Người làm quận trưởng một quốc gia nếu mà bất nhân thì không thể nào nói phải với họ được nữa! Quốc gia suy yếu, ngoại biến đến nơi, họ vẫn cho là yên; thiên tai nhân họa xảy ra luôn luôn, họ không biết là hại; xa xỉ ăn chơi, bạo ngược tàn ác đi đến con đường diệt vong, họ vẫn lấy làm vui sướng. Hạng bất nhân ấy, nếu còn phải được với họ thì đã chả đến nỗi có những chuyện mất nước tan nhà!
Ngày trước có đứa trẻ hát câu:
“Thương Lang chi thuỷ thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh.
Thương Lang chi thuỷ trọ hề, khả dĩ trạc ngã túc”.
Nghĩa là: Nước sông Thương Lang nếu mà trong thì ta dùng để giặt giải mũ ta. Nước sông Thương Lang nếu mà đục, thì ta dùng để rửa chân ta.
Khổng Tử nghe thấy, bảo học trò rằng:
– Chúng con nghe đấy: Nước trong thì tự khắc người ta mới giặt giải mũ, đục thì tự khắc người ta chỉ để rửa chân. Đó đều là do nước tự thủ(1) cả.
Ôi! Việc thiên hạ cái gì mà chẳng do tự thủ! Người ta tất tự khinh(2) mình trước, rồi người ngoài mới khinh sau; nhà mình tất tự huỷ(3) nhà mình trước, rồi người ngoài mới huỷ sau; nước mình tất tự phạt(4) nước mình trước, rồi người ngoài mới phạt sau.
Cũng tức như câu ở thiên Thái Giáp(5): “Thiên tác nghiệt, bất khả vị. Tự tác nghiệt bất khả hoạt”. Nghĩa là giời làm tai vạ còn tu tỉnh để mà tránh được, nếu mình gây ra tai vạ thì mình làm mình chịu, chẳng có thể trốn tránh mà thoát chết được.
Mạnh Tử
Lời bàn: Kẻ có quốc gia mà đã bất nhân thì tâm thần mê muội, công việc đảo điên, không còn biết phải trái là gì nữa, nguy cũng mặc, tai cũng mặc, đến mất đứt cũng mặc. Kịp khi đã bại hoại, diệt vong rồi thì lại đổ cho mệnh giời, quy tội cho người, có biết đâu là tự chính mình gây nên mối hoạ cho mình cả. Có thân không biết tu, có nhà không biết trị, có nước không biết giữ, thế là khiến cho người ta khinh mình, bảo cho người ta phá mình, mời cho người ta đánh mình. ÔI! Sự biến cố mấy khi tự dưng mọc ra đâu, muôn sự do tự mình hết cả. Nên người có trách nhiệm giữ quốc gia nên nhớ lấy cái nghĩa “tự thủ” để tránh lấy cái tai vạ “tự túc”.
(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)
(1) Tự thủ: mình tự chuốc lấy cho mình không dự gì đến người khác.
(2) Tự khinh: tự mình làm đê tiện nhân cách của mình.
(3) Tự huỷ: tự mình làm cho mình hỏng nát.
(4) Tự phạt: tự mình phá hại làm cho mình tồi tàn
(5) Thái Giáp: tên một thiên trong Kinh Thư