Nước Lỗ có người ở một mình một nhà. Bên láng giềng có người đàn bà góa cũng ở một mình một nhà.
Một đêm, mưa to, gió lớn, nhà người đàn bà đổ, người đàn bà sang xin ngủ nhờ nhà người láng giếng. Người láng giềng đóng cửa, không cho vào. Người đàn bà đứng trước cửa sổ, nói rằng:
– Ngươi sao bất nhân thế! Không cho ta vào ư?
Người láng giềng đáp:
– Ta nghe đàn ông, đàn bà sáu mươi tuổi trở lên mới ở chung được. Nay ngươi còn trẻ, mà ta cũng còn trẻ, cho nên ta không cho ngươi vào ngủ nhờ được.
Người đàn bà nói:
– Ngươi sao không làm như ông Liễu Hạ Huệ ủ người con gái ngồi vào lòng mà không tai tiếng gì?
– Ông Liễu Hạ Huệ thì thế được, ta đây thật chưa thế được. Ví ta cho ngươi vào mà ta không được như ông Liễu Hạ Huệ thì thà rằng, ta không cho ngươi vào, mà ta cũng giữ không tai tiếng gì được như ông Liễu Hạ Huệ. Thế chẳng là ta không làm theo như Liễu Hạ Huệ mà cũng được như Liễu Hạ Huệ ư?
Khổng Tử nghe chuyện, nói:
– Phải lắm! Kẻ muốn học ông Liễu Hạ Huệ chưa ai giống được như người nước Lỗ này: Mong làm điều rất phải không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật là khôn”.
Lã Thị Xuân Thu
LỜI BÀN:
Cái tình cảnh éo le khó xử thật!. Đêm khuya trời mưa gió, một người đàn ông trẻ tuổi có nên tiếp một người đàn bà trẻ tuổi vào nhà không? Không tiếp thì là bất nhân, vì không chịu cứu giúp một kẻ yếu đuối đang gặp lúc mưa gió khổ thân. Tiếp, thì là bất nghĩa và không khỏi cái tiếng trai gái có tình ý, mang cái tội tà dâm bất chính. Một đằng bất nhân, một đằng bất nghĩa, chọn đàng nào vì cái tình cảnh không sao giữ trọn vẹn được cả đôi đàng? Dễ chỉ có làm như ông Vân Trường đốt đuốc cầm suốt đêm chỗ trước cửa cho hai chị dâu ngủ, họa mới rõ là người nghĩa sĩ mà thôi. Như người nước Lỗ đây đành là bất nhân, cố giữ lấy cái “nghĩa” là theo lý tưởng rất nghiêm bên Á Đông ta là: “Nam nữ hữu biệt”.
(Theo “Cổ học tinh hoa”
của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)