thấy thế, hét to lên rằng : – Ngươi có tội hay không có tội, việc đó đã có công nghị của triều đình sao lại dám vô lễ, xuống ngay !
Từ đấy, (Vua) cấm không cho (Nguyễn Văn) Thành vào chầu và sai Lê Văn Duyệt tra xét vụ án (Nguyễn Văn) Thuyên. Mới tra một lần, (Nguyễn Văn) Thuyên đã thú tội, (Nguyễn Văn) Thành cũng sợ hãi mà nhận. Vua đem tờ biểu của (Nguyễn Văn) Thành cho các quan xem. Quan Lễ bộ Thượng thư là Phạm Đăng Hưng tâu rằng :
– (Nguyễn Văn) Thành chỉ khéo nói úp mở, lấy khôn vặt để dối triều đình, xin nhận tội như thế này chưa phải là thực tâm đâu. Quần thần xin giam (Nguyễn Văn) Thành vào ngục, Vua nói :
– (Nguyễn Văn) Thành hiển nhiên là có tội, nhưng theo lễ, đối xử với đại thần cũng phải khác.
Nói rồi, Vua sai thu ấn của (Nguyễn Văn) Thành và cho về ở nhà riêng. Nghị án xong, quẩn thần tâu rằng, cha con (Nguyễn Văn) Thành đáng xử tử, chỉ có quan Tham tri của bộ Lại là Trần Văn Tuân nói rằng :
– (Nguyễn Văn) Thành không biết dạy con là tội nhẹ, còn (Nguyễn) Duy Hòa dám hạch cả đại thần là tội nặng.
Vua nói : – Thế thì khóa miệng người ta lại hay sao ? Đó không phải là chính danh đâu.
Nói rồi, sai đình thần bàn lại. Đúng lúc đó, Diên Tự Công của họ Lê là Lê Duy Hoán mưu phản, việc bị phát giác, các quan ở Bắc Thành bàn định đưa giải Lê Duy Hoán vào kinh. Vua nhân đó sai các quan ở bộ Hình xét hỏi. Lê Duy Hoán nói rằng (Nguyễn Văn) Thuyên gởi thư giục nó làm phản. Bộ Hình dâng lời khẩu cung lên, triều đình xin bắt (cha con Nguyễn Văn Thành) để trị tội.
Năm (Gia Long) thứ mười sáu (tức năm 1817 – NKT), mùa hạ, Vua ra lệnh bắt (Nguyễn Văn) Thành và các con giam hết ở Quân xá Thị trung để đình thắn xét hỏi lại. (Nguyễn Văn) Thành được đưa đến Vũ Công Thự. Hỏi:
– Tính làm. phản à ? Đáp : – Không ! Hỏi : – Có dự biết việc đó không ? Đáp : – Không !
Đối đáp xong, (Nguyễn Văn Thành) đi ra, mặt giận hằm hằm, về đến Quân xá, ông nói với quan Thị trung Thống chế Hoàng Công Lý rằng, án xét đã xong, vua bắt bề tôi phải chết mà bề tôi không chết là bề tôi bất trung. Giờ lâu, ông đi nằm, lấy thuốc độc tự tử. Năm ấy, (Nguyễn Văn Thành) sáu mươi tuổi (tính theo tuổi ta – NKT).
Quân lính của (Nguyễn Văn) Thành lấy được bản trần tình của ông, Hoàng Công Lý dâng vua. Lời trần tình có câu rằng :
– Sớm rèn tối đúc, tạo cho cha con tôi tội cực ác, không thể tố cáo vào đâu được, cho nên chỉ biết chết mà thôi.
Vua cầm tờ trần tình mà thương khóc rồi dụ rằng : – (Nguyễn Văn) Thành theo trẫm từ lúc còn ít tuổi, từng chịu gian nan và lập được công to, nay bỗng chốc mà ra thế này, trẫm không hay biết trước để bảo toàn sứ mạng tức là đức của trẫm đã bạc rồi vậy.
Vua hỏi Phạm Đăng Hưng rằng : – Nên táng (Nguyễn Văn) Thành theo lễ nào ?
(Phạm Đăng) Hưng tâu : – Táng theo lễ thứ nhân.
Vua im lặng, sau, sai một viên Cai đội ở Trung quân đem ba mươi người lính đi lo việc tang, cấp cho 500 quan (ngang với tiền trả mũ áo khi về hưu), lại cho thêm ba tấm gấm Tống và vải lụa cộng là mười tấm. Các con (của Nguyễn Văn Thành) đang giam đều tha cho ra khỏi tù cả”.
Lời bàn :
Nguyễn Văn Thành một đời làm tướng, tài đủ để thắng được đối phương nhưng chưa đủ để chế ngự những suy nghĩ bột phát trong người, khiến bao lần phải thất thố, mất lòng đồng liêu và mất cả sự tin yêu của vua nữa. Xem việc ông để tâm chán ghét Lê Văn Duyệt khi Lê Văn Duyệt từ chối uống rượu, lại xem việc ông nói năng thiếu cẩn trọng khi đi chọn đất làm Sơn Lăng cho vua Gia Long, cũng như khi ông họp các quan bàn chuyện lập Thải tử, thì đủ biết ông là người khó bề tránh được đại họa.
Cha nào, con nấy, cái ngông nghênh của Nguyễn Văn Thuyên không thể nói là không có phần ảnh hưởng của cha. Xưa nay, ngông nghênh vô lối với khẩu khí của bậc có chí lớn rất biệt nhau, vậy mà nào ít kẻ cố tình trộn lẫn. Thương hại thay ! Vua Gia Long lúc đầu tha cho các con của Nguyễn Văn Thành, nhưng sau đó lại bắt giết Nguyễn Văn Thuyên. Dương thế thuở ấy bớt được một kẻ gàn, quả có vậy thật. Về sau, vua Minh Mạng còn bắt giết hết những người con còn lại của Nguyễn Văn Thành, gồm Nguyễn Văn Thần, Nguyễn Văn Nhâm, Nguyễn Văn Chuân, Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Văn Hân, cùng với gia thuộc của họ. Vụ án mới thê thảm làm sao !
Ranh ma bơn cả trong toàn bộ chuyện này có lẽ là Nguyễn Trương Hiệu. Kẻ ăn hối lộ gian ngoan ấy đã đẩy gia đình Nguyễn Văn Thành vào chỗ khốn cùng. Bấy giờ, triều đình không xử tội hắn, thế cũng có nghĩa là triều đình tự xác định mức đọ xấu tốt của mình. Mới hay, kẻ ăn hối lộ và tống tiền thiên hạ, chẳng phải ngẫu nhiên mà có và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà được bình yên.
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần )