Bà Từ Dụ mất ngày 5 tháng 4 năm Thành Thái thứ mười ba, tức năm Nhâm Dần (1902) hưởng thọ 92 tuổi. Bà là người thọ nhất trong lịch sử các bà hoàng của nước ta. Mỗi thời có một quan niệm đạo đức khác nhau. Trong thế kỉ XIX, bà Từ Dụ được coi là một mẫu mực của đạo đức hoàng gia. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Nhị tập) đã dành trọn quyển 2 và quyển 3 để chép chuyện về bà. Nay, xin trích hai đoạn nói về nếp sống của bà trong hoàng cung như sau:
“Thái hậu từ khi ra ở cung Gia Thọ (tức là ngày 15 tháng 4 năm 1849 – NKT), triều đình vẫn lấy những của ngon vật lạ trong khắp thiên hạ để phụng dưỡng, nhưng bà rất kiệm ước, mọi thứ vật dụng và ăn mặc đều mộc mạc, chẳng khác gì trước đó cả. Bà thường nói rằng:
– Ta tự xét là chẳng làm được điều gì có ích cho nhà nước nữa, cho nên, việc gì cũng phải tiết kiệm, không dám phung phí.
Bấy giờ có lệ tiến sáp vàng (tức đèn cầy tốt, làm bằng thứ sáp quý, màu vàng – NKT) vào cung, nhưng Thái hậu đốt rất hà tiện, vì thế mà thừa ra, sai cất vào kho. Bà nói:
– Ta còn nhớ gia tư ta hồi ta còn nhỏ cũng chẳng dư dả gì, dầu đèn chẳng đủ để thắp thâu đêm. Nay nhờ trời và nhờ phúc ấm của các bậc tiên đế mà có bốn biển, mà trở nên sang giàu đó thôi. Một sợi tơ, một hạt thóc cũng đều là máu mỡ của dân, nếu lãng phí thì trước đã không ích lợi gì, sau lại mang điều xấu rất đáng tiếc, chi bằng cất giữ để nhà nước chi dùng.
Thái hậu còn cho hay, những lụa là, gấm đoạn và châu ngọc được cung tiến từ trước, đều giao chứa vào kho chớ chưa từng dùng đến, vì tính của Thái hậu không thích lòe loẹt chớ không phải là dè sẻn đến quá mức đâu. Vua vào trong cung, thấy trong các thứ ngự dụng của Thái hậu, có cái quạt giấy nan tre đã cũ, chén bát ăn cơm thì dùng đã lâu ngày, có cái rạn vỡ, bèn sai người hầu đi đổi cái khác, nhưng Thái hậu không cho. Vua lại thấy cái túi đựng hạt thủy tinh để xoa mắt đã cũ, xin đem đổi cái túi mới, Thái hậu nói rằng:
– Cái hạt thủy tinh để xoa mắt chỉ làm cho mắt hơi mát mà thôi, việc chữa trị không công hiệu lắm. (Thời ấy, người ta quan niệm rằng, nếu lấy hạt thủy tinh, loại to như hòn bi trẻ con ngày nay chơi đem xoa đều vào mắt thì mắt sẽ sáng ra – NKT). Nếu đem đổi cái mới thì để lâu nó cũng cũ đi, chi bằng cứ để nguyên cái cũ đổi mà làm gì?
Những sự kiệm ước (của Thái hậu) đại loại là như thế.”
…Thái hậu thường ngăn cản họ ngoại, không cho cầu xin. Bấy giờ có người trong họ không chăm học nhưng lại xin làm Thị vệ. Thái hậu nghe được, nói rằng:
– Người trong làng trong họ, lo gì không hiển đạt, chỉ sợ không có tài mà thôi. Trước đã thương cấp tiền gạo và làm nhà cửa, khiến có điều kiện để chuyên tâm học hành, để may mà đỗ đạt thì cũng là làm rạng danh cho nhà. Nào ngờ, hắn chỉ như cây gỗ mục, không thể đem mà đục hay chạm gì được.. lười việc học hành mà dám cầu cạnh, phụ ý tác thành của ta. Vả chăng, Thị vệ cũng là chức vụ, lẽ đâu lạm bổ được. Người trong làng trong họ, nếu được bổ làm quan thì cũng chỉ vâng mệnh chầu hầu, đâu được bắt đi tòng quân dự việc ở xa. Giá như cứ hễ xin là được thì chẳng lẽ người trong làng trong họ, ai cũng làm quan hay sao ? Việc ấy thực là trái với ý của thân già này.
Có người tố cáo rằng, người trong làng trong họ (của Thái hậu) tham nhũng. Việc đến tai, Thái hậu nói với Vua rằng:
– Người trong làng trong họ vốn chẳng có công trạng gì, may nhờ gia ấm mà được bổ làm quan. Vậy, phải cẩn thận giữ phép tắc, bảo vệ cho tròn gia ấm nhưng cũng phải làm sao để cho người trong làng trong họ không phạm pháp, không làm những điều xấu xa nữa.
Vua sai triệu người ấy đến kinh để răn bảo, nói rõ lần sau mà còn tái phạm thì sẽ nghiêm trị”.
Lời bàn:
Không quên quá khứ của mình, điều ấy thoạt nghe thì tưởng là rất bình thường, nhưng xem ra không phải ai cũng có thể sống như thế được, thậm chí, ngay cả khi cảnh nghèo hèn chưa hẳn đã qua, người ta đã vội vã đẩy nó vào dĩ vãng. Bà Từ Dụ nhớ rất rõ quá khứ của mình, nhưng nhớ không phải để mà nhớ, quan trọng hơn, nhớ để sống sao cho thanh đạm và giản dị, biết quý sức lao động của người đã cung đốn của cải cho mình. Dân thường mà như thế đã đáng khen, ở ngôi sang cả như bà lại càng đáng khen hơn nữa.
Thời ấy có câu: Một người làm quan cả họ được nhờ. Xem ra, với họ hàng của bà ở đất Gò Công, câu này chưa được đúng. Bà sẵn lòng giúp người, nhưng giúp là để tạo điều kiện cho họ vươn tới chớ không phải giúp để biến họ thành kẻ đục khoét của dân. Đáng kính thay!
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)