Khi chúa Nguyễn bị Tây Sơn đánh đuổi, phải bôn tẩu khắp đất Gia Định, Tống Viết Phúc xin theo, ông được phong làm Cai đội, sau vì có công theo hầu Nguyễn Phúc Ánh ở Xiêm La nên được thăng chức Phó Vệ úy rồi Vệ úy. Năm 1800, nhờ có nhiều quân công, ông lại được thăng làm Đô thống chế. Năm Tân Dậu (1801), ông mất trong trận đánh nhau với quân Tây Sơn ở Quy Nhơn. Sử không ghi năm sinh của ông nên không rõ ông thọ bao nhiêu tuổi.
Từ Văn Chiêu sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu không rõ, chỉ biết ông vốn là tướng của Tây Sơn quy hàng Nguyễn Phúc Ánh, được Nguyễn Phúc Ánh cho làm bộ hạ của Tống Viết Phúc. Sau vì Tống Viết Phúc hay mắng nhiếc ông là đồ phản chủ để cầu hàng, Từ Văn Chiêu lại quay về với Tây Sơn và vẫn được Tây Sơn tin dùng. Điều đáng nói là người giết được Tống Viết Phúc cũng chính là Từ Văn Chiêu. Chuyện hai nhân vật này được sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 13) chép lại như sau:
“Năm Tân Dậu (tức năm 1801 – NKT), đánh nhau ở Thị Nại. (Tống Viết) Phúc xin đi nhưng Vua nghe theo lời khuyên của Nguyễn Đức Xuyên, không cho (Tống Viết Phúc) đi mà sai (Lê Văn) Duyệt đi…”
“…(Tống Viết) Phúc đóng quân ở Kiến Dương, bị tướng giặc (chỉ Tây Sơn – NKT) là Từ Văn Chiêu đánh úp. Quan Vệ úy (trong đội quân của Tống Viết Phúc) là Trần Văn Xung bị tử trận. Tống Viết Phúc nổi giận, đem quân đến đánh (Tây Sơn) ở Thạch Cốc, chẳng dè bị quân mai phục đánh cho tơi bời, các quan Vệ úy là Hoàng Phúc Bảo và Hoàng Văn Tứ đều bị chết trận. (Tống Viết) Phúc sợ hãi, xin chịu tội nhưng được Vua tha cho…”
“…Mùa hạ năm ấy (tức năm 1801 – NKT), đại binh tiến đánh Phú Xuân, (Tống Viết) Phúc và quan Tham tri là Trần Văn Trạc được giao ở lại trấn giữ Quảng Nam. Khi cựu kinh (tức Phú Xuân – NKT) đã thu hồi được, (Tống Viết) Phúc và Lê Văn Duyệt được sai đi cứu viện Quy Nhơn. Đến Quảng Ngãi, đánh bại được giặc, bắt dược Đô đốc giặc là Nguyễn Văn Khôn và Tham đốc giặc là Hồ Văn Tự ở Trà Khúc cùng quân lính giặc hơn 3000 người. (Tống Viết) Phúc vốn ghét người Quy Nhơn vì cho là một lòng theo giặc, nên tuyên bố rằng:
– Nếu ta đánh được Quy Nhơn, ta sè làm cỏ sạch, quyết không để sót một mống nào.
Quân vừa qua đò Tân Quan đã đánh thắng đến Bức Cốc. Tướng hiệu của Tống Viết Phúc ngăn rằng:
– Quân ta ít, nếu cứ khinh thường đối phương mà tiến, lỡ như gặp địch thì làm sao ?
Tống Viết Phúc nói:
Hễ gặp giặc thì ta men đường núi mà đi, chúng làm gì được ?
Vừa nói xong thì thấy quân mai phục cua tướng giặc là Từ Văn Chiêu nổi dậy. (Tống Viết) Phúc chống đánh không nổi, bị giết.
Nguyên xưa, (Từ Văn) Chiêu về hàng phục, từng giúp (Tống Viết) Phúc nhiều việc trong vệ quân, nhưng (Tống Viết) Phúc vẫn thường mắng nhiếc (Từ Văn) Chiêu là đồ cầu hàng, (Từ Văn) Chiêu vì thế mà giận rồi làm phản, trở về lại với Tây Sơn. (Từ Văn) Chiêu thường thua (Tống Viết) Phúc, nay (Tống Viết) Phúc khinh thường mà tiến,nên mới bị hại”.
Lời bàn:
Tướng tài dốc sức chiến đấu, chưa dễ dã tiêu diệt được tướng của đối phương và nếu có tiêu diệt được chăng nữa thì đó vẫn chưa phải là tướng giỏi trong số những tướng giỏi, cao ngạo phỏng có ích gì ? Binh pháp cổ vẫn nói, không đánh mà khuất phục được tướng sĩ của đối phương, ấy mới thực là tướng giỏi trong số những tướng giỏi. Từ Văn Chiêu theo về hàng, dẫu sao thì đó cũng là mối lợi lớn, thân làm tướng như Tống Viết Phúc mà không nhận ra, lại còn mắng nhiếc khinh rẻ, thế thì không thể coi là tướng có tài, dẫu là tài…hèn.
Kẻ bất tài thường nghĩ ai cũng bất tài, cho nên mới chủ quan coi thường đối thủ. Như Tống Viết Phúc ra trận, thắng luôn mới là lạ chớ thảm bại mệnh vong thì có gì là lạ đâu.
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)